Xã hội hóa để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai

Thời sự - 04/26/2024

Việc thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh thứ phát và tử vong bà mẹ, trẻ em.

Theo báo cáo của Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế), trong vài năm trở lại đây, nguồn phương tiện tránh thai ở nước ta bị thiếu hụt, đặc biệt là không nhập được thuốc tiêm, cấy tránh thai. Các phương tiện tránh thai chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai.

Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai nhất là các phương tiện tránh thai hiện đại ngày càng cao và đa dạng.

Hơn nữa, thực trạng tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn trước kia, đồng thời tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có chiều hướng gia tăng.

Xã hội hóa để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai

Tiếp thị các sản phẩm, phương tiện tránh thai trong Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (Đề án 818). Ảnh: TL

Mặt khác, một tỷ lệ không nhỏ vị thành niên, chưa kết hôn và đã có quan hệ tình dục. Hầu hết nhóm này không muốn sinh con nhưng do rào cản văn hóa, do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản dẫn đến không tiếp cận được biện pháp tránh thai.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất trên khắp cả nước. Trong đó, nhu cầu chưa được đáp ứng cao nhất ở nhóm tuổi từ 15-24.

Ông Nguyễn Kim Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số cho biết, việc thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng tránh thai và hậu quả tất yếu là không khống chế được mức sinh. Ngoài ra còn làm tăng tình trạng nạo phá thai và hậu quả là tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), nếu thiếu 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) trong việc hỗ trợ phương tiện tránh thai sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.

Do đó, theo ông Nguyễn Kim Xuân Nam, an ninh phương tiện tránh thai (nói cách khác là có đủ phương tiện tránh thai đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người dân) là khâu then chốt cuối cùng quyết định kết quả của công tác dân số.

Việc đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai không chỉ giúp tránh thai mà còn góp phần giảm nạo phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, gồm cả HIV.

Ngoài ra, an ninh phương tiện tránh thai đảm bảo cho mọi khách hàng, không phân biệt tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, vị thế xã hội, điều kiện kinh tế và điều kiện sống đều có thể tiếp cận, lựa chọn, sử dụng phương tiện tránh thai đảm bảo chất lượng khi họ có nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Kim Xuân Nam, hiện có ba kênh chính cung ứng các phương tiện tránh thai là: Kênh miễn phí của Nhà nước chủ yếu cung cấp cho các đối tượng ưu tiên của chương trình, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Kênh phân phối có hỗ trợ của Nhà nước gồm tiếp thị xã hội và xã hội hóa chủ yếu tập trung vào các đối tượng có khả năng chi trả và kênh phân phối trên thị trường tự do.

Chính vì vậy, để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai, theo các chuyên gia, cần tăng cường công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu phương tiện tránh thai chất lượng cho người dân; hướng tới sự công bằng trong dịch vụ DS-KHHGĐ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!