Vệ sinh như thế nào để tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản?

Thời sự - 05/16/2024

Trên thực tế, vẫn còn nhiều chị em chưa biết cách vệ sinh vùng kín đúng cách hoặc mắc một số sai lầm khi vệ sinh hàng ngày dẫn đến dễ mắc các bệnh về phụ khoa.

Theo các bác sĩ sản phụ khoa, bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ có vị trí gần cơ quan bài tiết phân và nước tiểu khiến cho vùng này luôn ẩm ướt, kết hợp với cấu trúc mở hẳn ra ngoài nên rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày.

Các vấn đề thông thường về phụ khoa chị em hay gặp phải như: Vùng kín ẩm ướt hoặc khô rát, ra nhiều khí hư, có mùi hôi, ngứa ngáy, khó chịu… Những điều tế nhị này khiến chị em phụ nữ thiếu tự tin, giảm hấp dẫn và khiến 'đối tác' giảm ham muốn khi quan hệ.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nhiễm phụ khoa sẽ gây ra các hậu quả nặng nề với sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản. Khi viêm âm đạo lây lan đến lớp tế bào tuyến trong cổ tử cung, sẽ gây viêm tử cung và vòi trứng, thậm chí dẫn đến viêm nhiễm vùng chậu và tắc vòi trứng, gây vô sinh. Do vậy, việc vệ sinh vùng kín hằng ngày, đúng cách là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng ngừa mắc cũng như tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Vệ sinh như thế nào để tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản?

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều chị em chưa biết cách vệ sinh vùng kín đúng cách hoặc mắc một số sai lầm khi vệ sinh hàng ngày dẫn đến dễ mắc các bệnh về phụ khoa. Chẳng hạn, theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, một trong những thói quen tai hại mà nhiều chị em mắc phải là việc tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc. Điều này rất sai lầm bởi sẽ gây mất cân bằng hệ sinh lý vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi tăng sinh gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Hơn thế, nhiều chị em còn dùng vòi xịt xối thẳng nước vào sâu trong âm đạo. Việc làm này lại vô tình đẩy ngược vi khuẩn lên trên tử cung, gây viêm loét và có thể dẫn tới tắc ống dẫn trứng, gây vô sinh.

Bên cạnh đó, không ít người, đặc biệt là chị em ở các vùng nông thôn có thói quen dùng nước muối để vệ sinh vùng kín hàng ngày. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dù nước muối là nước sạch nhưng không nên dùng nước muối tự pha vì chúng ta không kiểm soát được nồng độ, chất lượng, chưa kể đến việc nó có thể gây ra sự thay đổi môi trường âm đạo.

Vệ sinh như thế nào là đúng cách?

Để giữ vùng kín luôn sạch sẽ, tránh mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các chuyên gia khuyến cáo, chị em nên tắm rửa thường xuyên đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt. Vệ sinh âm hộ hằng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đi đại tiện. 

Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo. Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên. Tránh lội và ngâm mình lâu ở vùng nước ô nhiễm. 

Trong kỳ kinh dùng băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng (4 giờ phải thay một lần). Vệ sinh cho cả hai người trước, sau khi quan hệ tình dục bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh hàng ngày.

Hiện nay, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại dung dịch vệ sinh phụ khoa, mỗi loại lại có một công dụng, chức năng, thiên về các bệnh lý khác nhau. Do đó, các bác sĩ sản khoa lưu ý, khi sử dụng bất cứ sản phẩm gì, cần có sự chỉ dẫn của nhân viên y tế, đọc kỹ thành phần của sản phẩm.

Chị em nên sử dụng sản phẩm pha sẵn của những nhà sản xuất có uy tín. Đặc biệt những sản phẩm chuyên dùng để vệ sinh vùng kín, ngoài thành phần muối còn bổ sung thêm các chất khác (như chất làm sạch, chất khử mùi, chất dưỡng da…) để vừa làm sạch, vừa khử mùi lại bảo vệ niêm mạc vùng kín.

Không nên dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch... để tắm rửa. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Ngày 25/2/2019, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030. Trong đó, chú trọng xã hội hóa việc xây dựng và triển khai chương trình phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, sức khỏe tình dục; hướng dẫn triển khai các hoạt động dự phòng, tầm soát, kiểm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng, từng bước mở rộng nội dung, địa bàn để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!