10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Tâm lý - 04/19/2024

Có lẽ bạn đã từng nghe người lớn dặn dò “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mỗi khi đến nhà ai chơi hoặc mời khách ăn cơm. Chúng ta nên giữ ý tứ kể cả những việc nhỏ nhặt nhất khi dùng bữa với bất cứ ai, song cách ăn uống lịch sự nghĩa là thế nào?

Có lẽ bạn đã từng nghe người lớn dặn dò “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mỗi khi đến nhà ai chơi hoặc mời khách ăn cơm. Chúng ta nên giữ ý tứ kể cả những việc nhỏ nhặt nhất khi dùng bữa với bất cứ ai, song cách ăn uống lịch sự nghĩa là thế nào?

Chúng ta thường không quá coi trọng các tiểu tiết lễ nghi khi ăn uống cùng với gia đình hay bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, nếu bạn là chủ nhà đón tiếp khách hoặc đến nhà người khác dùng bữa thì cũng nên lưu ý một chút để tạo ấn tượng tốt.

Bạn cần nắm rõ những quy tắc cơ bản trên mâm cơm người Việt để biết cách ứng xử tinh tế hơn. Hãy cùng học cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn nhé.

1. Cẩn thận khi dùng đũa

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Trong bữa ăn, bạn cần lưu ý đến một hành động tuy nhỏ nhưng thường bị nhiều người rất kiêng kỵ là cắm thẳng đũa vào bát cơm. Nguyên nhân là vì hành động này làm liên tưởng đến việc cúng cơm cho người đã khuất. Ngoài ra, bạn cần phải trở đũa trước khi định gắp thức ăn cho người khác cũng như tránh để đũa chấm trực tiếp vào bát nước chấm hay tô canh dùng chung.

Một số hành vi kém tế nhị khác mà bạn cần tránh có thể kể đến như là ngậm đũa, liếm đầu đũa… Nếu bạn phân vân rằng hành vi nào đó dường như là không được đẹp mắt và kém tinh tế thì tốt nhất là đừng làm nhé.

Để yên tâm hơn thì bạn nên chuẩn bị sẵn sàng một đôi đũa riêng chỉ dùng để gắp thức ăn cho người khác. Một số người cho rằng không nên trở đầu đũa để gắp thức ăn vì đó là phần tay chúng ta cầm nắm, mang nhiều vi khuẩn.

2. Cách bới cơm lịch sự

Nhiều người có cách bới cơm là bới nguyên một lần đầy chén cho nhanh gọn. Tuy nhiên, bạn không nên bới xong cơm bằng một lần bới. Điều này được khuyên dạy là chỉ dành cho việc cúng người đã mất. Ngoài ra, bạn hãy chỉ bới khoảng 2/3 chén cơm thay vì bới cơm quá đầy. Điều này sẽ khiến người khác cảm thấy bất tiện khi muốn gắp thức ăn vào bát, thậm chí một số người sẽ cảm thấy bạn không lịch sự.

Bạn có thể bới cơm bằng khoảng 2 – 3 lần bới sao cho đầy khoảng 2/3 chén cơm. Bạn nên làm một cách từ tốn, hãy chú ý một chút để cơm không bị rơi vung vãi ra ngoài miệng chén.

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

3. Chú ý tư thế khi ăn

Khi ngồi ăn thì bạn nên chú ý đến tư thế ngồi sao cho chỉnh tề một chút. Bạn cần giữ cho lưng thẳng, đặc biệt là không cúi đầu vào món ăn khi bạn ngồi ăn ở trên ghế. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không nên rung đùi vì đây được xem là hành động vô lễ. Bạn cũng không nên để tay dưới bàn hoặc chống tay lên bàn mà hãy bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì bạn có thể đặt phần cổ tay trên bàn nhẹ nhàng.

Nếu bạn ăn mâm cơm được dọn ở chiếu thì khi cần gắp đồ ăn, bạn hãy chỉ chuyển động lưng và tay chứ không được nhấc mông lên. Nếu đồ ăn ở xa quá thì bạn nên nhờ người khác gắp hộ đồ ăn một cách lịch sự.

4. Mời người lớn hơn dùng bữa

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Việc chờ đợi người khác cùng ngồi vào bàn ăn trước khi đụng đũa là phép lịch sự tối thiểu. Bạn nên thực hiện điều này, không chỉ ở bên ngoài xã hội mà đối với cả những người trong gia đình. Hãy chờ đợi tất cả mọi người ngồi đông đủ rồi mới bắt đầu tiến hành việc ăn uống.

Khi làm khách, bạn không được gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chiêu đãi bữa cơm. Điều này chỉ ngoại trừ trường hợp bạn được đề nghị gắp trước vì nếu không bạn sẽ bị đánh giá là tham ăn và không tôn trọng người khác.

Trước khi cầm chén lên, bạn cần mời người lớn hơn mình dùng bữa theo thứ tự từ trên xuống dưới. Tiếp theo, bạn cũng cần chờ đợi người lớn bắt đầu ăn thì bạn mới nên cầm đũa lên nhé.

5. Quan tâm đến người khác khi ăn

Khi bạn làm khách thì ngay cả việc bạn nên ngồi ở đâu cũng cần tuân theo sự sắp xếp của chủ nhà. Bạn không nên tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi. Nếu bạn là chủ nhà thì không nên để người lớn hơn ngồi gần nồi cơm vì điều đó có nghĩa là họ sẽ liên tục phải xới cơm cho người khác. Ngoài ra, bạn cũng để ý để không ai ngồi quá xa mâm cơm sẽ khiến họ khó khăn trong việc gắp thức ăn.

Nếu bạn nhận thấy bàn ăn có ít thức ăn thì bạn cần chú ý ăn ít lại. Đồng thời, bạn hãy chỉ ăn đúng phần ăn của mình, tránh ăn quá phần của người khác…

6. Cách mời rượu bia người lớn

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Nếu như bạn là người nhỏ tuổi hoặc vai vế thấp hơn trong họ hàng thì bạn không được cụng ly ngang hoặc cao hơn vì với nhiều người thì như vậy là vô lễ. Điều này thường không quá được nhiều người chú trọng tuy nhiên bạn cẩn thận vẫn tốt hơn. Đặc biệt khi bạn dùng cơm với các gia đình ở miền Bắc thì càng cần chú ý đến những điều này để tránh bất kính với người lớn.

Lưu ý khi rót rượu cho người lớn tuổi hơn thì một  tay cầm chai, một tay đặt cạnh cổ tay hoặc cầm chai bằng cả hai tay. Khi bạn chủ động mời ai thì nên nâng ly bằng hai tay thể hiện sự kính nể, coi trọng người mình mời.

7. Không trò chuyện khi đang nhai

Thói quen trò chuyện khi miệng còn đầy thức ăn là hành vi bất lịch sự và khiến người khác khó nghe rõ được nội dung bạn muốn nói. Do vậy, bạn cần ăn hết cơm rồi hãy nói điều bạn muốn ngay sau đó.

Bạn cũng lưu ý không nói về những vấn đề dễ gây tranh cãi trong giờ ăn cơm như vấn đề chính trị hay tôn giáo vì đây là quan điểm riêng của mỗi người và nếu có tranh luận gay gắt thì bữa ăn sẽ mất ngon.

8. Không sử dụng điện thoại

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Ai cũng biết việc sử dụng điện thoại tại bàn ăn là hành vi không được lịch sự chút nào. Bạn nên chú tâm vào bữa ăn và những người cùng ăn chung với bạn. Ngoài ra, bạn cũng không nên để các vật dụng không cần thiết trên bàn ăn để tránh gây phiền hà cho người khác, ví dụ như cái túi xách hay xấp giấy tờ….

Trường hợp bạn thực sự cần phải dùng điện thoại ngay lúc đó, hãy nói lời xin lỗi người cùng bàn và nhờ họ thông cảm. Bạn có thể đi ra ngoài nếu cần nghe điện thoại để tránh làm ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

9. Tránh các thói quen xấu khi ăn

Có một số tật xấu mà nhiều người dễ mắc phải khi ăn như vô tình có tiếng nhai chóp chép hoặc lôi son môi ra đánh vì nghĩ chỉ đánh một chút, rất nhanh gọn nên không có vấn đề gì. Ngoài ra, đôi khi bạn có thể vì lỡ gắp trúng miếng thịt mình không thích như nhiều mỡ chẳng hạn nên đã bỏ qua miếng đã gắp và gắp lại miếng khác. Tất cả những điều này đều sẽ khiến bạn bị mất điểm trầm trọng khi người khác nhìn vào.

Bạn cần cố gắng để không tạo ra tiếng động khi nhai thức ăn đồng thời tránh lựa chọn thức ăn. Bạn có thể nhìn kỹ trước khi gắp để không bỏ phí món bạn không ăn được.

10. Ngồi lại dù đã ăn xong trước

10 cách ăn uống lịch sự giúp bạn được quý mến hơn

Nếu bạn ăn xong rồi ngồi dậy liền thì sẽ khiến những người còn ăn cảm thấy ngại ngùng và khó tiếp tục dùng bữa một cách tự nhiên. Vì vậy bạn cần ngồi lại và vui vẻ thư giãn ngay tại chỗ ngồi. Đây là cách tôn trọng người còn cần sử dụng bữa ăn, đặc biệt là đối với người lớn tuổi hơn bạn.

Để tránh tình trạng ăn xong trước người khác và chờ đợi lâu thì bạn cũng cần ăn chậm lại. Bạn nên để ý đến mọi người xung quanh để có tốc độ ăn phù hợp.

Văn hóa ẩm thực nước ta không chỉ phong phú với nhiều món ăn ngon mà còn chú ý đến cách ăn uống lịch sự trong mâm cơm. Bạn sẽ thể hiện được phép lịch sự, chỉn chu, tôn trọng người khác và từ đó được nhiều người quý mến hơn.

Vân Anh| HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn
  • Cách ứng xử tinh tế với những người bị nghiện
  • Làm thế nào để tự tin hơn trong giao tiếp và gặt hái thành công?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!