7 cách kết thúc nỗi ám ảnh chảy nước miếng khi ngủ

Chăm sóc răng miệng - 11/24/2024

Chảy nước miếng khi ngủ không chỉ "xấu" vẻ bề ngoài mà còn "xấu" cả cho sức khỏe của bạn. Bảy cách sau sẽ giải thoát nỗi ám ảnh này nhé.

Bạn đã từng thức dậy vào sáng sớm và nhìn thấy nước miếng dính khắp chiếc gối yêu quý của mình bao giờ chưa? Nếu có thì cũng đừng quá lo lắng, rất nhiều người cũng đang gặp tình trạng tương tự bạn. Tuy nhiên, việc chảy nước miếng khi ngủ không chỉ ảnh hưởng không tốt đến hình tượng bên ngoài của bạn mà còn gây ra những vấn đề về sức khỏe. Việc chảy nước miếng khi ngủ sẽ khiến miệng của bạn bị khô lại vào sáng hôm sau và kèm theo chứng hôi miệng vì nước bọt có khả năng tiêu diệt và loại bỏ những vi khuẩn gây hôi miệng.

Bạn hãy thử áp dụng 7 cách sau để thoát khỏi tình trạng này nhé.

Để đầu cao lên khi ngủ

Khi ngủ, nếu nằm nghiêng qua một bên hay nằm sấp mặt xuống giường sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng chảy nước miếng. Hãy thử nằm thẳng và kê đầu lên gối ngủ (dày từ 5-8 cm), khi đó, nước bọt sẽ di chuyển nghiêng về phía xương hàm dưới và bạn sẽ không còn bị nhỏ dãi ra gối nữa.

Ngủ với tư thế nằm ngửa

Quả thực đây là một điều không dễ để thực hiện và cũng không thoải mái cho lắm. Tuy nhiên, bạn nên tập quen dần với tư thế nằm ngửa khi ngủ để làm giảm thói quen chảy nước miếng khi ngủ. Nếu bạn tỉnh giấc giữa đêm và thấy mình đang ngủ sấp mặt, hãy đưa cơ thể về tư thế nằm ngửa nhé.

Trong trường hợp vẫn gặp khó khăn, bạn có thể dùng một chiếc gối được thiết kế riêng để hỗ trợ phần đầu và cổ, giúp bạn thoải mái hơn khi ngủ. Đặc biệt, một số loại gối còn được may đường viền để giúp bạn giữ phần đầu  ở giữa, không bị nghiêng trái phải ngay cả khi thay đổi tư thế lúc đang ngủ.

Nghẹt mũi cũng góp phần làm bạn chảy dãi khi ngủ

Lý do chính khiến mọi người nhỏ dãi khi ngủ chính là việc hít thở bằng miệng chứ không phải bằng mũi. Để tránh điều này xảy ra, bạn hãy giữ khoang mũi không bị tắc nghẽn và luôn thông thoáng, bạn cũng nên tập quen với việc hít thở bằng mũi khi ngủ. Có một vài cách sẽ giúp bạn giữ cho khoang mũi của mình luôn thông thoáng và sạch sẽ như sử dụng các dung dịch vệ sinh mũi hoặc trùm khăn xông hơi.

Nhờ bác sĩ tư vấn về loại thuốc đang dùng

Một số loại thuốc bạn đang dùng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy nước miếng quá mức, hãy đến tham khảo ý kiến của bác sĩ kê đơn để được đổi sang một loại thuốc khác có ít tác dụng phụ hơn. Trong trường hợp bạn thực sự gặp rắc rối khi kiểm soát việc chảy nước dãi thì các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp giảm lượng nước bọt được sản xuất bởi các tuyến trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, những đơn thuốc này thường không được sử dụng trong trường hợp chảy nước miếng ban đêm một cách vô thức vì bạn có thể bị mất nước và khô miêng.

Hít thở đúng cách

Hít thở thật sâu có thể giúp bạn điều chỉnh được hơi thở và tập cho bạn thói quen hít vào bằng mũi nếu như bạn thường hít thở bằng miệng. Như Hello Bacsi đã giải thích ở trên, chảy dãi trong lúc ngủ là do bạn thở bằng miệng khi say giấc.

Dùng thuốc chống dị ứng

Nếu như bạn đang bị dị ứng thì việc uống thuốc chống dị ứng cũng có thể giúp bạn chấm dứt việc chảy nước miếng. Hãy thử tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tìm ra phương pháp và các loại thuốc phù hợp với bạn.

Phiền toái vì nước miếng chảy ra gối?

Thức dậy với những vết nước dãi loang lổ trên gối quả thực là rất khó chịu, đồng thời sẽ vô cùng phiền toái khi sáng nào cũng phải đem gối đi giặt. Tuy nhiên, bạn có thể giải quyết được vấn đề trên bằng cách sau: bọc gối bằng khăn thấm hoặc mảnh vải nào đó trước khi ngủ và tháo nó ra khi thức dậy, điều này sẽ giúp cho gối của bạn luôn sạch sẽ và không ai ngoài bạn (hoặc anh ấy/cô ấy) có thể biết được bí mật này.

Chảy nước miếng khi ngủ là một điều khá phổ biến và hoàn toàn bình thường. Cho nên, bạn đừng để giấc ngủ bị ảnh hưởng vì quá lo lắng hay cảm thẩy xấu hổ vì điều đó nhé. Hãy thử áp dụng 7 phương pháp trên để giúp kiểm soát việc chảy nước miếng khi ngủ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra sự thay đổi như thế nào từ việc thay đổi các thói quen nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn có thể quan tâm tới bài viết:

  • Làm sao điều trị chứng hôi miệng?
  • Hôi miệng có phải là bệnh?
  • Chứng hôi miệng và bệnh tiểu đường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!