Khi mua sắm cuối năm, bạn chẳng những khó cưỡng lại các đợt sales 50 – 80% mà còn phải đấu tranh tư tưởng với những ham muốn cá nhân. Liệu có cách nào ngăn ngừa tình trạng cháy túi chỉ vì bạn trót bỏ ra quá nhiều tiền cho món hàng bạn yêu thích?
Thời điểm cuối năm chính là “cơ hội vàng” của các siêu thị và cửa hàng vì ai cũng sẵn sàng chi nhiều tiền để chuẩn bị cho mùa lễ tết. Nếu không đủ tỉnh táo để cưỡng lại những cám dỗ khi mua sắm cuối năm, bạn có thể sẽ rỗng ví ngay từ ngày nhận lương!
1. Cám dỗ “mua sắm cho hết buồn”
Quyết định mua sắm cuối năm để xua tan cảm xúc tiêu cực là lựa chọn của rất nhiều người khi chia tay người yêu, sếp phê bình, công việc không như ý… Đặc biệt, phụ nữ chính là đối tượng dễ sa đà vào “thú vui” này nhất. Thật ra, niềm vui mua sắm chỉ mang tính nhất thời và ngay sau đó bạn có thể ân hận vì đã vung tay quá trán!
Để tránh mua sắm theo cảm xúc, bạn có thể đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực bằng những cách giải trí khác như nghe nhạc, xem phim, tập thể dục… vừa lành mạnh lại tiết kiệm.
2. Cám dỗ “đã mua thì phải đồng bộ”
Bạn có thể từng mua một chiếc đầm dự tiệc lộng lẫy, sau đó mua thêm đôi giày cao gót mảnh mai và các phụ kiện trang sức lóng lánh cho đồng bộ. Đây còn gọi là hiệu ứng tâm lý Diderot, việc sở hữu một món đồ mới sẽ dẫn đến việc tạo ra vòng xoáy mua sắm cuối năm khiến bạn muốn mua nhiều thứ đi kèm theo. Hậu quả là bạn sẽ mua rất nhiều thứ mà bản thân trước đây không hề cần đến.
Cách tốt nhất để cưỡng lại cám dỗ mua đồng bộ là hãy chọn những thứ phù hợp với nhu cầu thu nhập hiện tại thay vì gồng mình chi trả cho những thứ quá xa xỉ với bản thân.
3. Cám dỗ “đời thay đổi khi mình thay đổi”
Bạn lên kế hoạch mua sắm cuối năm để thay đổi hoàn toàn diện mạo theo mục tiêu năm mới hoặc tỏ vẻ hào phóng bằng cách giành làm người chi trả cho các cuộc gặp mặt? Khao khát muốn mình trở nên nổi bật nhất trong cuộc hẹn với đám bạn có thể khiến bạn rỗng ví một cách không cần thiết. Đôi lúc bạn đầu tư quá nhiều vào diện mạo bên ngoài hay các trải nghiệm xa xỉ mà quên mất sức khỏe mới chính là mục tiêu thay đổi cần ưu tiên.
Nếu thật sự tin tưởng vào giá trị bên trong của mình, bạn sẽ không cần phải thay đổi những cách thể hiện bên ngoài.
4. Cám dỗ “đi theo xu hướng mới nhất”
Bạn có thể mua chiếc áo hay một đôi giày chỉ vì chúng đang rất “hợp mốt” khi mua sắm cuối năm. Khi nhìn các người mẫu hay mọi người xung quanh diện các trang phục này, bạn thấy họ thật sành điệu. Tuy nhiên, những thứ hợp thời trang theo xu hướng lại có thể trở thành thảm họa khi bạn soi mình vào trong gương!
Thay vì mua những món đồ hợp thời trang thường rất đắt đỏ, bạn nên chọn các mặt hàng tối giản vừa túi tiền sẽ dễ sử dụng hơn.
5. Cám dỗ “sau này mình có thể sẽ cần”
Không ít người có thói quen lo xa khi mua sắm cuối năm như mua một chiếc áo lông dày để phòng tránh cảm lạnh vào mùa mưa hay một đôi giày size lớn cho con. Những phụ nữ có gia đình lại càng khó cưỡng lại cám dỗ này vì luôn muốn chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho con cái. Khi đó, bạn chẳng những không thể dùng ở hiện tại mà sau này có khi chúng cũng bị bỏ xó vì không dùng tới.
Để không tốn tiền vào những thứ chưa cần tới, bạn cần tập trung vào nhu cầu hiện tại và dũng cảm nói “không” với những vật dụng dành cho tương lai xa nhé.
6. Cám dỗ “giảm giá 50% chỉ trong hôm nay”
Đây là chiêu thức bán hàng tồn cực kỳ hiệu quả mà hầu hết chúng ta đều “dính bẫy” khi đi mua sắm cuối năm. Thực tế, các món hàng này có thể kém chất lượng hoặc hàng lỗi không bán được mà người ta đang muốn thanh lý. Không ít người nhanh chân mua ngay trong ngày, sau đó mang về nhà mới phát hiện ra tiền nào của nấy!
Bạn đừng lo lắng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội giảm giá mà nhắm mắt rút ví ra mua ngay, hãy bình tĩnh tự hỏi lại bản thân: “Mình có thật sự cần món hàng này không?”
7. Cám dỗ “ráng mua 2 cái để được tặng 1”
Khi đi mua sắm cuối năm ở các siêu thị, bạn sẽ thấy nhiều mặt hàng khuyến mãi “mua 2 tặng 1” cực kỳ hấp dẫn. Thậm chí, nhiều khi bạn mua món hàng đó chỉ vì muốn có quà khuyến mãi như cây son dưỡng, ly nước, cái rổ… Cám dỗ “cảm thấy hời” sẽ khiến bạn có thể sẽ tốn gấp đôi tiền chỉ để mua những thứ mình không thật sự cần.
Nếu ở nhà bạn đã có đủ đồ dùng rồi thì tốt nhất đừng mua thêm nữa, tại sao bạn không mua thứ bạn đang thiếu thay vì mua dư thừa chỉ để có đồ khuyến mãi nhỉ!
8. Cám dỗ “cái nào rẻ nhất thì mua”
Đối với người có thu nhập không cao, đây là một cám dỗ khó vượt qua khi đi mua sắm cuối năm. Bạn muốn tiết kiệm tối đa chi phí nên đành chọn những món rẻ nhất mà không hề biết rằng điều này có thể khiến bạn tốn kém hơn khi mua phải hàng kém chất lượng. Để không phải ân hận khi mua sắm, bạn nên chọn những món đồ hơi đắt một chút nhưng có thể sử dụng lâu bền mới tiết kiệm tiền hiệu quả.
Bạn nên quyết định chọn mua một món hàng vì chất lượng hơn là số tiền, nếu món hàng quá đắt thì nên chọn giá vừa tầm hơn thay vì phải chọn cái rẻ nhất.
9. Cám dỗ “mua vì người bán dễ thương quá”
Khi đi mua sắm cuối năm, bạn sẽ trở thành “mục tiêu” của rất nhiều người bán hàng đang muốn tăng doanh số và lợi nhuận. Nhiều người bán hàng có thể khiến bạn mềm lòng vì khen bạn xinh xắn hay có giọng nói dễ thương. Thế là bạn có thể hào phóng mua thêm 2 – 3 món hàng nữa chỉ vì thấy người bán hàng khéo ăn khéo nói!
Bạn có thể đi mua sắm cuối năm với một nhóm bạn, bởi lẽ người bán hàng sẽ khó thuyết phục hết nguyên một nhóm.
10. Cám dỗ “mình thích cái này từ lâu lắm rồi”
Bạn có thể từng rất thích một món đồ từ khi bé vào dịp lễ tết nhưng không được bố mẹ mua cho hoặc trải qua một thời ấu thơ thiếu thốn nên bây giờ bạn muốn chiều chuộng bản thân mình. Dường như bạn luôn cảm thấy lo sợ mình sẽ không thể có được món đồ yêu thích. Hiệu ứng tâm lý này khiến bạn trở nên mất kiểm soát khi đứng trước một món đồ mình đã từng ao ước.
Hãy tưởng tượng những thứ thiết yếu mà bạn cần mang theo khi đi xa như đồ ăn, thức uống, quần áo… Rõ ràng, bạn chẳng cần phải mua sắm quá nhiều để chăm sóc bản thân!
Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn cần lập danh sách cụ thể những thứ mình cần trước khi đi mua sắm cuối năm. Sau đó, bạn gạch bỏ bớt những thứ mình đã có, không nằm trong ngân sách cho phép hoặc không tốt cho sức khỏe. Bạn nên bỏ thẻ ngân hàng ở nhà và chỉ mang vừa đủ số tiền cho mỗi lần mua sắm, khi gặp món hàng vượt quá chỉ tiêu thì tự động bạn sẽ bỏ qua gian hàng đó ngay. Hãy mua sắm một cách khôn ngoan, bạn vừa tiết kiệm được tiền lại vừa có được đúng thứ mình muốn.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bạn có mắc chứng nghiện mua sắm?
- Cần trang bị cho con những gì khi dắt con đi mua sắm?
- 10 bí quyết mua sắm rau củ quả giá tốt
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!