Bạn có quá nhiều việc phải làm mà đầu óc chỉ nghĩ đến một chiếc giường êm ái? Đừng lo, Hello Bacsi sẽ mách bạn bí quyết xua tan cơn buồn ngủ khi làm việc!
Hầu hết chúng ta đều không ngủ đủ 7–8 tiếng mỗi ngày và điều này có thể dẫn đến chứng thiếu ngủ. Trong các triệu chứng của chứng thiếu ngủ, tình trạng buồn ngủ và ngáp thường xuyên cũng chính là một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, sự lờ đờ và mệt mỏi do buồn ngủ có thể gây nên những tác động tiêu cực đến sự tập trung, năng suất làm việc cũng như khả năng sáng tạo của não bộ.
Ảnh hưởng của sự thiếu ngủ đối với sức khỏe
Một nghiên cứu mới đây đã tìm hiểu lý do tại sao mỗi khi bạn không ngủ đủ giấc thì não bộ lại trở nên trì trệ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chứng thiếu ngủ có thể gây gián đoạn đến khả năng giao tiếp lẫn nhau giữa các tế bào não, dẫn đến sự giảm sút độ nhạy bén tạm thời. Đây chính là tác nhân gây nên sự suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức qua thị giác. Không những thế, việc ngủ ít còn ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nữa đấy.
Trong một khảo sát, các nhà nghiên cứu đã quan sát và đo lường mức nhận thức não bộ của những bệnh nhân mắc chứng động kinh dẫn đến thiếu ngủ thông qua các bài kiểm tra. Kết quả đã cho thấy rằng sự thiếu ngủ có liên quan đến khả năng mã hóa thông tin và truyền tải hình ảnh từ thị giác vào tư duy của các neuron não bộ.
Theo tác giả của nghiên cứu, điều này giúp giải thích lý do tại sao một người tài xế đang mệt mỏi và buồn ngủ thường có nguy cơ gây tai nạn cao hơn so với người tài xế bình thường. Đầu tiên, như bình thường, mắt của họ sẽ ghi nhận hình ảnh có người băng qua đường và truyền tải đến cho não bộ để kịp xử lý. Tuy nhiên, do sự thiếu ngủ, não bộ của họ trở nên trì trệ hơn và mất nhiều thời gian để xử lý thông tin, dẫn đến việc gây tai nạn ngoài ý muốn.
Chúng ta không có bất kỳ biện pháp nào có hiệu quả chống lại tình trạng thiếu ngủ ngay lập tức. Mặc dù việc sử dụng một số loại thuốc kê đơn như Provigil hoặc Nuvigil và uống cà phê có thể giúp lấy lại sự tỉnh táo, tuy nhiên biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Bạn nên thử một số biện pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng lâu dài để giúp chống lại cơn buồn ngủ.
Bạn nên làm gì để chống lại cơn buồn ngủ?
Dưới đây là 8 biện pháp chống lại cơn buồn ngủ trong suốt cả ngày, giúp bạn có ngày mới tràn đầy năng lượng.
1. Tắm nước lạnh
Sự xốc dậy tinh thần và thể chất do đột ngột tiếp xúc với nước lạnh có thể làm bạn cảm thấy tỉnh táo ngay tức thì. Tắm nước lạnh sẽ giúp làm tăng nhịp tim của bạn, đồng thời thúc đẩy quá trình tuần hoàn oxy trong cơ thể diễn ra nhanh hơn. Khi não bộ được cung cấp đủ oxy, bạn sẽ cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng trở lại và không còn buồn ngủ.
2. Ăn khẩu phần ít hơn
Cơ thể của bạn cần được cung cấp “nhiên liệu” để duy trì các hoạt động thường ngày. Tất nhiên hầu hết nguồn năng lượng đều xuất phát từ những bữa ăn dinh dưỡng. Hãy tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu protein như trứng gà và sữa chua.
Tuy nhiên, hãy nhớ là bạn nên ăn với khẩu phần vừa phải. Tình trạng não bộ trì trệ do buồn ngủ có thể làm giảm tốc độ phản ứng khiến bạn lờ đi tín hiệu rằng bạn đã no bụng, dẫn đến tình trạng ăn quá mức. Hơn nữa, bạn cũng thường cảm thấy buồn ngủ hơn sau khi ăn quá no đấy!
3. Hạn chế thức ăn ngọt
Một triệu chứng khác của tình trạng thiếu ngủ chính là cơn thèm đồ ngọt. Về lâu dài, chứng thiếu ngủ thậm chí còn gây tăng cân. Nếu bạn muốn ăn nhẹ và thèm thức ăn ngọt, hãy ăn những loại trái cây mà bạn ưa thích thay vì các món bánh ngọt chứa đầy đường tinh luyện. Loại đường tự nhiên chứa trong trái cây sẽ khiến dạ dày mất thời gian lâu hơn để tiêu hóa, nhờ đó khiến bạn không còn thấy đói mỗi khi buồn ngủ nữa.
4. Uống nhiều nước
Tình trạng mất nước cũng góp phần gây nên sự mệt mỏi dẫn đến cơn buồn ngủ. Vì thế, bạn nên uống nhiều nước hơn bình thường. Lượng nước được bù vào sẽ giúp cơ quan bài tiết làm việc tích cực, khiến bạn đi tiểu tiện thường xuyên. Nhờ đó, sự vận động này sẽ giúp cho bạn giảm bớt cảm giác buồn ngủ và lấy lại sự tỉnh táo.
5. Tắm nắng thường xuyên
Ánh sáng giúp bạn kiểm soát hệ tuần hoàn trong cơ thể, đồng thời kích thích sự hoạt động của các bộ phận trong não bộ có liên quan đến khả năng tập trung và điều chỉnh tâm trạng. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời còn giúp bạn tăng cường những cảm xúc tích cực và bổ sung năng lượng, giúp bạn vực dậy tinh thần từ tình trạng lờ đờ do buồn ngủ.
6. Tập thể dục điều độ
Hãy tập thói quen đi bộ hoặc đi tập thể dục mỗi ngày để tăng cường mức năng lượng, thúc đẩy sự giải phóng adrenaline và hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất. Nhà chăm sóc sức khỏe, chuyên gia về giấc ngủ đã nói rằng hãy vận động không ngừng, việc tập luyện một vài bài tập, dù là cường độ nhẹ hay nặng cũng đều có hiệu quả giúp bạn năng động hơn và đẩy lùi cơn buồn ngủ.
7. Nhai kẹo cao su
Dù chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, tuy nhiên việc nhai kẹo cao su, đặc biệt là loại kẹo có hương bạc hà, có thể giúp làm giảm bớt cơn buồn ngủ trong ngày, đồng thời tăng cường sự tỉnh táo.
8. Nghe nhạc yêu thích
Âm nhạc có thể là một biện pháp hiệu quả giúp bạn phấn chấn và lấy lại tinh thần. Việc lắng nghe các bài hát yêu thích có thể giúp tăng cường sự kết nối giữa các vùng não chịu trách nhiệm về thính giác và vùng chịu trách nhiệm về trí nhớ. Âm nhạc còn có thể giúp bạn tăng cường khả năng sáng tạo và năng suất làm việc, đồng thời khiến bạn quên đi cảm giác buồn ngủ.
Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy buồn ngủ, hãy đứng dậy ngay và tìm cách lấy lại sự tỉnh táo nhanh nhất để hoàn thành công việc như kế hoạch nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Làm thế nào để ngủ ngon giấc khi bị viêm khớp?
- Mở cửa sổ ra để có giấc ngủ ngon hơn
- 5 giai đoạn của giấc ngủ bạn cần biết
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!