Hai năm trở lại đây, cả thế giới đã và đang trải qua những đại dịch nguy hiểm, dù không phải là do những loại vi-rút mới gây ra nhưng lại là lần đầu bùng phát thành đại dịch, đe dọa tính mạng hàng triệu người, đặt nhiều nước, châu lục vào tình trạng cảnh báo y tế khẩn cấp. Trước đó là MERS-CoV và Ebola và hiện nay là vi-rút Zika - những cái tên quen thuộc, cảnh báo nguy cơ về mối hiểm họa vẫn luôn tiềm ẩn xung quanh cuộc sống của chúng ta.
Zika có khả năng lây truyền cao hơn nhờ vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes
Vi-rút Zika có khả năng lây lan nhanh chóng. Với các yếu tố làm tăng mức độ nhiễm cao ở một số khu vực, loài muỗi Aedes sinh sôi và phát triển nhanh, cùng với sự thông thương và đi lại nhiều giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Do nhiều người mắc không biểu hiện triệu chứng, nên họ vẫn đi du lịch trong khi nhiễm bệnh.
Zika có khả năng lây truyền cao hơn nhờ vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (Ảnh minh họa: Internet)
Đối với đại dịch MERS, vi-rút có thể truyền từ người sang người khi có tiếp xúc trong phạm vi giới hạn, thường qua đường hô hấp, do loại vi-rút này có thể tồn tại trong không khí một khoảng thời gian nhất định.
Còn vi-rút Ebola có thể lây nhiễm từ người sang người do sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch tiết của người mắc bệnh, hoặc do các vết xước trên niêm mạc hay da của người lành tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm vi-rút bởi chất tiết của người bệnh như ga trải giường, quần áo hoặc kim tiêm đã được sử dụng.
Zika ảnh hưởng nhiều nhất tới phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ nhỏ
Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do vi-rút Zika gây ra. Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm, vi-rút có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai và gây dị tật não teo nhỏ, một tình trạng bệnh trong đó trẻ được sinh ra với đầu nhỏ bất thường và não kém phát triển.
Hầu hết những người chết do các biến chứng liên quan đến MERS đều có những bệnh hoặc rối loạn tiềm ẩn liên quan đến hệ miễn dịch, khiến cơ thể gặp khó khăn trong quá trình chống lại vi-rút. Các bệnh đó bao gồm ung thư, tiểu đường, bệnh tim, phổi hoặc thận cũng như các bệnh khác liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Zika ảnh hưởng nhiều nhất tới phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)
Đối với Ebola, đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh là những người có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người hoặc động vật bị bệnh. Ebola gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất cho người mắc bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, hậu quả nghiêm trọng, được xếp vào nhóm A - Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tỷ lệ tử vong do vi-rút Ebola lên đến 70%.
Với Zika, bên cạnh những hậu quả nghiêm trọng đối với thai nhi, việc phát hiện bệnh sớm cũng đang là mối lo ngại của cơ quan an ninh do hầu hết người nhiễm bệnh không có triệu chứng, vì thế không thể xác định được trong quá trình kiểm tra sàng lọc.
MERS-Cov cũng là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa bệnh. Tỉ lệ tử vong do vi-rút này gây ra là khoảng 40 - 50% số người mắc phải.
Zika để lại ảnh hưởng lâu dài và biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ
Mối đe dọa thực thụ của vi-rút Zika đó là có mối liên quan giữa loại vi-rút này và một khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng gọi là dị tật teo nhỏ não. Trẻ sinh ra bị tật đầu nhỏ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các rối loạn cũng như phần não bị ảnh hưởng, thường chịu nhiều khiếm khuyết trong quá trình phát triển cũng như các vấn đề về thính lực, thị lực. Một nghiên cứu mới được công bố cho biết vi-rút Zika có thể liên quan đến những bất thường nghiêm trọng ở mắt, dẫn tới mù lòa ở trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ.
Tuy nhiên, một nhóm bác sĩ Argentina cho rằng, có nguyên nhân khác không phải do loại vi-rút này gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Năm 2014, một loại hóa chất diệt ấu trùng muỗi (có khả năng gây dị tật ở loại côn trùng gây hại này) đã được bơm vào nguồn nước sinh hoạt tại Brazil để chặn đà sinh sôi của ấu trùng muỗi trong các bồn chứa nước và chính loại hóa chất này có thể là nguyên nhân gây teo não ở trẻ nhỏ.
MERS-CoV chủ yếu gây ra các triệu chứng giống bệnh cảm cúm như ho, sốt và khó thở. Vi-rút này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trên nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Trong trường hợp xấu nhất, người bệnh có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và suy thận dẫn đến tử vong.
Vi-rút Ebola phá vỡ các tế bào trong cơ thể sau khoảng 1 tuần nhiễm bệnh. Các tế bào nổ tung và vô hình chung đưa vi-rút Ebola vào máu. Khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể mới phát hiện sự có mặt của loại vi-rút quái ác nhưng đã quá muộn. Các protein được hệ miễn dịch tiết ra thậm chí còn gây ra tình trạng viêm ở các mạch máu, làm bệnh trầm trọng hơn. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân gần như suy sụp hoàn toàn.
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!