Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định vi-rút Zika lan truyền nhanh, các nước xung quanh như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan... đã có dịch.
Việt Nam lưu hành cả sốt xuất huyết Dengue và chikungunya đều là bệnh do muỗi Aedes truyền (loại truyền vi-rút Zika); mật độ lưu hành muỗi Aedes lớn. Điều kiện khí hậu biến đổi lớn ảnh hưởng quy mô bệnh tật. Với những điều kiện đó, Việt Nam là nước có nguy cơ cao đối với vi-rút Zika.
Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành y tế nâng cấp độ cảnh báo ở mức 2 và triển khai các hoạt động phòng chống dịch do vi-rút Zika giống như khi đã có ca bệnh; tăng cường phối hợp giám sát; áp dụng tờ khai y tế với khách đến từ các nước đang có dịch lớn như Brazil, Colombia...
'Dù là sốt xuất huyết hay vi-rút Zika, để bảo vệ người dân thì phải diệt muỗi. Muốn phòng chống muỗi đốt thì phải diệt bọ gậy, loăng quăng; lật úp tất cả dụng cụ không chứa nước, đậy kín, thả cá...', Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng đề cao vai trong của các biện pháp dự phòng, quan trọng nhất là kiểm soát muỗi. Người dân cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân, đơn giản nhưng không phải ai cũng làm như mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần được tuyên truyền các biện pháp tránh muỗi đốt.
Từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm vi-rút Zika tại 32 tỉnh, thành. Tất cả đều cho kết quả âm tính. Như vậy, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi-rút Zika.
Chia sẻ tại buổi họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh chiều muộn ngày 30/3, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết; tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lan truyền của vi-rút Zika; riêng trong tháng 3, ghi nhận thêm 30 nước.
Đa phần ca nhiễm vi-rút Zika diễn biến nhẹ nhưng nguy hiểm cho phụ nữ mang thai (Ảnh: W.P)
'Nhiều nước bùng phát dịch lớn, một số nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng ghi nhận sự lưu hành của vi-rút. Vì thế, nguy cơ dịch xâm nhập là hoàn toàn có thể. 80% ca bệnh không có triệu chứng, nếu có thì cũng rất nhẹ, vì thế việc kiểm soát phát hiện sớm ca bệnh rất khó. Miễn dịch cộng đồng gần như không có nên khi có mầm bệnh dịch dễ lâu lan', tiến sĩ Phu nói.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh dịch bệnh do vi-rút Zika đang lây lan với tốc độ chóng mặt.
Trong khi đó, tại nước ta dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Theo tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, tại khu vưc phía nam dịch sốt xuất tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tập trung cao tại TP HCM, Đồng Nai, Biên Hòa. Xác định đây là điểm nguy cơ cao, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi…
Bộ trưởng Kim Tiến cũng nhận định; trong mấy tháng đầu năm, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, trong khi đó khí hậu thay đổi bất thường khó có thể dự báo diễn biến của dịch. Sốt xuất huyết cũng rất nguy hiểm, có thể dẫn tử vong; trong khi các ca bệnh do Zika đa phần nhẹ.
Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Ngoài ra bệnh có thể lâytruyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng): Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi; Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng) bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do vi-rút cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền vi-rút Zika qua đường tình dục.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!