5 bí quyết xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ 1 tuổi

Dinh dưỡng cho Trẻ - 11/24/2024

Để xây dựng thành công chế độ ăn uống cho trẻ 1 tuổi, mẹ hãy tìm hiểu về nhu cầu năng lượng của con, thực phẩm dinh dưỡng và các lưu ý khác tại Hello Bacsi.

Các mẹ thân mến, chúc mừng mẹ và con của mẹ đã trải qua năm đầu tiên bé đến với thế giới. Mẹ đã hoàn thành rất tốt việc chăm sóc bé bằng sữa và chút thức ăn dặm. Giờ là lúc mẹ tập cho bé trải nghiệm khẩu phần ăn lớn hơn với nhiều món lạ lẫm hơn, và tất nhiên mẹ phải “đối đầu” với một số phản ứng của bé trong việc ăn uống.

Khẩu vị của các bé sẽ thay đổi sau khi vừa thôi nôi. Bé đột ngột kén chọn trong việc ăn uống. Bé sẽ quay đầu đi sau khi mới ăn được vài miếng hoặc kháng cự lại khi đã tới giờ ăn. Thời gian này, bé cần ăn nhiều hơn để cơ thể phát triển, nhưng việc trẻ kén ăn lại ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này. Vì vậy, mẹ cần lên kế hoạch sắp xếp chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé để xây dựng thành công cẩm nang ăn uống cho con 1 tuổi.

Bé 1 tuổi cần bao nhiêu năng lượng mỗi ngày?

Mỗi ngày, bé 1 tuổi cần khoảng 1000 calo để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển, năng lượng và dinh dưỡng. Mẹ cần chia thành 3 nữa ăn nhỏ và 2 bữa ăn nhẹ mỗi ngày cho con, vì những thói quen ăn uống của trẻ ở tuổi này có thể trở nên rất thất thường và không thể áp dụng giống hệt từ ngày này qua ngày khác. Bé có thể ăn những gì bé thấy vào buổi sáng nhưng sẽ quay ngoắt đi, không chịu ăn gì vào các buổi còn lại trong ngày. Một số bé chỉ ăn thức ăn yêu thích của mình trong 3 ngày liền, để rồi có thể không bao giờ nếm lại món ăn đó nữa. Nhu cầu của bé sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bé, tốc độ tăng trưởng và cả sự trao đổi chất.

Mẹ nên làm gì khi bé tìm cách “bỏ bữa”?

Trước hết, mẹ cần sự kiên nhẫn và chút sáng tạo. Mẹ có thể khuyến khích con ăn bằng các trò chơi thú vị, ví dụ như cho bé cầm xúc xắc trên tay khi ăn, hoặc sử dụng một cái đĩa nhựa và cho đồ ăn nhiều màu sắc lên đó rồi hướng dẫn bé chơi trò chọn các thức ăn xinh đẹp mà bé muốn. Mẹ cần chịu khó thay đổi khẩu vị hàng ngày để làm bé thích thú các bữa ăn hơn.

Nếu bé từ chối tất cả mọi thứ, mẹ hãy cho bé ăn vào lúc bé đói. Mẹ nên nhớ, tuyệt nhiên không cho bé ăn kẹo hay món ăn vặt vị ngọt để thay bữa chính. Bánh kẹo hay nước ngọt chứa lượng calo rỗng (nghĩa là món đó chứa trị số calo cao nhưng ít vitamin và khoáng chất) nên làm bé no, nhưng lại chẳng giúp bé tăng cân.

Mẹ cần đảm bảo lượng dinh dưỡng được nạp vào cơ thể của con. Nhưng nếu cố gắng ép buộc bé phải ăn hết thức ăn trong đĩa, bé sẽ không học được cách tự điều chỉnh nhu cầu ăn uống của mình. Nếu mẹ để bé cứ tiếp tục ăn trong khi đã có dấu hiệu no bụng, kết quả là bé bị bội thực. Điều này có thể làm bé biếng ăn và giảm cân. Vì vậy, ban đầu, mẹ nên tính toán đưa cho con lượng thức ăn cao hơn 1000 calo một chút, quan sát bé ăn như thế nào để xem con có ăn hết không rồi mới bắt đầu gia giảm.

Mẹ cần bổ sung thành phần nào vào khẩu phần ăn 1000 calo mỗi ngày cho trẻ 1 tuổi?

Con mẹ cần thực phẩm từ bốn nhóm dinh dưỡng cơ bản gồm:

  • Thịt, cá, thịt gia cầm, trứng;
  • Sản phẩm từ sữa;
  • Rau, củ, quả;
  • Tất cả các loại ngũ cốc, bánh mì, mì ống, gạo và khoai tây.

Khi bé muốn ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà, bố mẹ nên chú ý điều gì?

Vào thời điểm thôi nôi, con của mẹ sẽ có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm chung với các thành viên còn lại trong gia đình với vài lưu ý nhỏ.

Một là, mẹ nên kiểm tra thức ăn đã đủ nguội để bé không bị phỏng miệng, bởi vì bé sẽ tập trung ăn mà không để ý đến nhiệt độ. Hai là, mẹ không nên cho bé ăn những thức ăn nhiều muối, bơ hoặc quá ngọt. Ba là, mẹ nên cho bé trải nghiệm hương vị tự nhiên của thực phẩm. Trẻ nhỏ nhạy cảm hơn người lớn với các hương vị và có thể tự nhè ra các loại thực phẩm nhiều gia vị khó ăn như món có tiêu hay nhiều hành ngò.

Hết sức lưu ý để bé 1 tuổi không gặp “tai nạn” do ăn uống

Bé có thể bị nghẹn vì thức ăn quá lớn so với đường thở. Mẹ cần cho con ăn thức ăn được xay hoặc cắt thành miếng nhỏ, dễ dàng nhai.

Mẹ tuyệt đối KHÔNG đưa cho bé:

  • Các loại quả hạch như quả đào, quả mận, quả táo ta…
  • Nho nguyên trái (mẹ phải cắt làm đôi hoặc làm bốn phần);
  • Cà chua nguyên quả (mẹ phải cắt làm bốn phần);
  • Cà rốt, bắp rang hoặc các loại hạt như hạt bí ngô hoặc hạt hướng dương (đối với cà rốt, mẹ phải cắt hạt lựu nếu muốn cho con ăn);
  • Nguyên cái hoặc phần lớn của xúc xích, lạp xưởng, kẹo cứng, thạch trái cây (mẹ phải cắt hạt lựu xúc xích);
  • Khối bơ đậu phộng (trẻ có thể ăn được nếu mẹ phết bơ đậu phộng lên bánh qui hay bánh mì).

Các bé thường thích làm tất cả mọi thứ cùng một lúc như vừa ăn vừa chạy hoặc vừa nói chuyện. Mẹ cần hạn chế điều này vì sẽ làm tăng nguy cơ bé bị nghẹn. Hãy tập cho bé thói quen không nói khi đang ăn.

Trong ngày sinh nhật đầu tiên của bé hoặc ngay sau đó, mẹ hãy tập cho bé uống bằng ly. Bây giờ, bé sẽ cần ít sữa hơn vì bé sẽ bắt đầu nhận được hầu hết năng lượng từ những thực phẩm dinh dưỡng khác. Do đó, mẹ không cần ép bé uống thật nhiều sữa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!