Bệnh vô sinh ở nữ giới

Sức khỏe phụ nữ - 11/24/2024

Nguy cơ hiếm muộn, vô sinh ở phụ nữ thường có liên quan mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt và bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai.

Ở phụ nữ, nguy cơ hiếm muộn, vô sinh thường có liên quan mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào xảy ra ở vùng kín trong thời gian dài thì rất có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai.

Nguyên nhân của vấn đề này có thể là do nạo phá thai, do quan hệ tình dục không an toàn gây nên tình trạng viêm nhiễm, làm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Vì vậy, nhận biết sớm những dấu hiệu có thể dẫn đến vô sinh để từ đó có phương pháp phòng tránh hiệu quả hoặc điều trị kịp thời là một việc làm vô cùng quan trọng.

Một số dấu hiệu cảnh báo vô sinh

Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Nếu chu kỳ kinh của bạn thường xuyên bị sớm hoặc chậm, lượng máu kinh thay đổi thất thường (quá nhiều hoặc quá ít), ngày có kinh kéo dài,… thì có thể đó là triệu chứng suy hoàng thể hoặc viêm nội mạc tử cung. Hai bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng và khó thụ thai.

Một số vấn đề khác như tổn thương cổ tử cung, buồng trứng, tuyến yên hoặc lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, tăng sản tuyến nội mạc tử cung… đều có thể gây ra tình trạng suy buồng trứng, trứng kém chất lượng, trứng không rụng…

Dịch âm đạo bất thường

Các bệnh như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm loét cổ tử cung, viêm nội mạc cổ tử cung, viêm phần phụ, viêm vùng chậu và các bệnh tình dục khác đều có dấu hiệu nhận biết là tình trạng khí hư ra nhiều, có màu vàng, có hình dạng như hạt bã đậu hoặc dạng nước, kèm theo ngứa rát âm đạo… Vì vậy, nếu thấy tình trạng khí hư thất thường, bạn cần đi khám để sàng lọc các bệnh mình có thể gặp và điều trị kịp thời, tránh bệnh nặng thêm, gây khó khăn trong việc có thai.

Âm đạo tiết dịch bất thường, có dịch màu vàng, xanh… kèm theo mùi hôi khó chịu là những biểu hiện của các bệnh viêm nhiễm, nấm âm đạo, viêm nội mạc tử cung hoặc các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Đau bụng kinh âm ỉ

Đau bụng vùng thắt lưng hoặc đau bụng dưới thường là do các bệnh như viêm vùng chậu, viêm loét cổ tử cung, viêm buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, ung thư tử cung, buồng trứng gây ra. Do đó, nếu thường xuyên bị đau bụng kinh, bạn đừng nên xem thường vì đó chính là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe sinh sản của bạn đang gặp trục trặc và về lâu dài có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh.

Vô kinh (không có kinh nguyệt)

Bình thường, nếu nữ giới trên 18 tuổi mà chưa có kinh hoặc đã có kinh mà bị tắc kinh quá 6 tháng liên tiếp thì họ đang mắc phải chứng vô kinh. Điều này dẫn đến việc người phụ nữ sẽ không thể thụ thai được vì trứng không rụng.

Vô kinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn chức năng tuyến yên, dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng…

Thiếu hụt nội tiết tố nữ

Nữ giới khi đến tuổi dậy thì, dưới tác động của nội tiết tố estrogen trong cơ thể thì vùng ngực sẽ phát triển và dần hoàn thiện về kích thước. Tuy nhiên, nếu quá 18 tuổi mà tuyến vú chưa phát triển hoàn toàn có thể là do cơ thể đang thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen. Điều này còn khiến cho buồng trứng phát triển kém và gây suy giảm khả năng thụ thai.

Giao hợp bị đau

Khi quan hệ tình dục, nếu bạn thường xuyên thấy đau, rát ở âm đạo, đây có thể là một dấu hiệu của một số bệnh lý tử cung như u xơ tử cung, bệnh viêm vùng chậu, bệnh ở tử cung, hoặc khuyết tật bẩm sinh tử cung và âm đạo…

Sẩy thai

Nếu thai nhi bị chết khi chưa đầy 140 ngày kể từ thời điểm thụ thai, đây chính là hiện tượng sẩy thai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng gần 30% phụ nữ từng bị sẩy thai hoặc sẩy thai liên tiếp 3 lần có khả năng rất cao bị hiếm muộn, vô sinh.

Cách phòng ngừa vô sinh ở nữ giới

Để phòng ngừa vô sinh, bạn tránh nạo phá thai nhiều lần, quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su, tránh những thói quen thụt rửa âm đạo quá mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những vấn đề ở “cô bé”…

Mong rằng, qua bài viết này, bạn đã thu thập thêm những thông tin về bệnh vô sinh. Nếu nhận thấy mình có bất cứ dấu hiệu đáng báo động nào, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị, bạn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Chuyện hiếm muộn – cần xét nghiệm và giải quyết ra sao? (P1)
  • Khi nào bạn nên khám hiếm muộn?
  • Bệnh vô sinh ở nữ giới

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!