Nuôi con bằng sữa mẹ là khuyến cáo của các chuyên gia, y bác sĩ dành cho mẹ và bé ít nhất trong 6 tháng đầu sau sinh. Với những ai lần đầu làm mẹ, việc cho con bú chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Không ít mẹ đã tranh thủ tìm hiểu kiến thức trên sách báo, các trang mạng uy tín, và hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, không phải điều gì cũng có trong sách vở, thậm chí chính những người có kinh nghiệm cũng không thể lường hết được điều gì có thể xảy ra khi người phụ nữ thực hiện thiên chức cao cả của mình. Bởi mỗi người là 1 cá thể khác nhau, chỉ có sự cảm nhận trực tiếp mới thấy hết được chuyện cho con bú hóa ra chẳng như ta vẫn nghĩ.
Chỉ có sự cảm nhận trực tiếp mới thấy hết được chuyện cho con bú hóa ra chẳng như ta vẫn nghĩ (Ảnh minh họa)
Dưới đây là những sự thật thú vị xoay quanh chuyện cho con bú, có thể mẹ sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và chưa chắc đã có ai nói cho mẹ hay.
1. Cho bé bú có thể làm mẹ bị đau
Sau khi sinh, việc chăm sóc em bé chiếm nhiều thời gian và công sức của mẹ, đặc biệt là việc cho bé bú. Bú mẹ là bản năng của bất cứ đứa trẻ nào mới sinh, tuy nhiên bản năng ấy không phải thành thục và hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên bé ngậm vú mẹ, thậm chí lần thứ 2, thứ 3 và nhiều lần sau. Đó là cả một quá trình cần sự phối hợp giữa mẹ và bé, từ tư thế cho bú cho đến cách đưa bầu vú sao cho khớp với khuôn miêng nhỏ xinh của bé, để bé có thể mút được sữa một cách tối ưu nhất. Đặc biệt, những ngày đầu cho bé bú, mẹ sẽ có cảm giác hơi đau. Mẹ có thể dùng kem bôi để giảm đau do nứt núm vú, xoa bóp nhẹ nhàng và chườm để giảm đau.
2. Liên tục cho bé bú cũng khiến mẹ mệt mỏi
Trải qua những ngày đầu khó khăn và đau đớn, giờ đây mỗi khi cho con bú, mẹ sẽ cảm nhận có một sự gắn kết mạnh mẽ với em bé của mình. Tuy nhiên, cảm giác này không thực sự hoàn hảo từng giây từng phút như mẹ vẫn nghĩ. Bé có thể bú mẹ liên tục, cứ 2 tiếng một lần, kể cả trong lúc ngủ bé cũng thức dậy để đòi bú tiếp. Vậy nên mẹ hãy chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thiêng liêng nhưng cũng không kém phần vất vả nhé.
Những ngày đầu cho con bú có thể khiến mẹ bị đau và mệt mỏi (Ảnh minh họa)
3. Không phải bé nào cũng thích bú mẹ
Đúng là như vậy. Mẹ cần chuẩn bị tư tưởng rằng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng thích ti mẹ. Mẹ có thể cảm thấy buồn, bị tổn thương nhưng hãy suy xét và bình tĩnh, bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau với tính cách và sở thích không giống nhau. Thay vì ép bé phải bú mẹ trực tiếp, hãy vắt sữa và cho bé bú bình. Nếu cần thiết, sữa công thức cũng là sự thay thế không tồi mà mẹ không cần quá lo lắng hay mặc cảm vì chuyện này.
4. Cho con bú – không phải câu chuyện đầy màu hồng
Ngoài cảm giác đau ban đầu, trong quá trình cho bé bú, không ít mẹ bị tắc tia sữa, nứt núm vú gây đau nhức và mệt mỏi khá nhiều. Cảm giác lo lắng không biết có đủ sữa cho con bú không cũng khiến những ai lần đầu làm mẹ mệt mỏi hơn. Nhiều mẹ cho hay họ chỉ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn sau 5 tháng nuôi con bằng sữa mẹ. Lúc này mọi việc mới có thể tạm đi vào quỹ đạo. Nếu cần sự giúp đỡ, mẹ đừng ngại chia sẻ với người thân và bạn bè để tìm cho mình hướng giải quyết tích cực nhé.
Không phải bé nào cũng thích ti mẹ (Ảnh minh họa)
5. Bé bú liên tục nhưng vẫn có thể bị đói, sụt cân
Những ai lần đầu làm mẹ đều băn khoăn không hiểu vì sao đã cho con bú rất nhiều nhưng bé vẫn khóc ngằn ngặt, thậm chí sụt cân. Trên thực tế, một số mẹ do cơ địa và lí do sức khỏe như rối loạn tuyến giáp, rối loạn nội tiết tố, buồng trứng đa nang nên không tiết đủ sữa để đáp ứng nhu cầu của bé, vậy nên bé khóc là do bị đói, bú chưa đủ no.
Ngoài ra, tình trạng cơ thể mẹ không có đủ các mô tuyến sữa để tiết sữa cũng gây ra tình trạng kém sữa, không tiết đủ cho bé bú. Nếu mẹ thấy bé có hiện tượng trên thì hãy nghĩ đến nguyên nhân và tìm phương án cải thiện.
Bé bú nhiều nhưng vẫn khóc ngằn ngặt vì bú chưa đủ no (Ảnh minh họa)
6. Có một số cách để phán đoán bé đã no hay chưa
Trên thực tế, mẹ có thể quan sát và lắng nghe mỗi khi cho bé bú để phán đoán lượng sữa bé bú được. Nhiều mẹ khi lắng nghe có thể nghe thấy tiếng bé nuốt ừng ực, hai má lõm vào mỗi khi bú, cổ chuyển động mỗi khi nuốt. Hoặc sau khi bé bú xong, mẹ thấy bầu vú mềm ra, không căng như trước nữa. Mặc dù không thể biết chính xác như bé bú bình, nhưng mẹ vẫn có thể quan sát và phán đoán. Ngoài ra, bé tăng cân đều không, bé có vui vẻ sau mỗi lần bú mẹ hay không cũng sẽ giúp mẹ nhận biết phần nào.
Nguồn: Parent
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!