Bệnh thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân khi thời tiết ẩm ướt và mưa nhiều. Trẻ bị thủy đậu nếu không được phát hiện và chữa trị đúng cách sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong. Dưới đây là 10 biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc thủy đậu mà cha mẹ cần hết sức lưu ý.
Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm do Varicella Zoster Virus gây ra. Thông thường những trẻ chưa được tiêm phòng vacxin sẽ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Bệnh có thể rải rác hoặc bùng phát thành dịch vào mùa xuân ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, mẫu giáo,... Quá trình phát bệnh tương đối nhanh, nếu không biết cách chăm sóc và điều trị cẩn thận thì sẽ làm cho bệnh lây lan nhanh hơn và để lại sẹo trên cơ thể, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường không khí. Khi một người bị nhiễm virus thủy đậu nói, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho... thì các virus đó sẽ theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài không khí. Người khác hít phải sẽ bị lây bệnh ngay lập tức. Thông thường, những người lây bệnh sau sẽ bị nặng hơn và lâu khỏi hơn những người truyền bệnh.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Khi mới nhiễm bệnh, trẻ sẽ có những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức trong người. Sau đó, sẽ xuất hiện những nốt phát ban và những nốt phỏng nước trên da và gây ngứa ngáy khó chịu.
Những mụn nước này thường mọc ở dưới chân, sau đó lan lên bụng, mặt và tay, thậm chí là cả trong họng, miệng, đường tiêu hóa. Mụn nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, sau đó dịch sẽ có màu đục như mủ rồi đóng vẩy.
Trên cơ thể trẻ, bạn có thể thấy nhiều dạng mụn mọc khác nhau như ban đỏ, mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vảy xuất hiện cùng một lúc.... Bệnh có thể khỏi sau 1-2 tuần điều trị. Cũng do thời gian phát bệnh tương đối ngắn nên nhiều người đã chủ quan và cho rằng bệnh sẽ có thể tự khỏi mà không gây nguy hiểm.
10 biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc thủy đậu
1. Nhiễm trùng và bội nhiễm thứ phát tại các mụn rộp
Đây là một loại biến chứng nguy hiểm thường gặp ởtrẻ mắc thủy đậu. Các vết mụn phồng thủy đậu sẽ gây nên những tổn thương lớn trên bề mặt da. Khi trẻ gãi ngứa, các nốt mụn đó sẽ bị vỡ, trầy xước, bong tróc và gây ra viêm nhiễm, sưng tấy, lở loét. Tình trạng này gọi là bội nhiễm da thứ phát khiến trẻ càng thấy khó chịu, đau nhức cơ thể. Ngay cả khi đã khỏi bệnh, các mụn thủy đậu này cũng để lại sẹo sâu trên da, nếu không dùng thuốc bôi trị sẹo thì sẽ rất khó hồi phục.
2. Viêm cầu thận cấp
Nếu trẻ bị thủy đậu nặng, có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thận như viêm thận, viêm cầu thận cấp, khiến trẻ đi tiểu ra máu, biến chứng này có thể kéo dài nếu trẻ không được điều trị kịp thời.
3. Viêm não, viêm màng não
Đây được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thủy đậu có thể gây viêm màng não vô khuẩn, viêm não và dẫn tới tử vong ở trẻ. Nếu bị biến chứng này, bệnh sẽ rất dễ để lại di chứng dù cho đã được điều trị cẩn thận.
4. Viêm phổi thủy đậu
Biến chứng này thường ít xảy ra, nhưng khi xảy ra thì lại rất nặng và khó trị. Có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, khó thở, thở gấp, sốt cao, ảnh hưởng tới sức khỏe và đường hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
5. Tổn thương thần kinh trung ương
Thêm một biến chứng đặc biệt nguy hiểm khi trẻ mắc thủy đậu. Bệnh thủy đậu có thể gây ảnh hưởng tới não bộ, nhất là tiểu não và hệ thần kinh trung ương, gây tổn hại đến sức khỏe và để lại nhiều di chứng như rối loạn ngôn ngữ nói, liệt thần kinh, trẻ chậm phát triển, động kinh,...
6. Bệnh thủy đậu chu sinh
Với những phụ nữ đang mang thai bị mắc bệnh thủy đậu thì rất nguy hiểm cho thai nhi, nhất là khoảng thời gian 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kì. Khi người mẹ bị bệnh thủy đậu sẽ rất dễ bị sảy thai hoặc con sinh ra sẽ có những khuyết tật bẩm sinh như teo não, đầu nhỏ, sẹo bẩm sinh...
7. Viêm tai
Một biến chứng khác của thủy đậu có thể mắc phải là bệnh viêm tai, viêm tai ngoài, tai giữa. Các mụn thủy đậu có thể mọc trong tai, gây viêm nhiễm, lở loét, bội nhiễm do vi khuẩn khiến bệnh nhân bị biến chứng viêm tai hoặc bị điếc.
8. Nhiễm trùng huyết, xuất huyết
Ngứa là tình trạng chung của những người bị thủy đậu và gãi ngứa chính là phải xạ tự nhiên. Nhưng điều này lại là nguyên nhân khiến các nốt thủy đậu bị vỡ, trầy xước và dẫn đến bị nhiễm khuẩn, gây nhiễm trùng máu, xuất huyết khi vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu.
9. Bệnh zona
Ngay cả khi bệnh đã được chữa khỏi thì virus gy bệnh thủy đậu vẫn còn tồn tại trong cơ thể và gây bệnh zona trong nhiều năm. Bệnh zona cũng là bệnh ngoài da, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
10. Viêm thanh quản
Khi các nốt mụn thủy đậu mọc trong cổ họng hoặc niêm mạc miệng gây viêm nhiễm có thể dẫn đến biến chứng viêm thanh quản, viêm họng ở trẻ.
Trên đây là 10 biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc thủy đậu. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, nhận biết sớm các dấu hiệu để kịp thời chữa trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!