Điều trị chứng chậm tăng cân ở trẻ

Dinh dưỡng cho Trẻ - 11/24/2024

Làm thế nào để trẻ có thể tăng cân khỏe mạnh? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu liệu pháp dinh dưỡng đối với các độ tuổi và các biện pháp điều trị.

Trẻ chậm tăng cân luôn là mối lo lắng của bạn. Làm thế nào để trẻ có thể tăng cân khỏe mạnh?

Mục tiêu điều trị nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để trẻ bắt kịp cân nặng tiêu chuẩn ở lứa tuổi của mình. Mỗi lứa tuổi cụ thể sẽ tương ứng với một trọng lượng nhất định. Để bắt kịp sự tăng trưởng này, có thể bạn sẽ phải thay đổi chế độ ăn uống, thời gian ăn hoặc điều kiện dinh dưỡng của trẻ. Bạn và bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng nên cùng nhau lên một kế hoạch để có thể đáp ứng các nhu cầu của cả bé và gia đình.

Các hình thức điều trị mà bé cần sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng chậm tăng cân cũng như những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Hầu hết trẻ em bị suy dinh dưỡng từ mức nhẹ đến vừa có thể được chăm sóc tại nhà với sự giúp đỡ của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bé cũng có thể cần sự giúp đỡ của những chuyên gia ở các lĩnh vực khác, ví dụ như chuyên gia dinh dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu hoặc nhà trị liệu về ngôn ngữ, y tá, chuyên gia phát triển ở trẻ nhỏ, bác sĩ tâm lý.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cần được nhập viện ngay từ ban đầu. Trong thời gian ở bệnh viện, chế độ ăn uống cũng như cân nặng của bé sẽ được các chuyên gia theo dõi chặt chẽ.

Liệu pháp dinh dưỡng

Liệu pháp dinh dưỡng là phương pháp điều trị chính áp dụng cho bé bị tăng cân chậm. Mục tiêu của liệu pháp điều trị dinh dưỡng là giúp trẻ “bắt kịp” số cân cần tăng, thường gấp 2 – 3 lần mức tăng bình thường ở trẻ cùng độ tuổi. Phương pháp tốt nhất để giúp tăng lượng calo cho con bạn sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng dinh dưỡng của bé. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra các lời khuyên cần thiết. Trong một số trường hợp, các chuyên gia sẽ đề nghị bạn cho bé uống vitamin tổng hợp để bổ sung chất dinh dưỡng.

Đối với trẻ sơ sinh

Bạn có thể tăng lượng calo trong sữa mẹ bằng cách hút bớt sữa mẹ ra và thêm vào đó một lượng sữa bột. Sự kết hợp này sẽ giúp bổ sung thêm dưỡng chất cho bé. Vì sự an toàn của trẻ sơ sinh, phương pháp điều trị này nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bạn cũng có thể tăng lượng calo trong sữa bột bằng cách thêm ít nước vào bột hoặc làm cho dung dịch đậm đặc hơn, hoặc bằng cách thêm vào các chất bổ sung calo ví dụ như maltodextrin hoặc dầu ngô (bắp). Như đã nói ở trên, để đảm bảo sự an toàn của trẻ sơ sinh, việc điều trị này nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Trẻ sơ sinh từ 0 đến 4 tháng tuổi cần được cho ăn thường xuyên, thường là từ 8 – 12 lần một ngày; trẻ lớn hơn thường cần cho ăn 4 – 6 lần mỗi ngày.  Đối với trẻ lớn hơn, lượng calo có thể được tăng lên bằng cách thêm ngũ cốc gạo hoặc bột sữa vào thức ăn xay nhuyễn của bé.

Đối với trẻ lớn

Ở trẻ lớn hơn, lượng calo mà bé nạp vào có thể được tăng thêm bằng cách thêm phô mai, bơ, kem chua hoặc rau vào bữa ăn của bé, hoặc bằng cách cho bé sử dụng các đồ uống làm từ sữa giàu calo thay vì sữa tươi nguyên kem.

Trong thời gian bé cần bắt kịp nhịp độ tăng trưởng cần thiết, lượng calo và protein mà bé ăn vào quan trọng hơn sự đa dạng của thực phẩm. Ví dụ như nếu một đứa trẻ có thể ăn gà chiên cốm và pizza nhưng lại từ chối tất cả các loại rau thì điều này vẫn có thể chấp nhận được. Trong bữa ăn chính và bữa ăn phụ, bé nên ăn thức ăn đặc trước các chất lỏng. Bé chỉ nên uống 120 – 240 ml nước ép trái cây nguyên chất, không đường mỗi ngày.

Những đứa trẻ lớn hơn nên ăn được thường xuyên (mỗi 2 – 3 giờ nhưng không liên tục). Bé cần có ba bữa chính và ba bữa phụ được sắp xếp phù hợp. Bạn nên canh giờ các bữa ăn phụ sao cho sự thèm ăn của bé đối với các bữa ăn chính sẽ không bị ảnh hưởng (ví dụ như thời gian ăn nhẹ không nên nằm trong khoảng một giờ sau khi ăn, không nên ăn đồ ăn nhẹ ngay lập tức sau khi bé ăn chưa hết một bữa chính). Các món ăn vặt lành mạnh bao gồm bánh quy giòn, bơ đậu phộng, phô mai, trứng luộc, bánh pudding, sữa chua, trái cây tươi hoặc rau hoặc bánh quy. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn cho bé uống vitamin tổng hợp và khoáng chất bổ sung trong một số trường hợp.

Môi trường ăn

Những sự thay đổi về địa điểm ăn có thể tạo hứng thú và giúp bé ăn nhiều hơn. Tất cả các thành viên trong gia đình nên biết được tầm quan trọng của những thay đổi này.

  • Con bạn nên được sắp xếp vị trí ngồi ăn sao cho đầu ngẩng lên và bé cảm thấy thoải mái. Bé nên được cho phép tự ăn (ví dụ như giữ chai sữa hoặc ăn thức ăn cầm tay), nhưng bé cũng có thể cần phải được bón khi ăn bột. Khi con bạn học cách tự ăn, mọi thứ trông sẽ rất bừa bộn. Hãy để bé hoàn thành việc ăn xong rồi hẵng bắt tay vào dọn dẹp.
  • Sự xao nhãng trong thời gian ăn, chẳng hạn như hạn chế mở TV, điện thoại, mở nhạc lớn.
  • Hãy cố định thời gian của các bữa ăn theo một lịch nhất quán, không quan trọng vấn đề ai là người cho bé ăn.
  • Bữa ăn của bé cần thoải mái; bé có thể ăn cùng với các thành viên khác trong gia đình và có những cuộc trò chuyện thú vị. Việc ăn cùng với mọi người cho phép bé có cơ hội quan sát cách người khác lựa chọn thực phẩm và điều này phần nào sẽ khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh của bé.
  • Đừng nản chí nếu con bạn từ chối ăn một món ăn mới. Nhiều bé có thể cần hơn 10 lần thử mới dần bắt đầu chấp nhận ăn thức ăn mới. Trong số những bé có thói quen ăn uống cứng nhắc (ví dụ như trẻ bị tự kỷ), bé có thể cần hơn 30 lần thuyết phục và thử trước khi chấp nhận sự có mặt của các món ăn mới trong bữa ăn hàng ngày.
  • Không nên tranh cãi về vấn đề ăn uống trong bữa ăn; bạn nên khuyến khích chứ không ép trẻ ăn; bạn không nên cho bé nhịn bữa như một hình phạt và ngược lại, bạn không nên dùng thức ăn như một phần thưởng khi bé làm việc gì đó đúng đắn.
  • Bạn nên khen bé khi bé ăn giỏi, nhưng không nên trừng phạt khi bé không có biểu hiện tốt trong việc ăn.

Điều trị y tế

Một số căn bệnh có thể khiến bé chậm tăng cân. Trong trường hợp này, bé cần phải được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ cũng có thể chẩn đoán xem liệu bé có bị dị ứng thức ăn hoặc trào ngược dạ dày thực quản hay không để có thể hướng dẫn bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng và ăn uống hợp lý. Không nên tự ý loại bỏ các nhóm thực phẩm (ví dụ như nhóm các sản phẩm sữa) mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vì điều này có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng. Những trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm trùng thông thường. Vì vậy, bạn cần hướng dẫn trẻ và cả các thành viên trong gia đình rửa tay và tránh tiếp xúc với người bị ốm. Trẻ em nên được tiêm chủng vắc xin đúng tiến độ và đủ liều.

Điều trị hành vi và sự phát triển

Các vấn đề về hành vi và phát triển có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị thiếu cân. Chẳng hạn, nếu bé gặp khó khăn khi nhai hoặc nuốt thức ăn, bé có thể sẽ không thể tiêu thụ đủ lượng calo cần thiết.

Các vấn đề tâm lý xã hội

Trong một số trường hợp, tăng cân chậm có liên quan đến các vấn đề trong gia đình, chẳng hạn như không có đủ lượng thức ăn ở nhà, cha mẹ lo lắng thái quá về việc cho con ăn một số loại thực phẩm (ví dụ như các món ăn có chất béo) hoặc cha mẹ mắc phải các bệnh thể chất và tâm lý (như nghiện rượu/ma túy). Những điều này phần nào đều có thể gián tiếp gây ra chứng chậm tăng cân ở trẻ.

Hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn nhận thấy bé chậm tăng cân. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và giúp bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp cho trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!