Thời tiết giao mùa chính là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch. Vậy xử trí và phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ như thế nào để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Hãy cùng Lily & WeCare tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ là bệnh gì?
Bệnh chân tay miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác và bùng phát thành dịch lớn.
Các loại vi khuẩn, virus luôn tồn tại trong môi trường và trong cơ thể chúng ta nhưng không gây bệnh. Chỉ khi nào gặp điều kiện thích hợp như chuyển mùa, thời tiết ẩm ướt,... thì những vi khuẩn, virus ấy mới chuyển từ thể không hoạt động sang thể hoạt động. Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa, tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Virus gây bệnh tay chân miệng sau khi vào đường ruột, chúng sẽ bắt đầu đi vào hệ bạch huyết, xâm nhập vào các cơ quan của hệ thần kinh trung ương. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra bệnh viêm não, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng cho người bệnh.
Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Do trẻ em có hệ miễn dịch yếu, khả năng chống chọi với vi khuẩn virus kém nên dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt, môi trường mẫu giáo, nhà trẻ là nơi dễ khiến trẻ bị lây bệnh. Do đó, nếu trẻ đang bị nhiễm bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên cho trẻ ở nhà để tránh lây bệnh cho những trẻ khác.
Triệu chứng của bệnh chân tay miệng
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tay chân miệng ở trẻ có những đặc điểm sau:
- Ở giai đoạn đầu, trẻ có triệu chứng như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, hay quấy khóc, đau họng, biếng ăn, bỏ bú, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Sau khoảng 2 - 3 ngày bệnh sẽ bắt đầu nặng dần và xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
- Loét miệng: vết loét đỏ ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi có đường kính từ 2-3 mm.
- Có những nốt dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đùi, mông của trẻ có những nốt phát ban dạng phỏng nước. Chúng xuất hiện khoảng 5 - 7 ngày sau đó để lại vết thâm.
- Trẻ có hiện tượng sốt cao và nôn: Khi gặp dấu hiệu này, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi rất trẻ dễ bị biến chứng.
- Thông thường từ sau 5 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh hoàn toàn nếu không có biến chứng. Các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp ở trẻ khi bị tay chân miệng thường xuất hiện sau 2 đến 5 ngày phát bệnh.
- Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Xử trí khi trẻ mắc chân tay miệng
Trước tiên, khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học và cách ly trẻ với những người xung quanh, để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Cha mẹ khi tiếp xúc với trẻ nên mang khẩu trang y tế cho cả mình và trẻ. Sau khi tiếp xúc hãy nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, việc xử lý chất thải của trẻ là rất quan trọng. Bạn cần xử lý chất thải bằng dung dịch cloramin B trước khi đi vào hệ thống thải chung. Những dụng cụ chăm sóc trẻ như khăn tay, giấy lau, bỉm, tã,... cần phải vứt vào đúng nơi quy định.
Quần áo, tã lót, đồ chơi của trẻ bệnh nên được ngâm vào dung dịch sát khuẩn cloramin B 2% hoặc nước sôi để diệt khuẩn.
Cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn dễ tiêu, không cho trẻ ăn uống các loại thức ăn có vị chua, cay, mặn vì nó dễ làm tổn thương niêm mạc miệng. Nếu trẻ không chịu ăn, bạn cũng không nên ép trẻ mà hãy chia nhỏ bữa ăn thành 4 - 5 bữa. Thay đổi thực đơn trong ngày, chủ yếu cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả sẽ tốt cho hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa.
Chỉ nên cho trẻ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các loại thuốc khác do bác sĩ chỉ định. Không nên tự ý mua kháng sinh về dùng cho trẻ.
Việc kiêng khem tắm rửa khi bị tay chân miệng là hoàn toàn sai lầm. Cha mẹ nên vệ sinh thân thể cho trẻ một cách nhẹ nhàng, sạch sẽ, tránh làm vỡ các mụn nước.
Nhập viện kịp thời khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu: trẻ khó ngủ quấy khóc liên tục, giật mình khi ngủ hay nói nhảm, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi run và co giật, nôn ói nhiều.
Nếu trẻ bị bệnh nặng, có hiện tượng sốt cao, co giật, nôn chớ, nằm ngủ mê man, li bì hoặc quấy khóc liên tục,... thì bạn phải cho trẻ nhập viện ngay để các bác sĩ kịp thời thăm khám và điều trị. Tránh để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như: viêm não, viêm cơ tim, suy tim cấp dẫn đến ngừng tuần hoàn, phù phổi hay suy các cơ quan khác,...
Phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ
Cho đến nay, vẫn chưa có loại vắc-xin nào có thể phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh tay chân miệng. Người lớn cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi làm đồ ăn và chăm sóc cho trẻ.
Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, làm sạch môi trường xung quanh, tạo không gian vui chơi thoáng mát sạch sẽ cho trẻ.
Những dụng cụ như đồ chơi, bát, đũa, thìa, khăn tay, quần áo của trẻ nên được khử khuẩn, đem ra phơi ở những nơi nắng ráo trước khi sử dụng.
Khi có bệnh dịch bùng phát, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
Cho trẻ ăn chín uống sôi.
Tuyệt đối không mớm cơm cho trẻ, rửa tay cho trẻ trước khi ăn và không cho trẻ ăn bốc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!