Viêm đường tiết niệu: Cảnh giác biến chứng

Cần biết - 03/28/2024

Bệnh viêm đường tiết niệu là bệnh viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra.

Viêm đường tiết niệu là căn bệnh phát sinh với tỷ lệ cao ở cả hai giới, ở tất cả các độ tuổi. Sự viêm nhiễm này không đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh lúc đầu nhưng có thể nó sẽ gây đau rát và khó chịu. Đặc biệt khi vi khuẩn kháng lại các thuốc thông thường thì tình trạng đau đớn, khó chịu sẽ càng khó chữa hơn. Viêm đường tiết niệu nếu không được điều trị sớm bệnh có thể biến chứng dẫn đến viêm thận, viêm niệu thận...

Tại sao bị viêm đường tiết niệu?

Phần lớn viêm đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào đường niệu. Vi khuẩn xâm nhập chủ yếu theo đường viêm ngược dòng, từ bộ phận sinh dục ngoài rồi lan lên trên thận. Đầu tiên, mầm bệnh lây từ phân trong đại tràng vào bộ phận sinh dục ngoài. Chúng gây viêm niệu đạo, bàng quang và cứ thế xâm nhập và viêm lan lên trên. Gần như tất cả đều có chung một con đường gây bệnh.

Đại đa số các trường hợp do vi khuẩn Escherichia coli gây ra bởi vi khuẩn này có khả năng thâm nhập trực tiếp vào đường tiết niệu, hoặc qua sinh hoạt tình dục, qua các dụng cụ đặt xông dẫn lưu, phẫu thuật nội soi..., ngoài ra còn có các loại vi khuẩn như: Klebsiella, Proteus, Staphylococcus saprophyticus.

Các yếu tố thuận lợi cho viêm đường tiết niệu xảy ra là: sỏi đường tiết niệu, ứ trệ nước tiểu do u, phì đại tuyến tiền liệt, sinh hoạt tình dục với người bị bệnh đường sinh dục - tiết niệu mà không dùng phương tiện bảo vệ, mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, già yếu, suy kiệt... Viêm đường tiết niệu rất dễ tái phát nếu không điều trị dứt điểm, tận gốc.

Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào cơ quan bị viêm. Nếu vi khuẩn trú ngụ ở bàng quang, tức viêm bàng quang, việc viêm nhiễm không mấy nghiêm trọng. Nhưng nếu vi khuẩn xâm nhập tới thận, tức viêm thận, tính chất viêm nhiễm trong trường hợp này lại trở nên nghiêm trọng và cần phải đi khám ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, nguyên nhân chính gây viêm đường tiết niệu là quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu. Ngoài ra người ta còn gặp một số người cao tuổi bị viêm đường tiết niệu do vi nấm.

Một nguyên do khác gặp phải ở phụ nữ mãn kinh. Do bị khô màng nhầy vì thiếu hụt estrogen, vi khuẩn dễ dàng lấn chiếm. Các tác nhân gây viêm sẽ phát triển nhanh hơn do khan hiếm doderlein ở vùng âm hộ, mà đây là vũ khí chống lại các mầm bệnh.

Ở những phụ nữ phải ngâm mình trong môi trường ẩm ướt lâu dài và thiếu ý thức vệ sinh, việc nhiễm khuẩn đường tiết niệu là điều dễ hiểu.

Viêm đường tiết niệu: Cảnh giác biến chứng

Vi khuẩn xâm nhập đường tiết niệu gây viêm.

Triệu chứng của bệnh

Một số triệu chứng hay gặp viêm đường tiết niệu là đau lưng. Đau lưng có thể âm ỉ và xuất hiện từng lúc nhưng có khi đau thành cơn rõ rệt, nhất là những lúc có bưng bê hoặc xách, mang vật nặng. Nhiều trường hợp có sốt và rét run (tuy nhiên ở người cao tuổi có sức đề kháng kém thì sốt nhẹ hoặc không sốt mà chỉ thấy ớn lạnh), đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt. Màu của nước tiểu có thể đục, có thể màu hồng (đái ra máu đại thể). Nếu viêm đường tiết niệu do có vật cản như sỏi đường tiết niệu thì thường kèm theo đau lưng hoặc có cơn đau quặn thận có thể bị đái dắt, đái buốt... Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu, ngoài các triệu chứng lâm sàng cần làm các xét nghiệm có liên quan như siêu âm, chụp Xquang, xét nghiệm nước tiểu tìm căn nguyên vi khuẩn bằng cách cấy nước tiểu đúng thường quy mới hy vọng tìm ra căn nguyên gây nhiễm khuẩn.

Biến chứng của viêm đường tiết niệu

Nhiều người khi có biểu hiện của bệnh viêm đường tiết niệu vẫn cố đợi và nghĩ rằng là những biểu hiện đái nhiều hoặc đái buốt nó chỉ là những biểu hiện thoáng qua mà không điều trị.

Khi không điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ nặng lên và khi đó điều trị rất khó, ngay cả trường hợp đơn thuần là viêm bàng quang. Viêm bàng quang mà phát hiện sớm thì điều trị đơn giản nhưng nếu để muộn thì điều trị khó hơn và ngược lại viêm bàng quang đó có thể gây ra những nhiễm khuẩn ngược chiều nên thành viêm thận viêm niệu thận thì khi đó nó lại chuyển thành tình trạng rất nặng nề.

Điều trị

Viêm đường tiết niệu không điều trị sớm sẽ làm giảm chức năng của bàng quang hoặc thận ở cả nam giới và nữ giới, thậm chí hệ tiết niệu có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Cách điều trị thông thường đối với bệnh này là sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn. Đặc biệt là cần phải chữa trị dứt điểm và vệ sinh đúng cách nếu không bệnh tái phát lại sẽ nặng hơn và khó chữa hơn.

Tất cả các trường hợp viêm đường tiết niệu gây ra sốt đều phải điều trị dứt điểm. Cần lưu ý là, nếu như trẻ viêm đường tiết niệu có biểu hiện sốt cao, kéo dài, nhiễm độc thì bố mẹ phải đưa trẻ ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng chống bệnh này, có thể kết hợp dùng thảo dược và vệ sinh sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn viêm nhiễm. Nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong, nên uống ít nhất 1,5 đến khoảng 2 lít nước mỗi ngày có thể là nước lọc, nước râu ngô, bông mã đề... để giúp làm loãng nước tiểu và góp phần loại bỏ vi khuẩn. Đây là một biện pháp phòng bệnh viêm đường tiết niệu hữu hiệu.

Tuyệt đối không được nhịn tiểu bởi nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu bị ngưng đọng và ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Tránh mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu khó thoát mồ hôi. Không sử dụng thường xuyên các sản phẩm thụt rửa không phù hợp có chứa chất kiềm, có chất sát khuẩn... Bổ sung dinh dưỡng bằng cách thường xuyên uống vitamin C bổ sung...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!