Viêm khớp dạng thấp

Bệnh A-Z - 05/18/2024

Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

 Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Bệnh viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau đớn, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Bệnh gây ra do tình trạng rối loạn tự miễn của cơ thể. Viêm nhiễm cũng xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể như phổi, mắt, tim, mạch máu, da và dây thần kinh nhưng khá hiếm.

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của bạn như khả năng viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn cho bạn khi đi đứng và cúi người.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?

Triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp phần lớn là đau khớp và xơ cứng khớp, nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài. Tình trạng xơ cứng khớp thường đỡ hơn khi bạn cử động. Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và nhanh hết.

Những triệu chứng khác bao gồm: bỏng hoặc ngứa mắt, mệt mỏi, nổi ung nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nhịp thở ngắn, nốt sần da, yếu và sốt cao. Khớp có thể bị đỏ, sưng tấy, mềm, biến dạng và nóng.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các hoạt dịch – niêm mạc của lớp màng bao quanh khớp của bạn. Kết quả là gây ra tình trạng viêm nhiễm và cuối cùng có thể phá hủy sụn và xương bên trong khớp. Ngoài ra các gân và dây chằng giữ các khớp với nhau cũng bị giãn và suy yếu khiến cho khớp bị biến dạng và mất tính liên kết.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết được điều gì gây ra tình trạng rối loạn miễn dịch này. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể có liên quan vì một số gen mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus nhất định và từ đó có thể làm khởi phát bệnh.

Nguy cơ mắc phải

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm khớp dạng thấp?

Cứ 100 người trưởng thành thì có 1 đến 5 người bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp?

Những yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới;
  • Tuổi tác: viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất bắt đầu trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi;
  • Di truyền: nếu một thành viên của gia đình bạn có viêm khớp dạng thấp, bạn có thể làm tăng nguy cơ của bệnh.

Điều trị hiệu quả

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì những dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh này khá giống với những bệnh tật khác.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thông qua bệnh sử, kiểm tra lâm sàng các khớp bị đau hay sưng, chỉ định chụp X-quang và xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu có thể bao gồm đo tốc độ lắng hồng cầu (ESR) để đo mức độ viêm, đếm tế bào máu (CBC) và xét nghiệm nhân tố dạng thấp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp?

Cách tốt nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp là sử dụng thuốc, kết hợp với tập thể dục và vận động để khớp được vận động và tăng độ dẻo dai của cơ bắp, đồng thời sẽ giúp bạn giảm căng thẳng tinh thần để các khớp được thả lỏng.

Những loại thuốc kháng viêm không chứa steroid như naproxen và ibuprofen sẽ được chỉ định cho bạn để giảm đau và sưng. Bác sĩ cũng sẽ cho bạn thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn ở khớp. Các loại thuốc DMARD phổ biến bao gồm methotrexate (Trexall), leflunomide (Arava), hydroxychloroquine (Plaquenil) và sulfasalazine (Azulfidine).

Bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên tập tập vật lý trị liệu và các bài tập đặc biệt như ngâm nước nóng, chiếu đèn nhiệt 250 watt làm ấm khớp, miếng dán nóng và trị liệu giảm đau bằng xoáy nước để hỗ trợ điều trị viêm khớp và hồi phục sau điều trị.

Nếu thuốc không ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương khớp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa các khớp bị hư hỏng. Phẫu thuật có thể giúp giảm đau và khôi phục khả năng sử dụng khớp của bạn.

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật thay thế khớp hoàn toàn: ở phẫu thuật này bác sĩ sẽ loại bỏ những phần khớp bị hư hỏng và thay thế bằng một vật nhân tạo;
  • Phẫu thuật sửa gân: phẫu thuật này sẽ giúp sửa chữa các gân bị lỏng hoặc đứt do viêm và tổn thương ở khớp;
  • Phẫu thuật chỉnh trục: thường được tiến hành nhằm làm ổn định hoặc giảm đau nếu phẫu thuật thay thế khớp không thể thực hiện được.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp dạng thấp?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng viêm khớp dạng thấp của mình nếu bạn lưu ý những điều sau đây:

  • Dùng thuốc theo chỉ định;
  • Giảm cân nếu bị thừa cân;
  • Trò chuyện hay đọc sách, nghe nhạc, yoga để giảm stress;
  • Tập thể dục thường xuyên. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết bài tập và cường độ tập thích hợp;
  • Bạn phải đi khám ngay hoặc cấp cứu nếu bị sốt cao cùng với khớp bị nóng, tấy đỏ;
  • Bạn không được uống rượu quá mức khi đang điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!