Việt Nam có 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh
Vô sinh là tình trạng nam nữ sau 1 năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà người nữ vẫn không mang thai.
Có thể hiểu vô sinh là hiện tượng mất hay thiếu khả năng sinh sản. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng muốn có con hiện nay khoảng 10 - 15%.
Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên
Ngày nay, giới trẻ hiện có suy nghĩ khá “thoáng” trong các mối quan hệ nam nữ và quan hệ tình dục. Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang trở thành vấn đề quan ngại trong xã hội và nỗi lo của các bậc phụ huynh.
Do nạo phá thai, nữ giới phải chịu hậu quả cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra còn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như: lậu, giang mai, HIV… và nguy cơ vô sinh khi trưởng thành.
Đối với nam giới, nếu quan hệ tình dục sớm, dễ bị chứng rối loạn tình dục như: xuất tinh sớm, bất lực, liệt dương, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này cũng dẫn tới nguy cơ vô sinh ở nam giới.
Theo báo cáo chính thức tại Hội nghị hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9/2018), hàng năm có 250.000 - 300.000 ca nạo phá thai ở Việt Nam và tỷ lệ nạo phá thai, bao gồm cả nạo phá thai ở tuổi vị thành niên/ thành niên ở nước ta còn cao.
Theo báo cáo năm 2017 trong 1.000 ca nạo phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 - 30% các ca nạo phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 – 19.
Nguyên nhân là do các em gái tuổi vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn. Nhiều em gái có thai mà không hề biết mình đang mang bầu. Cho đến khi thai nhi quá lớn mới phát hiện ra và tìm đến cơ sở y tế để ‘giải quyết’ hậu quả.
PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Chủ tịch Hội sức khỏe sinh sản Việt Nam cho biết, có nhiều phương pháp phá thai như: phá thai nội khoa (bằng thuốc), phá thai ngoại khoa (hút thai)… Tuy nhiên, không có phương pháp nào là an toàn tuyệt đối, vẫn có biến chứng trong khi thực hiện thủ thuật. Tác hại nghiêm trọng của việc phá thai là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử nạo phá thai.
Với các em gái còn quá trẻ, chưa có ý thức tự bảo vệ mình, tìm đến các cơ sở phá thai không hợp pháp để thực hiện thủ thuật dẫn đến nhiều biến chứng sau nạo phá thai.
Ảnh minh họa
Một số biến chứng sau nạo phá thai
- Băng huyết.
- Thủng buồng tử cung.
- Rách cổ tử cung.
- Sót nhau thai, ra máu nhiều dẫn đến dễ bị viêm nhiễm.
- Sót thai.
- Rối loạn kinh nguyệt sau nạo, hút thai.
- Tắc vòi trứng/ dính vòi trứng.
- Viêm nhiễm phần phụ do quá trình làm thủ thuật không đảm bảo vô trùng, hoặc chăm sóc giữ gìn vệ sinh sau đó không tốt.
Vô sinh, sang chấn tâm lý - hậu quả của việc nạo phá thai
Một trong các tác hại nghiêm trọng của việc nạo phá thai là dẫn đến vô sinh.
- Vô sinh: Nhiễm trùng vùng kín sau phá thai có thể dẫn đến tắc nghẽn vòi trứng hoặc gây ra thai ngoài tử cung. Ngoài ra còn có nguy cơ dính buồng tử cung.
– Lạc nội mạc tử cung và các bệnh phụ khoa: Là biến chứng thường thấy do lạm dụng hút thai nhiều lần. Cổ tử cung sẽ bị co lại khi hút thai nhiều lần, đặc biệt khi thực hiện không an toàn. Vào thời gian nguyệt san, cổ tử cung sẽ co bóp đẩy máu kinh chạy ngược dòng lại, chảy vào ống dẫn trứng, sau đó có thể chảy vào khoang bụng, bàng quang, trực tràng và lan sang buồng trứng. Điều này làm hình thành lạc nội mạc tử cung do sự di chuyển của các mảnh vụn nội mạc tử cung vào trong cơ quan sinh dục. Từ đây, nguy cơ vô sinh lại càng gia tăng mà biểu hiện trên thực tế, khoảng 40% người bệnh lạc nội mạc tử cung gặp phải hệ lụy vô sinh.
– Rối loạn kinh nguyệt: hút thai nhiều lần gây ảnh hưởng đến tuyến sinh sản điển hình là tử cung. Từ đó dẫn tới triệu chứng rối loạn kinh nguyệt với nhiều dạng như kinh nguyệt không đều, vô kinh…
- Sẹo ở tử cung: Sẹo khiến phụ nữ gặp khó khăn trong vấn đề thụ thai, nhiều bà bầu bị sẩy thai trong các lần mang thai sau.
- Sang chấn tâm lý: Không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe, việc nạo phá thai cũng khiến phụ nữ bị ám ảnh lâu dài về sau, gây nên các chứng bệnh trầm cảm, lãnh cảm. Nhiều phụ nữ sau đó không có được con, luôn có cảm giác tội lỗi, hối hận. Đặc biệt, có những phụ nữ, sau khi nạo phá thai quá nhiều lần, mất khả năng sinh con, bị chồng dày vò sống trong dằn vặt, mặc cảm.
Để tránh mang thai ngoài ý muốn, các chị em trong độ tuổi sinh đẻ cần có biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tối đa sử dụng các thủ thuật nạo phá thai.
Đối với trẻ vị thành niên, các em tránh quan hệ tình dục sớm. Nếu có quan hệ tình dục thì nên sử dụng các biện pháp an toàn như: dùng thuốc tránh thai, bao cao su, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, màng chắn tránh thai…
Trần Huyền
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!