Vitamin B12: Cực kỳ cẩn trọng với các tác dụng phụ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12, tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong.

Khi bổ sung bất cứ một loại vitamin nào cũng cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là ở dạng thuốc tiêm, vì có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng!

Tìm hiểu về vitamin B12

Vitamin B12 là tên gọi chung của một nhóm hợp chất hóa học polypyrrole có chứa cobalt và có cấu trúc tương tự nhau như hydroxocobalamin, cyanocobalamin, methylcobalamin…

Vitamin B12 là một vitamin nhóm B tan trong nước, có vai trò hết sức thiết yếu trong cơ thể như:

- Tham gia vào quá trình tổng hợp AND nên có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi và sinh sản của các tế bào ở các mô trong cơ thể.

- Tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid và axít folic.

- Tham gia vào quá trình sản sinh hồng cầu của máu.

- Tham gia vào thành phần cấu tạo bao myelin của dây thần kinh, giúp cho sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh…

Vitamin B12: Cực kỳ cẩn trọng với các tác dụng phụ

Cần thận trọng khi bổ sung vitamin B12 ở dạng thuốc tiêm cho người có cơ địa mẫn cảm

Vitamin B12 có trong nguồn thực phẩm như: thịt, cá, gan, trứng, sữa… Nhu cầu hàng ngày của vitamin B12 từ 1 - 3mcg. Dự trữ của vitamin B12 trong cơ thể chủ yếu nằm ở gan và lượng dự trữ này đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể trong một thời gian dài 5 năm.

Trong dược phẩm, vitamin B12 là các chế phẩm tổng hợp thường được trình bày ở dạng thuốc viên hay thuốc tiêm. Vitamin B12 được chỉ định bổ sung trong các trường hợp sau:

- Suy giảm lượng vitamin B12 trong cơ thể do kém hấp thu.

- Bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia) do không hấp thu vitamin B12 vì thiếu yếu tố nội tại gastromucoprotein giúp hấp thu vitamin B12 trong dịch vị dạ dày.

Điều trị các bệnh lý thần kinh như: viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh tọa…

Thận trọng với các tác dụng phụ

Tuy vitamin B12 là vitamin tan trong nước và lượng dư thừa vitmin B12 trong cơ thể thường được thận đào thải nên ít gây độc tính cho cơ thể, nhưng nếu bổ sung vitamin B12 với liều cao trong một thời gian dài, sẽ gây ra các tác dụng phụ do quá liều:

- Sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12, tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong. Cần thận trọng khi bổ sung vitamin B12 ở dạng thuốc tiêm cho người có cơ địa mẫn cảm (người bị hen suyễn, eczema…).

- Rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon, buồn nôn, tiêu chảy…).

- Nhức đầu…

- Gây tê hay liệt yếu ở tay, chân, mặt.

- Ảnh hưởng trên tim mạch: tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực, cao huyết áp, suy tim.

- Tăng cao gấp 3 lần nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

- Gây tổn thương thần kinh thị giác cho người mắc bệnh Leber (bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh gây mù ở trẻ em).

- Phát ban, ngứa…

Vì vậy, khi bổ sung vitamin B12 cho cơ thể cần phải hết sức thận trọng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Người bệnh nên tuân theo đúng liều lượng chỉ định và nếu xảy ra tác dụng phụ khi bổ sung vitamin B12, cần nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc. Trong trường hợp nghiêm trọng như sốc phản vệ, cao huyết áp, suy tim nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời!

>> Xem thêm: 6 dấu hiệu cảnh báo phải bổ sung vitamin B12 ngay lập tức

DS. Mai Xuân Dũng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!