Môi trường công sở dù thoải mái đến đâu vẫn đòi hỏi sự chuyên nghiệp và thái độ tôn trọng, mọi lời nói bất cẩn của bạn đều có thể trở thành lý do khiến cấp trên không muốn giữ bạn lại nữa. Vậy những câu không nên nói với sếp là gì để tránh để lại ấn tượng không tốt?
Đôi khi trong công việc bạn sẽ không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm hoặc có những yêu cầu với cấp trên của mình. Trong những trường hợp này, bạn hãy tỏ ra mình là một người làm việc chuyên nghiệp bằng cách lắng nghe thay vì tranh cãi với sếp.
Bạn sẽ cần thời gian cân nhắc và nói chuyện một cách tế nhị, khéo léo hơn để thể hiện mình là một nhân viên gương mẫu và chuyên nghiệp. Trong trường hợp muốn bày tỏ quan điểm của mình, bạn hãy lưu ý khi nói những câu không nên nói với sếp sau đây.
1.“Em cần tăng lương để lo việc gia đình”
Nguồn: brightside.me
Dù bạn đang có một dự định hay kế hoạch cần chi rất nhiều tiền, như chi phí sinh con, chi phí thuê nhà, mua căn hộ mới thì bạn cũng không nên đề cập đến vấn đề nâng cao mức lương với sếp vì những lý do cá nhân không liên quan đến công việc.
Trong một số trường hợp thực sự khó khăn, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bạn nên dùng năng lực để chứng minh rằng mình xứng đáng được tăng lương hơn là nói những vấn đề của mình để sếp cảm thấy thương cảm.
Nếu muốn tăng lương, bạn nên nói: “Em đã tăng gấp ba năng suất trong 6 tháng qua, hoàn thành chỉ tiêu đúng hạn và ký được những hợp đồng đáng giá cho công ty. Vì vậy em muốn đề xuất với sếp việc tăng lương trong tháng tới…”
2.“Em không còn việc để làm nên sẽ về sớm”
Nguồn: brightside.me
Nếu bạn đang làm trong một môi trường làm việc theo kế hoặc hàng ngày, tự do về giờ giấc hoặc làm nghề freelancer thì bạn hoàn toàn có thể rời công ty sớm nếu bạn đã xong việc. Tuy nhiên, trong những tình huống khác thì điều này sẽ dễ ảnh hưởng xấu đến bạn.
Cụ thể là cấp trên có thể đánh giá bạn không chú tâm đến công việc. Mặt khác, bạn sẽ nhận được một tá nhiệm vụ mới thay vì có thể rời đi. Hãy nhớ không đề cập đến sự nhàm chán của công việc hoặc nói rằng bạn chẳng còn việc gì để làm vì giờ làm việc của công ty là quy định chung mà nhân viên cần tuân thủ.
Nếu bạn có việc gấp phải đi, bạn có thể nói: “Em đã hoàn thành việc hôm nay, xin phép anh/chị cho em về sớm vì có việc đột xuất…”
3.“Đó không phải là lỗi của em đâu ạ”
Nguồn: brightside.me
Khả năng thừa nhận rằng bạn sai, không biện minh và đổ lỗi cho người khác được coi là dấu hiệu của một người trưởng thành. Ngay cả khi bạn có thể phạm sai lầm, bạn vẫn nhận được niềm tin và sự tôn trọng từ người khác.
Nếu lỗi thuộc về đồng nghiệp của bạn thì bạn có thể đề cập một cách kín đáo và tế nhị trong nhiều tình huống khác nhau hoặc cùng tìm cách sửa chữa lỗi lầm đó. Đừng đổ lỗi trực tiếp vì điều này có thể khiến bạn như đang thiên về việc bảo vệ cá nhân mình, thoái thác trách nhiệm trong công việc. Người có khả năng nhìn nhận sai lầm sẽ được sếp đánh giá cao hơn.
Một cách khéo léo hơn để nói và chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm: “Anh/chị nói đúng, em đã bỏ lỡ một số chi tiết. Từ giờ trở đi, em sẽ cẩn thận hơn. Có lẽ chúng ta có thể sửa nó theo cách này … ”
4.”Em không còn gì để nói nữa, em đi đây!”
Nguồn: brightside.me
Cho dù không hài lòng bạn cũng không nên tỏ thái độ bốc đồng với cấp trên như tỏ ra giận dữ, đi ra ngoài và đóng sầm cửa lại. Điều này chứng tỏ bạn không phải là một người làm việc chuyên nghiệp và dễ ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài.
Vì vậy, nếu bạn không vừa ý với quyết định của sếp và có các hành động nóng nảy, mất kiểm soát, bạn sẽ có thể bị đào thải bởi tính cách này của mình. Bạn có thể cố gắng kiểm soát cơn giận dữ và bình tĩnh hơn trước khi trở lại nói chuyện với cấp trên. Lưu ý, bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình theo cách nhìn nhận và góp ý tích cực cho công việc. Một người sếp công tâm sẽ đánh giá cao bạn ở điểm này.
Một cách khác tốt hơn để nói: “Có lẽ như chúng ta chưa tìm được điểm chung trong công việc. Em sẽ dành thời gian để tìm hiểu và suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề này…”
5.”Ở công ty cũ em được đào tạo như vậy”
Nguồn: brightside.me
Việc bạn nói về quyết định của ông chủ cũ hay thói quen của bạn ở môi trường cũ là không quan trọng. Việc này giống như bạn đang so sánh giữa công ty mới và công ty cũ của mình, và dĩ nhiên mỗi môi trường sẽ có cách làm việc khác nhau.
Thêm vào đó, không ai thích những so sánh này vì nó thể hiện bạn là người hơi lười nhác và ngại thay đổi bản thân. Thế giới hiện đại đang phát triển nhanh chóng và những người có tư duy linh hoạt đang trở nên có giá trị hơn những người bảo thủ khó tính.
Nếu bạn cảm thấy công việc vận hành theo cách của bạn sẽ tốt hơn, hãy góp ý một cách khách quan, đưa ra những dẫn chứng hợp lý và xin ý kiến sếp. Ví dụ như “Em đề xuất một cách làm khác ít rủi ro hơn, sếp có thể cho em ý kiến không?”
6.”Được rồi, em sẽ thử làm việc đó”
Nguồn: brightside.me
Theo cấp trên của bạn hiểu thì câu nói này thường có nghĩa là bạn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ mà bạn được yêu cầu. Nếu có điều gì sai, câu nói này sẽ giúp bạn tránh trách nhiệm. Khi giao một nhiệm vụ, cấp trên sẽ xét theo năng lực và mong muốn bạn đảm nhiệm công việc một cách có trách nhiệm. Quan trọng là bạn phải thể hiện kết quả thực sự đạt được thay vì những lời nói suông.
Bạn nên thảo luận về những khó khăn có thể xảy ra trong công việc trước khi nhận nhiệm vụ. Bạn cũng có thể yêu cầu sếp cho thời gian để suy nghĩ thật kỹ về công việc và đưa ra thời gian hoàn thành công việc cụ thể để tạo mức độ tin tưởng.
Hãy nói một cách chắc chắn “Vâng, em sẽ làm ngay”, hoặc nếu cần thời gian suy nghĩ, bạn có thể nói: “Em sẽ trả lời sếp vào ngày mai sau khi sắp xếp lại công việc hiện tại nhé”
7.“Em đang có quá nhiều việc phải làm rồi”
Nguồn: brightside.me
Nếu bạn đang làm dang dở một dự án và công ty yêu cầu bạn làm một sự án hoàn toàn mới, bạn sẽ phản ứng ra sao? Không ít lần chúng ta gặp trường hợp này, tuy nhiên tất cả nhân viên đều làm việc để đạt được mục tiêu chính của công ty. Nếu công việc có thay đổi, bạn cần nhạy bén thích nghi với những điều mới và cố gắng sắp xếp lịch làm việc hiệu quả hơn.
Bạn cũng nên phân rõ công việc nào hiện là ưu tiên và quan trọng hơn để làm. Ở một số trường hợp, bạn có thể sẽ phải bỏ các nhiệm vụ khác để tập trung cho một nhiệm vụ quan trọng mới được giao, vì vậy hãy đề nghị cấp trên tìm người làm thay một số tác vụ trước đó của bạn. Bạn không nên từ chối nhiệm vụ được giao hoặc than phiền mình có quá nhiều việc còn dang dở.
Khi có quá nhiều việc, bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ hoặc hỏi “Em cũng đang làm dang dở cho dự án anh/chị đã giao ngày hôm qua. Em nên ưu tiên nhiệm vụ nào trước ngay bây giờ?”
8.”Em có được thêm tiền từ việc này không?”
Khi làm việc, chúng ta luôn muốn được trả lương xứng đáng. Tuy nhiên, yêu cầu một phần thưởng để giúp đỡ sếp những công việc lặt vặt là không nên chút nào. Bạn có thể cẩn thận từ chối nếu bạn thường xuyên được yêu cầu những công việc không liên quan đến công việc ở công ty.
Trừ khi bạn phải làm thêm số lượng công việc rất nhiều, hoặc bạn đang làm việc bất kể cuối tuần hay ngày lễ, hãy yêu cầu khoản trợ cấp tương xứng với công sức của bạn.
Thay vì đòi hỏi được thưởng, bạn có thể trả lời: “Khi nào sếp cần hoàn thành việc này ạ?”. Có những ‘phần thưởng’ không nhất thiết phải là tiền bạc mà chính là uy tín và giá trị của bạn được khẳng định trong mắt sếp. Mà đây mới chính là cơ sở lâu dài để bạn được tăng lương và thăng chức sau này.
9.”Chuyện đó không phải là việc của em”
Những vấn đề của công ty đều có thể phát triển rất lớn và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty cũng như nhấn chìm sự nghiệp của bạn. Nếu bạn biết cách giải quyết vấn đề, hãy cùng chung tay giúp đỡ thay vì nói những câu không nên nói với sếp của bạn.
Ngay cả khi cách làm của bạn không hiệu quả, ít nhất bạn sẽ thể hiện được sự quan tâm của bạn đến vấn đề của công ty và sếp của bạn có thể sẽ hỏi bạn khi cần lời khuyên. Điều này còn giúp bạn có thêm sự tin tưởng từ cấp trên của mình, thể hiện bạn là một người làm việc rất tận tâm và bạn dễ thành công trong công việc hơn.
Nếu bạn có hướng giải quyết, hãy nói “Em không phải là chuyên gia nhưng có lẽ chúng ta nên làm theo cách này …”
10.”Em không hoàn thành nhiệm vụ là bởi vì… “
Sau khi nghe câu nói này, bất kỳ vị sếp nào cũng có thể sẽ thở dài và cảm thấy không hài lòng. Nếu có điều gì đó bạn không hiểu, bạn nên làm rõ nó trước khi bắt đầu một nhiệm vụ.
Như chúng ta đã biết, khả năng thừa nhận sai lầm và làm việc có trách nhiệm sẽ được đánh giá cao hơn bất kỳ lý do gì. Việc bạn giải thích về những việc đã xảy ra sẽ khiến cấp trên nghĩ rằng bạn là người thiếu trách nhiệm và không chịu lắng nghe.
Thay vì tìm kiếm lý do hay giải thích quá nhiều cho những sai lầm của bạn, hãy khắc phục vấn đề bằng hành động. Bạn chỉ nên nói “Em sẽ sửa lỗi này và sẽ cẩn thận hơn trong lần tới. Cảm ơn sếp đã nhắc nhở em ạ”.
Có những lúc bạn sẽ chán nản và muốn bỏ việc vì cấp trên không hiểu mình hay cấp trên quá hà khắc. Tuy nhiên, nếu thử đặt mình vào vị trí của cấp trên thì bạn sẽ nhận ra những áp lực của mình chỉ là một phần rất nhỏ so với trách nhiệm mà sếp đang gánh trên vai. Hãy tránh những câu không nên nói với sếp, bạn không những trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn được lòng cấp trên vì thái độ tốt nữa đấy!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 9 điều bạn không nên nhân nhượng để có sự nghiệp thành công
- Công việc quá bận rộn? Mách bạn 3 cách tăng năng suất nhưng… giảm giờ làm!
- Bí quyết đơn giản giúp bạn cân bằng cuộc sống và công việc
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!