Stress dường như đã trở thành vấn đề không thể tránh khỏi trong đời sống xã hội hiện nay. Nếu nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị stress nặng, bạn có thể phòng tránh được nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Có thể bạn chưa biết nhưng thật ra stress có hai loại là stress xấu và stress tốt chính là:
• Stress tốt (eustress):Stress giúp truyền cảm hứng, thúc đẩy và nâng cao hiệu suất làm việc.
• Stress xấu (distress):Stress khiến bạn kiệt sức, bồn chồn và tác động xấu đến sức khỏe.
Stress với mức độ thấp sẽ không quá gây hại cho cơ thể bởi đó là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại những tình huống tiêu cực về thể chất hoặc tinh thần. Ngược lại, stress xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn ở mức độ từ nhẹ đến nặng.
Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo cơ thể mình đang bị stress nặng để kịp thời điều chỉnh nhé.
1. Bị stress nặng dẫn đến vấn đề tiêu hóa
Stress có thể biểu hiện ra thành nhiều dấu hiệu sức khỏe đáng báo động cho cơ thể. Nhiều trường hợp bạn bị căng thẳng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa khác nhau như táo bón, trào ngược axit, hội chứng ruột kích thích, buồn nôn…
Phản ứng stress sẽ gây áp lực, làm thay đổi hệ thống tiêu hóa do năng lượng bị chuyển sang để ứng phó với những tình huống căng thẳng. Khi stress trở nên quá trầm trọng hoặc xảy ra thường xuyên, cơ thể sẽ không thể phục hồi để hoạt động tối ưu. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa, dẫn đến hàng loạt vấn đề như nóng rát kéo dài, buồn nôn, nôn nhiều lần hoặc thậm chí là hội chứng nôn mửa theo chu kỳ.
Tình trạng ăn uống theo cảm xúc tác động tiêu cực đến tiêu hóa vì những người ăn khi lo lắng dễ bị khó tiêu và đầy hơi. Vì thế, bạn nên dành thời gian để thư giãn trước bữa ăn để cải thiện các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 cách giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa một cách tự nhiên.
2. Bị stress nặng khiến bạn bị rụng tóc
Ở vào trạng thái bình thường, ngay cả khi có tâm trạng thoải mái nhất thì mỗi ngày bạn vẫn sẽ mất đi một số lượng tóc đáng kể. Tuy nhiên, stress và rụng tóc có thể ảnh hưởng lẫn nhau nếu các vấn đề lo âu kéo dài và lặp lại thường xuyên.
Stress có thể gây ra rụng tóc theo 3 cơ chế:
• Bệnh rụng tóc (Alopecia Areata): Khi một lượng lớn tóc đột nhiên rụng khỏi da đầu.
• Rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium): Khi lượng tóc rụng nhiều đến khoảng 70%.
• Bệnh nghiện giật tóc (Trichotillomania): Bệnh khiến bạn thôi thúc muốn tự bứt tóc mình.
Các tình trạng này có thể kéo dài đến khoảng vài tháng sau khi bạn đã trải qua các sự kiện gây stress trước đó. Một số trải nghiệm đáng buồn gây tác động đến tâm lý thường gặp là mất việc, mất đi người thân, đổ vỡ trong chuyện tình cảm…
Để hạn chế nguy cơ rụng tóc, bạn cần chủ động bảo vệ và chăm sóc tóc từ bước lựa chọn loại dầu gội phù hợp với da đầu. Bạn nên thường xuyên massage da đầu nhẹ nhàng với dầu dừa, hương thảo hay oải hương… để giúp giảm lượng tóc rụng.
3. Bị stress nặng làm suy giảm trí nhớ
Mặc dù đôi khi bạn có thể hơi đãng trí, hay quên này nọ nhưng suy giảm trí nhớ rõ ràng không phải là một tình trạng mà bạn nên xem nhẹ. Khi cảm thấy trí nhớ giảm sút, bạn có thể thấy mình quên những chi tiết từ nhỏ đến lớn và sự chú ý tập trung cũng bị giảm đi đáng kể.
Tình trạng suy giảm trí nhớ là hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng và lo âu xảy ra ở hầu hết mọi người, khi cơ thể sản xuất hormone cortisol một cách quá mức. Nhiều nghiên cứu cho thấy hormone cortisol cực kỳ nguy hại cho hoạt động của não bộ và có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ. Vấn đề này còn dẫn đến hàng loạt bệnh như trầm cảm, suy giảm khả năng học tập, cân nặng khó kiểm soát…
Não bộ cần được bổ sung dưỡng chất cần thiết để phát triển mỗi ngày. Một số loại thực phẩm quen thuộc hàng ngày có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ và cải thiện sự tập trung như trứng, mật ong, bơ, cá hồi, rau có lá màu xanh sẫm…
4. Bị stress nặng gây chảy máu cam
Tình trạng chảy máu cam hay chảy máu mũi xảy ra khi có tác động vật lý mạnh khiến mũi bị tổn thương hoặc cũng có thể là do bạn đang bị stress nặng. Sự thay đổi nhiệt độ, môi trường sống hay các sự kiện không vui xảy ra có thể kích hoạt tình trạng stress nặng. Khi đó, áp lực máu sẽ tăng cao kết hợp với màng mũi quá khô sẽ khiến tĩnh mạch và mao mạch rách và chảy máu.
Khi thấy mình bị chảy máu cam, bạn đừng quá hốt hoảng vì sẽ càng làm tình trạng tồi tệ hơn mà thôi. Điều cần làm là bạn hãy kiểm soát hơi thể, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế các thức uống có chứa caffeine để kiểm soát stress hiệu quả.
Bạn không thể hoàn toàn ngăn ngừa chứng chảy máu cam xảy ra, nhưng việc giữ ẩm cho mũi sẽ giúp giảm bớt nguy cơ chảy máu. Bạn có thể nhỏ mũi hoặc phun dung dịch thuốc xịt mũi và tránh không hỉ mũi hay ngoáy mũi quá mạnh vì sẽ gây kích ứng mũi.
5. Bị stress nặng khiến bạn đổ mồ hôi
Cơ thể đổ nhiều mồ hôi đôi khi chính là một dấu hiệu của stress nặng mà bạn lại dễ bỏ qua. Thông thường, bạn sẽ đổ mồ hôi khi thân nhiệt tăng hay do việc tập thể dục kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi ngoại tiết (eccrine sweat glands).
Tuy nhiên, khi cơ thể phản ứng lại với tình trạng bị stress nặng, mồ hôi thường sẽ được tiết ra từ các tuyến đầu tiết (apocrine glands). Mồ hôi tiết ra từ tuyến này thường đặc hơn, ngọt hơn cũng như dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển hơn. Tình trạng này thường xảy ra ở các khu vực có nhiều lông rậm như bộ phận sinh dục hay vùng dưới cánh tay.
Bạn nên chú ý đến những loại thức ăn và nước uống mình nạp vào cơ thể mỗi ngày vì chúng có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Các thức ăn cay, nóng, rượu và các loại thức uống chứa caffeine nên hạn chế lại khi bạn thấy mình ra mồ hôi nhiều bất thường.
6. Bị stress nặng làm suy yếu hệ miễn dịch
Khi cơ thể bạn phải chống lại các tác nhân gây stress, vùng dưới đồi tuyến yên – cơ quan có tác dụng chống lại nguy hiểm sẽ bắt đầu hoạt động. Ngoài cortisol, vùng dưới đồi tuyến yên còn sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh có tên là catecholamine. Loại hormone steroid này sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch bằng cách gửi các “tế bào chiến đấu” đến chống lại nguy hiểm xảy ra cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu stress diễn ra quá thường xuyên và kéo dài, các bộ phận khác trong cơ thể sẽ bị thiếu các “tế bào chiến đấu”. Khi ấy, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của sự suy yếu, dễ bị tổn thương trước nhiễm trùng và thời gian để bạn hồi phục khỏi bệnh cũng sẽ kéo dài.
Bạn có thể áp dụng cách tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên qua lối sống lành mạnh. Điều quan trọng nhất chính là bạn cần đầu tư cho một giấc ngủ chất lượng để cơ thể phục hồi và lấy lại năng lượng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 10 cách tự nhiên giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch.
Áp lực từ công việc và cuộc sống hàng ngày sẽ khiến bạn gặp phải căng thẳng ở nhiều mức độ khác nhau. Đừng nên để bị stress nặng mới bắt đầu lo âu vì khi ấy cơ thể bạn sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn. Bạn nên sớm tìm hiểu nguyên nhân gây stress để tìm cách kiểm soát hiệu quả nhé!
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 12 loại thực phẩm giúp bạn giảm stress
- Mối liên hệ giữa mụn và tình trạng căng thẳng
- Bạn có thể kiểm soát giấc mơ để giảm stress?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!