Bạn đôi khi thích bệnh để được bố mẹ chăm sóc khi còn bé, nhưng nếu tâm lý này tiếp tục đến khi lớn thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Munchausen. Chứng rối loạn tâm lý này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất.
Những người mắc hội chứng Munchausen có thể “thích bệnh” tới nỗi tự làm thương bản thân để tự tạo ra các triệu chứng bệnh. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán và chữa trị hội chứng nguy hiểm này nhé.
1. Hội chứng Munchausen là gì?
Hội chứng Munchausen là một dạng rối loạn tâm lý mà người mắc liên tục và cố tình hành động như mình bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần khi không thực sự bị bệnh. Đây được coi là một bệnh tâm thần vì có liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc. Hội chứng này được đặt tên theo Baron von Munchausen, một sĩ quan người Đức thế kỷ 18 mắc hội chứng này.
Những người mắc hội chứng Munchausen có thể tự tạo những triệu chứng bệnh cho bản thân để có được sự chăm sóc, chú ý hay cảm thông như những bệnh nhân thật. Hầu hết các triệu chứng liên quan đến bệnh thể chất như đau ngực, các vấn đề về dạ dày hoặc sốt chứ ít khi là các rối loạn tâm thần.
Không có số liệu thống kê số người mắc hội chứng Munchausen nhưng đây được coi là một hội chứng hiếm gặp. Việc thống kê số người mắc hội chứng Munchausen rất khó khăn và không chính xác vì những người này thường không trung thực và thường đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau.
Nhìn chung, hội chứng Munchausen phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Hội chứng này cũng có thể xuất hiện ở trẻ em nhưng lại thường thấy ở người trẻ tuổi.
Những người mắc hội chứng Munchausen có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe, thậm chí tử vong khi tự làm tổn thương bản thân và tự tạo các triệu chứng. Ngoài ra, họ có thể gặp các vấn đề sức khỏe khi thực hiện các xét nghiệm, thủ thuật và phương pháp điều trị cũng như có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện và tự tử cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách ngăn ngừa hội chứng Munchausen.
2. Dấu hiệu của hội chứng Munchausen
Những người mắc hội chứng Munchausen thường cố tình tạo ra hoặc phóng đại các triệu chứng mình có theo nhiều cách. Họ có thể nói dối hoặc ngụy tạo các triệu chứng bằng cách tự làm tổn thương bản thân hay tìm cách thay đổi các kết quả xét nghiệm.
Các dấu hiệu cho thấy một người mắc hội chứng Munchausen bao gồm:
- Có nhiều vết sẹo phẫu thuật.
- Không tự tin và không xác định được bản sắc của bản thân.
- Có tiểu sử bệnh án rất nghiêm trọng nhưng không nhất quán.
- Có kiến thức sâu rộng về bệnh, bệnh viện và thuật ngữ y khoa.
- Chỉ xuất hiện các triệu chứng khi ở cùng người khác hoặc được theo dõi.
- Có thêm nhiều triệu chứng sau khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
- Bệnh tái phát sau khi đã có cải thiện và việc tái phát bệnh này rất thường xảy ra.
- Sẵn sàng hoặc háo hức làm các xét nghiệm y tế, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.
- Từng đi khám tại rất nhiều bệnh viện, phòng khám, thậm chí có thể đi khám ở các thành phố khác nhau.
- Miễn cưỡng khi bác sĩ muốn gặp hoặc nói chuyện với gia đình, bạn bè hoặc các bác sĩ từng chữa trị cho bệnh nhân trước đây.
- Có các triệu chứng không rõ ràng, khó kiểm soát và những triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thay đổi sau khi bắt đầu điều trị.
Các dấu hiệu của hội chứng Munchausen có thể chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong những khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, hội chứng này là tình trạng mãn tính rất khó điều trị.
3. Nguyên nhân gây hội chứng Munchausen
Nguyên nhân chính xác của hội chứng Munchausen vẫn chưa rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hội chứng này có thể do các tác nhân sinh học và tâm lý. Một số lý thuyết cho rằng việc từng bị lạm dụng, bỏ bê khi còn nhỏ hoặc thường xuyên phải nhập viện có thể là nguyên nhân gây hội chứng Munchausen.
Các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu xem các rối loạn nhân cách thường gặp ở những người mắc hội chứng Munchausen có phải nguyên nhân gây ra hội chứng này không.
4. Cách chẩn đoán hội chứng Munchausen
Việc chẩn đoán hội chứng Munchausen rất khó khăn vì sự không trung thực của người mắc. Bên cạnh đó, các bác sĩ phải loại trừ tất cả các bệnh lý về thể chất và tinh thần trước khi chẩn đoán hội chứng Munchausen.
Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu người bệnh đến bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý để chẩn đoán hội chứng Munchausen nếu thuộc các trường hợp sau đây:
– Bác sĩ không tìm thấy các nguyên nhân về mặt thể chất dẫn đến các triệu chứng người bệnh mô tả.
– Bác sĩ thấy các dấu hiệu chỉ ra rằng người bệnh tự gây ra các triệu chứng bệnh.
Bác sĩ tâm thần hay bác sĩ tâm lý sẽ có một số cách đặc biệt để chẩn đoán hội chứng Munchausen. Chẩn đoán này sẽ dựa trên kết quả loại trừ bệnh thể chất hoặc tâm thần của các bác sĩ trước và việc quan sát thái độ và hành vi của bệnh nhân.
5. Cách điều trị hội chứng Munchausen
Mặc dù người mắc hội chứng Munchausen thường chủ động tìm cách điều trị các bệnh mình tưởng tượng ra nhưng lại không sẵn sàng thừa nhận và điều trị hội chứng Munchausen. Điều này khiến việc điều trị cho những người mắc hội chứng Munchausen rất khó khăn và triển vọng phục hồi thấp. Vì vậy, người thân và bác sĩ cần khuyến khích người mắc hội chứng tiếp nhận những phương pháp điều trị hợp lý.
Một phương pháp điều trị cho hội chứng Munchausen là liệu pháp tâm lý hoặc tư vấn với bác sĩ tâm lý. Cách điều trị thường tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ và hành vi của người mắc hội chứng. Bác sĩ cũng có thể hợp tác cùng các thành viên gia đình người mắc hội chứng để tránh tình trạng người nhà ủng hộ hoặc khích lệ các hành vi không đúng của người bệnh.
Không có thuốc để điều trị hội chứng Munchausen. Tuy nhiên, người mắc hội chứng có thể cần dùng thuốc để điều trị bất kỳ bệnh liên quan như trầm cảm hoặc lo lắng. Việc sử dụng thuốc phải được theo dõi cẩn thận vì người mắc hội chứng Munchausen có nguy cơ dùng thuốc theo cách có hại.
Mục tiêu đầu tiên khi điều trị hội chứng Munchausen là sửa đổi hành vi và giảm thiểu việc tưởng tượng ra các bệnh. Khi đạt được mục tiêu này, bác sĩ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề tâm lý tiềm ẩn có thể gây ra hành vi của người mắc hội chứng.
Quá trình điều trị này cũng giúp bệnh nhân tránh các thủ thuật chẩn đoán hoặc điều trị y tế nguy hiểm không cần thiết như phẫu thuật.
Hội chứng Munchausen tuy nguy hiểm nhưng vẫn có thể chữa được nếu bạn kiên nhẫn cùng người mắc bệnh vượt qua. Người mắc hội chứng sẽ có thể tránh được những tổn hại không đáng có nếu được chữa trị đúng cách.
Như Vũ | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Hội chứng Savant: “Bệnh nan y” của các thiên tài
- Bạn đã biết gì về hội chứng Alagille chưa?
- Hội chứng Pica ở trẻ nhỏ: Chứng bệnh kỳ lạ mà bạn nên biết
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!