Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và giải pháp điều trị

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Thử nghiệm Progesterone giúp chúng ta biết buồng trứng của người bệnh có tiết đủ Estrogen hay không.

Các phương tiện chẩn đoán nguyên nhân vô kinh

Bằng các xét nghiệm tương đối đơn giản, chẩn đoán các nguyên nhân vô kinh: có thai, thiểu năng tuyến giáp, u tuyến yên, không rụng trứng. Theo thứ tự:

Loại trừ trường hợp có thai:Bằng siêu âm tử cung và hai phần phụ, định lượng bêta-HCG trong máu. Kết quả, túi thai trong lòng tử cung, lượng bêta-HCG trong máu tăng trên 25 mUI/ml.

Định lượng nồng độ TSH (Thyroid Stimulating Hormone) trong máu: Mặc dù, ít gặp người bệnh vô kinh và chảy sữa bị thiểu năng tuyến giáp nhưng xét nghiệm này không đắt tiền và nếu phát hiện được thiểu năng tuyến giáp sớm thì điều trị rất dễ, đơn giản, ít tốn kém nên chúng ta cần thực hiện định lượng TSH một cách thường quy trong chẩn đoán vô kinh.

Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và giải pháp điều trị

Ảnh minh họa

Định lượng Prolactin (PRL):

Trường hợp PRL cao hoặc nếu có chảy sữa và vô kinh thì chụp X-quang đáy sọ (nhìn từ một bên mặt). Khi hoóc-môn vùng dưới đồi GnRH liên tục kích thích tuyến yên, tuyến yên có thể bị to ra hay bị tăng sản. Trong thiểu năng tuyến giáp nguyên phát, trong các trường hợp suy chức năng buồng trứng sớm, GnRH và gonadotropin - hoóc-môn tuyến yên (FSH và LH) tăng cao thì X-quang đáy sọ có thể có hình ảnh hố yên giãn rộng, hay bị khuyết. Những trường hợp có hội chứng thiểu năng tuyến giáp nguyên phát và PRL-huyết thanh cao có thể bị vô kinh. 

Thử nghiệm Progesterone (PRG): Thử nghiệm này giúp chúng ta biết buồng trứng của người bệnh có tiết đủ Estrogen hay không và đường sinh dục dưới có thông hay không. Chúng ta có thể sử dụng progesterone tiêm bắp, 100mg một lần một ngày hoặc Medroxyprogesterone acetate (MPA) 10mg mỗi viên, uống một viên một ngày trong 5 ngày.

Không nên dùng các viên thuốc ngừa thai vì trong đó có estrogen kèm theo. Trong vòng 2 - 7 ngày, nếu người bệnh ra kinh, có đáp ứng với thử nghiệm progesterone, chúng ta biết chắc rằng đường sinh dục của người bệnh thông, nội mạc tử cung đã được kích thích sẵn và đầy đủ bởi một lượng estrogen nội sinh nên đã có phát triển và đã bong ra sau khi được kích thích bằng progesterone tiêm hay uống. Cũng có đôi khi, dù là rất hiếm gặp, progesterone tiêm hay uống có thể gây ra rụng trứng, trong trường hợp này, người bệnh chỉ ra máu khoảng 14 ngày sau khi ngưng tiêm hay uống progesterone.

Nhưng, ra máu như thế nào mới được coi là có hành kinh, có đáp ứng sau thử nghiệm Progesterone? Nếu người bệnh chỉ ra có một vài giọt máu từ trong âm đạo thì coi như không có đáp ứng, còn nếu máu ra thấm ướt được một ít ở băng vệ sinh thì cũng đủ để được xem là có đáp ứng.

Có hai trường hợp người bệnh không đáp ứng với thử nghiệm progesterone mặc dù nội mạc tử cung đã phát triển đầy đủ bởi một lượng estrogen nội sinh đầy đủ. Trong cả hai trường hợp, nội mạc tử cung đều đã bị hóa màng rụng, do đó không bong ra được dưới tác dụng của progesterone tiêm hoặc uống.

Trường hợp thứ nhất là do nồng độ androgen huyết thanh cao trong hội chứng buồng trứng đa nang.

Trường hợp thứ hai là do thiếu bẩm sinh một men của tuyến thượng thận, men 17-hydroxylase,17-20-lyase, gọi tắt là P450c17, có tác dụng biến đổi progesterone thành androstenedione. Trong trường hợp này, người bệnh thường không phát triển đặc điểm giới tính thứ phát vì không có androstenedione, không có estrogen. Ngoài ra, người bệnh còn bị cao huyết áp, kali huyết thấp, progesterone huyết thanh cao.

Những giải pháp điều trị

Phương pháp điều trị tổng quát:

Duy trì một lối sống lành mạnh vì điều này có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt. Tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày. Những phụ nữ không hoạt động thể chất hoặc hoạt động thể chất quá nhiều cũng thường có nguy cơ bị vô kinh. Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo số lượng calo được tiêu thụ mỗi ngày từ tất cả các nhóm thực phẩm thiết yếu. Biết cân bằng và dung hòa giữa công việc và gia đình, nghỉ ngơi và giải trí.

Điều trị vô kinh một cách hữu hiệu, dựa theo nguyên nhân gây bệnh:

Trường hợp các nguyên nhân ở tầng 1: Các bệnh lý dị tật bẩm sinh, điều trị khó thành công như không có tử cung, tử cung nhi hóa. Trong trường hợp này, có thể dùng thuốc hỗ trợ nội tiết để giúp sự phát triển sinh dục thứ phát, nhưng nhất thiết phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những trường hợp vách ngăn âm đạo thì cắt bỏ vách ngăn, bít kín màng trinh, rạch tạo lỗ nhỏ cho máu kinh thoát ra.

Trên thực tế hay gặp do dính lòng tử cung, nguyên nhân sau nạo phá thai, nạo lòng tử cung nhiều lần sau một nguyên nhân như: polype lòng tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung làm mất đi lớp nội mạc, từ đó khả năng hồi phục nội mạc tử cung mới kém gây ra dính lòng tử cung. Giải pháp, có thể đặt vòng vào lòng tử cung giúp chống dính, đồng thời hỗ trợ thuốc nội tiết sinh dục giúp cho khả năng tái tạo nội mạc được tốt.

Điều trị vô kinh do lao sinh dục cần theo phác đồ điều trị lao, nhất thiết phải tuân thủ thời gian điều trị để có kết quả tốt.

Trong những bệnh lý, teo buồng trứng bẩm sinh, cắt bỏ buồng trứng, điều trị hỗ trợ nội tiết tố nữ. Trường hợp có bệnh lý buồng trứng đa nang, ngoài triệu chứng vô kinh, kinh thưa, than phiền của người bệnh là vô sinh, vì vậy tùy tình trạng bệnh lý, cũng như nhu cầu của người bệnh mà ta có cách điều trị phù hợp. Trường hợp, tạo vòng kinh đều có thể dùng thuốc kháng androgen; trường hợp nhu cầu có con, dùng thuốc kích thích buồng trứng gây rụng trứng và đốt điểm buồng trứng qua nội soi.

Khi làm xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy, PRL-huyết thanh và TSH đều bình thường thì chẩn đoán nguyên nhân vô kinh ở người bệnh có thiếu progesterone do không rụng trứng. Trong trường hợp này, về lâu dài, cần chú ý dự phòng ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư vú do tác dụng liên tục nội tiết tố ngoại sinh, mỗi ngày một ít của estrogen nội sinh mà không có sự đối ứng của progesterone. Nếu người bệnh không cần sinh thêm con, ta chỉ cần cho uống mỗi tháng 12 ngày progesterone như MPA 10mg mỗi ngày, hoặc chúng ta cũng có thể cho người bệnh sử dụng viên thuốc ngừa thai kết hợp.

Vô kinh do u tuyến yên gây tăng prolactin trong máu mà triệu chứng lâm sàng ngoài vô kinh còn kèm theo tiết sữa là do Prolactin bị ức chế tiết FSH, LHnRH theo nhịp làm giảm FSH, LHnRH. Kiểu ức chế trung gian qua hoạt động gây nghiện tăng, điều trị giảm Prolactin sẽ phục hồi chức năng và chu kỳ kinh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng đường trên hay dưới, có kết quả có kinh lại.

Vô kinh gặp trong các bệnh lý toàn thân. Cần thiết điều trị cái gốc của bệnh lý như: bệnh lý suy thận, suy gan, thiếu máu, nhiễm độc… Điều trị nguyên nhân gây ra. Một khi việc điều trị bệnh lý chính, thì việc có kinh trở lại là điều dễ dàng.

Mỗi một nguyên nhân có một phương cách điều trị. Ngoài ra còn kết hợp điều trị các bệnh lý kèm theo, cần đặt mục tiêu nào điều trị ưu tiên để mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho người bệnh. Giải pháp điều trị sẽ dựa vào hệ thống phân tầng để có sự lựa chọn điều trị tốt nhất, kinh tế nhất, an toàn nhất mà người bệnh mong muốn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!