Mùa Trung thu đến, cảnh báo nguy cơ hóc dị vật khi tham dự những bữa tiệc phá cỗ trông Trăng. Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp vì xử trí ban đầu không đúng cách hoặc không kịp thời nên đã xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc...
Mất mạng vì... trà sữa trân châu, sống thực vật chỉ vì... hạt nhãn
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ một thông tin đau lòng về trường hợp tai nạn hy hữu của bé gái 11 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh. Sự việc xảy ra khi hai mẹ con cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Lúc uống trà sữa, có hạt trân châu kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở của bé. Nhận thấy con gái bị nghẹn, không thể hít vào hay thở ra. Người mẹ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich, tuy nhiên tất cả đều không có tác dụng. Khi đưa tới bệnh viện, bé đã tử vong.
Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ hóc dị vật.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã tiếp nhận bé 11 tháng tuổi chuyển tới từ BV tuyến dưới trong tình trạng hôn mê do hóc rau câu. Theo lời kể của gia đình, lúc đang ăn rau câu thì bé bị sặc, tím tái toàn thân. Người nhà đã đưa bé vào BV địa phương cấp cứu. Quãng đường di chuyển mất 20 phút. Khi tới phòng cấp cứu, bé đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở. Bác sĩ đã hồi sức tim phổi cho bé nhưng không có tác dụng. Lúc này đồng tử 2 bên của bé đã giãn, không còn phản xạ thần kinh.
Tại BV Nhi TW, hầu như mùa nhãn, vải nào cũng tiếp nhận một vài trường hợp bị dị vật đường thở do hạt nhãn, hạt vải trôi vào họng. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra rất ít phụ huynh biết sơ cứu đúng cách để cứu được con. Mới đây, bé trai N.T.M. (2 tuổi ở Nam Định) được đưa vào BV Nhi TW trong tình trạng nguy kịch vì hóc hạt nhãn. Người nhà cho biết, cháu bé được người lớn cho ăn nhãn để nguyên quả và hạt.
Trong khi ăn, người lớn và trẻ trêu đùa nhau, cháu bé bật cười nên ho sặc sụa, vì vậy hạt nhãn đã rơi vào đường thở. Sau đó, bé có biểu hiện tím tái cơ thể, ngừng tim, gia đình đã sơ cứu và đưa đến BV huyện. Khi chuyển lên BV Nhi TW, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện hạt nhãn bị mắc ngay ở nắp thanh môn.
Tuy nhiên, do xử lý ban đầu không đúng cách nên khi được đưa đến viện bé M. đã rơi vào trạng thái hôn mê. Dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng do bị tổn thương não vì thiếu oxy lâu nên M. phải sống thực vật.
Không chỉ trẻ em, mà mới đây, BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận và cứu thành công bệnh nhân là cụ ông 87 tuổi (ngụ Tây Ninh) do hóc dị vật vào phổi. Theo đó, trước khi vào BV cấp cứu, cụ ông ăn hạt mít luộc ở nhà. Tuy nhiên, khi vừa ăn chưa kịp nuốt, cụ ông đã bị sặc khiến những mảnh của hạt mít chui thẳng xuống phổi phải, người cụ tím tái, khó thở. Ngay lập tức cụ ông được người nhà đưa vào BV Tây Ninh cấp cứu, sau đó chuyển đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng tưởng chừng như không cứu được.
Tại BV Chợ Rẫy, do tình trạng sức khỏe của người bệnh không cho phép thực hiện thủ thuật kéo dài nên các bác sĩ đã thực hiện nội soi bằng ống mềm để lấy dị vật.
Bảo vệ trẻ an toàn trước các dị vật: Cách nào?
Các bác sĩ cho biết, hóc dị vật thường gặp ở trẻ là hóc hạt lạc, ngô, hạt dưa, hạt na, chôm chôm, nhãn... Ở người lớn, hóc dị vật đường thở xảy ra khi ăn uống bị sặc, nghẹn, chất nôn trào ngược vào đường thở, có thể do nuốt phải đinh, móc câu cá...
Thực tế cho thấy, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi bị hóc dị vật là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt với trẻ em.
BS. Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (BV Nhi TW) lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì các bậc phụ huynh nên khuyến khích ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ...
Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo, tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi...
Thêm vào đó, các bậc cha mẹ nên chú ý, trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương... trong thức ăn. Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.
“Không chỉ với dị vật, đối với trường hợp trẻ bị sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, người lớn cần dốc ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”- BS. Toàn lưu ý.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!