10 quy tắc để bé có cân nặng chuẩn

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/26/2024

Hello Bacsi - 10 quy tắc giúp bé duy trì cân nặng chuẩn và ổn định là điều quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé.

Giúp bé duy trì cân nặng khỏe mạnh và ổn định là điều quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé. Để làm được điều này, bạn cần lên kế hoạch và xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé. Sau đây là 10 nguyên tắc bạn có thể tham khảo khi xây dựng kế hoạch ăn uống cho con.

1. Kiểm soát những gì bé ăn

Nhiều người thường kiểm soát nguồn thực phẩm cung cấp cho bé bằng cách quyết định mua và nấu những loại thực phẩm nhất định. Bé có thể mè nheo để đòi bạn cho ăn các loại thực phẩm không phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên cứng rắn hơn để lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe bé. Không được chiều theo sở thích của bé. Trong một vài trường hợp, nếu món ăn ưa thích của bé không phải là loại thức ăn sẽ cung cấp cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng, bạn vẫn nên thỉnh thoảng mua chúng để bé không cảm thấy bị thiếu thốn khi ăn.

2. Hãy cho bé quyền lựa chọn và quyết định trong bữa ăn

Khi bạn bày thức ăn ra trên bàn, bé có thể lựa chọn những gì bé sẽ ăn hoặc ăn tất cả. Các bé cần phải có tiếng nói trong vấn đề này, điều này thể hiện sự độc lập, tự chủ và tập cho bé chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Từ những gì bạn bày ra đĩa, bé sẽ lựa chọn những món để ăn và ăn bao nhiêu tùy thích. Tuy điều này nghe có vẻ quá tự do nhưng bạn vốn đã kiểm soát thực phẩm bằng việc chọn thực phẩm để mua và nấu nên đừng quá lo lắng về vấn đề bé sẽ ăn quá nhiều hay quá ít trong bữa ăn.

3. Đừng bắt bé ăn sạch những gì bạn bày ra trong bữa ăn

Đừng bắt bé ăn cho hết thức ăn trên đĩa. Bạn nên cho phép bé ngừng ăn khi cảm thấy no. Rất nhiều bậc cha mẹ dã từng bị buộc phải ăn sạch thức ăn trên đĩa khi còn nhỏ. Vì lý do này, nhiều người cho rằng đây là phương pháp hiệu quả để kiểm soát lượng thực phẩm mà bé nạp vào trong mỗi bữa ăn. Thế nhưng biện pháp này sẽ khiến bé không phản ứng tốt với những dấu hiệu của cơ thể khi no. Khi bé biết chú ý và phản ứng với cảm giác no của chính mình, nguy cơ bé bị bội thực sẽ giảm đi đáng kể.

4. Hãy uốn nắn thói quen ăn uống khi bé còn nhỏ

Sở thích ăn uống của bé thường được phát triển ngay từ những giai đoạn rất sớm trong đời, vậy nên bạn hãy cho bé ăn một chế độ ăn thật đa dạng. Việc bé thích và không thích các món ăn thường hình thành ngay khi bé còn là trẻ sơ sinh, vậy nên hãy cho bé ăn một món ăn mới vào những dịp khác nhau để bé có thể dần dần chấp nhận nó. Không nên ép bé ăn mà hãy khuyến khích bé ăn một vài miếng nhỏ. Ở trẻ lớn hơn, hãy yêu cầu bé thử một miếng nhỏ để dần làm quen với những loại thức ăn mới.

5. Hãy cho bé trải nghiệm những món ăn mới

Bạn đừng cho rằng trẻ con chỉ muốn ăn xúc xích, pizza, bánh mì kẹp thịt, mì ống, phô mai hay kẹo và những món ngọt. Mỗi khi đi ăn bên ngoài, hãy cho bé thử các món mới. Đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bé háo hức được ăn món mới như thế nào. Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho phép bé ăn thử một chút bất cứ món gì bạn đang ăn hoặc gọi một món ăn vặt mới lạ cho bé.

6. Thức uống cũng là một nguồn dinh dưỡng

Bạn nên tính cả lượng calo mà bé nạp vào cơ thể thông qua các loại thức uống. Soda và các loại đồ uống ngọt khác sẽ tăng lượng calo và cản trở việc bé hấp thụ các dinh dưỡng tốt. Nước và sữa là những thức uống tốt nhất dành cho trẻ em. Nước ép rất tốt cho sự phát triển của bé, nhưng bé không cần tới nước ép nguyên chất. Các bé ở độ tuổi trước đi học chỉ cần 1 lượng nước ép khoảng 120 tới 180 ml một ngày là đủ.

7. Hãy hạn chế cho bé ăn đồ ngọt

Việc thỉnh thoảng ăn đồ ngọt là tốt, tuy vậy đừng biến món tráng miệng thành lý do để bé chịu ăn bữa tối. Khi món tráng miệng trở thành giải thưởng dành cho ăn bữa tối, bé sẽ chú trọng tới đồ ngọt hơn là những loại rau củ tốt cho sức khỏe. Hãy cố gắng giữ thái độ trung lập khi bạn cho bé ăn bất kì loại thực phẩm nào.

8. Đừng đánh đồng tình cảm bạn dành cho con vào trong bữa ăn

Bạn có thể có nhiều cách để thể hiện tình cảm với bé, vậy nên đừng đánh đồng tình cảm bạn dành cho con vào bữa ăn của bé. Bạn có thể thể hiện tình cảm của mình tốt hơn bằng những cách khác như ôm, khen ngợi và quan tâm hơn tới bé thay vì chiều ý khi bé vòi vĩnh điều gì đó. Nếu quen vòi vĩnh, bé có thể sử dụng thức ăn như một cách đối phó với bạn.

9. Hãy là tấm gương cho con

Các bé thường có xu hướng bắt chước mọi hành động của bạn, vậy nên hãy trở thành một tấm gương ăn uống lành mạnh cho bé. Khi bạn tập cho bé những thói quen ăn uống lành mạnh, hãy cố gắng để bản thân trở thành tấm gương tốt nhất có thể. Hãy ăn những đồ ăn vặt lành mạnh bổ dưỡng, ăn tại bàn và không bỏ bữa.

10. Hãy giới hạn thời gian bé xem tivi và sử dụng máy tính

Khi làm như vậy, bạn sẽ giúp bé tránh được thói ăn vặt trong vô thức và khuyến khích bé tăng cường hoạt động cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ em bớt xem TV, tỷ lệ phần trăm các chất béo trong cơ thể bé cũng sẽ giảm xuống. Khi thời gian xem truyền hình và sử dụng máy tính được giới hạn, các bé sẽ tìm thấy những hoạt động tích cực hơn để làm. Hơn thế nữa, nếu hạn chế thời gian bên màn hình, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh bé.

Trên đây là những điều cơ bản mà bạn cần biết để có thể kiểm soát được bữa ăn của bé nhưng vẫn đảm bảo bé có thể thưởng thức bữa ăn một cách trọn vẹn nhất. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn thắc mắc, hãy nhờ cậy bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng để có thể được tư vấn và giải đáp.

Bạn có thể quan tâm:

4 điều mẹ cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho con

7 loại thực phẩm tăng cường dinh dưỡng cho con

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!