Hậu quả do chấn thương mắt để lại thường là rất nặng nề, có thể gây giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu, thậm chí có trường hợp phải bỏ mắt. Chính vì vậy, nhận biết, xử trí chấn thương mắt đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn, góp phần phục hồi mắt tốt hơn.
Một số tổn thương mắt thường gặp
Mắt sưng bầm: Khi bị va chạm hoặc ngã đập với một vật khác vào mắt, ví dụ khi bị một quả bóng đang bay nhanh đập vào mắt khiến mắt bị tổn thương nhẹ.
Quanh mắt lúc này sẽ xuất hiện những vết bầm tím thông thường, cách xử trí đơn giản nhất là sử dụng túi chườm đá, chườm lạnh bằng khăn mát giúp giảm đau và sưng hiệu quả nhất. Sau đó, cần đến gặp bác sĩ để chắc chắn rằng không bị tổn thương bên trong mắt.
Xử trí cấp cứu hóa chất bắn vào mắt phải rửa mắt bằng nước sạch.
Xước giác mạc: Hằng ngày, do vô tình chọc tay vào mắt hoặc do dụi mắt liên tục khi gặp vật thể lạ (cát, bụi...) khiến giác mạc bị xước. Khi đó, tổn thương mắt là rất nhạy cảm với ánh sáng và gây ra cảm giác khó chịu.
Nếu như tác nhân gây xước mắt là những vật thể cáu bẩn có thể làm cho mắt dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn hay nấm. Một số loại vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập qua vết xước, gây ra các tổn thương nghiêm trọng rất nhanh trong vòng 24 giờ, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Nếu bị xước giác mạc, không được dụi mắt và cũng không nên bịt mắt bị thương vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Người bệnh cần nhắm mắt nhẹ hoặc băng hờ một lớp gạc mỏng. Sau đó, tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra mắt bị thương.
Vật nhọn đâm vào mắt: Khi bị tai nạn hoặc bị vật nhọn đâm thẳng vào mắt gây chảy máu, nạn nhân cần bình tĩnh, ngay lập tức nằm ngửa và lót những miếng đệm bông xung quanh mắt bị tổn thương.
Dùng băng y tế hoặc khăn sạch quấn nhẹ quanh đầu, trùm lên trên cốc. Tuyệt đối không băng ép, không đè mạnh lên vết thương vì như vậy có thể gây chấn thương mắt trầm trọng.
Không dụi mắt, không rửa mắt bằng nước hoặc các dung dịch khác. Không tìm cách loại bỏ vật mắc kẹt trong mắt. Không cho nạn nhân ăn uống bất kỳ thứ gì, không dùng các thuốc giảm đau, sau đó đưa ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Hóa chất bắn vào mắt: Nếu vô tình bị hóa chất bắn vào mắt có thể khiến mắt đỏ, đau, bỏng rát, nạn nhân cần ngay lập tức rửa mắt bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất.
Nếu nạn nhân là người lớn, tự rửa mắt bằng cách nhúng mắt vào thau nước sạch từ 10 - 15 phút hoặc để mắt dưới vòi nước đang chảy. Nếu là trẻ nhỏ, đặt bé nằm ngửa và trấn an bé.
Dùng các ngón tay làm rộng mắt, rửa mắt liên tục trong vòng ít nhất 15 - 20 phút bằng nước từ cốc, bình hay vòi nước chảy chậm. Nhắc bé đảo mắt liên tục để tăng hiệu quả rửa mắt. Sau khi rửa mắt, cần đưa nạn nhân đến phòng khám chuyên khoa mắt để được điều trị. Trường hợp nặng, nên chuyển gấp lên tuyến trên. Không dụi mắt, không băng bó mắt.
Viêm mống mắt: Xảy ra sau chấn thương đụng dập hoặc một chấn thương bởi các vật tù như nắm tay hoặc quả bóng... dẫn đến viêm mống mắt (phần màu nâu đen của mắt - bao quanh đồng tử), xảy ra sau khi bị chấn thương mắt.
Bệnh nhân bị viêm mống mắt thể mi thường có các biểu hiện sau: đau nhức âm ỉ, đau nhiều hơn về ban đêm. Thị lực giảm sút ở mức vừa phải, cảm giác như có một màn sương mờ che trước mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng: chói mắt ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng bệnh nhân. So với viêm loét giác mạc, các triệu chứng có mức độ nhẹ hơn.
Viêm mống mắt cần phải điều trị, chính vì vậy, sau khi chấn thương mắt, cần phải được khám và tư vấn cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa tránh nguy cơ giảm thị lực vĩnh viễn.
Phòng ngừa rất quan trọng
Hậu quả do chấn thương mắt để lại thường rất nặng nề, ảnh hưởng cả về mặt chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ như: giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu trên măt. Những trường hợp chấn thương mắt quá nặng gây mù lòa hoặc không giữ được mắt, phải múc bỏ mắt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa chấn thương mắt là vô cùng quan trọng.
Đối với trẻ nhỏ, cần cẩn thận trông coi, chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tránh các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả.
Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo... Để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ. Với sự hiếu động, tinh nghịch của lứa tuổi này, nhất là các em trai, cha mẹ cũng như thầy cô giáo rất cần quan tâm, kịp thời nhắc nhở hướng dẫn trẻ để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với người lớn, cần có ý thức đề phòng tai nạn chấn thương mắt cho tất cả mọi người, đặc biệt công nhân, người làm nông nhiệp. Khi tiếp xúc hóa chất như phun thuốc trừ sâu, làm việc có hóa chất, thợ hàn, thợ tiện..., cần đeo kính bảo vệ mắt dành cho người lao động, thực hiện tuyệt đối nội quy an toàn lao động.
Lời khuyên của thầy thuốc
Sau khi điều trị chấn thương mắt, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường: đau nhức mắt, giảm thị lực, đỏ mắt nhiều hơn, cần thông báo cho bác sĩ.
Người bệnh cần ăn đầy đủ chất giúp nâng cao sức khỏe, bổ sung các vitamin A, C và E để mau lành vết thương; ăn thức ăn dễ tiêu, trái cây để tránh bị táo bón dẫn đến tăng áp lực ở mắt chấn thương khi đi đại tiện.
Do tổn hại thị giác sau chấn thương, người bệnh cần cẩn trọng khi di chuyển để tránh vấp ngã, hụt chân, va chạm do nhìn không rõ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!