9 bước để mang thai thành công

Chuẩn bị mang thai - 03/28/2024

Bạn lo lắng và mong muốn có con. Trong bài này, 9 bước mà Hello Bacsi dành cho bạn sẽ giúp bạn mang thai thành công nhé!

Nếu bạn đã cố gắng để có thai trong vòng một năm mà không thành công hay trước đó đã từng bị sẩy thai nhiều lần, đây chính là lúc nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Không phải trường hợp nào cũng giống nhau, nhưng sau đây là một số hướng dẫn chung cho những gì bạn cần làm.

Bước 1: đặt một cuộc hẹn với bác sĩ phụ khoa

Bạn không cần phải lập tức khám hiếm muộn. Trước hết, bạn nên đi khám bác sĩ phụ khoa thường xuyên. Dù không nhất thiết phải thực hiện vào thời điểm này, chồng bạn cũng nên khi khám.

Bạn có thể nói về mối quan tâm của mình trong khi thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hoặc đặt một cuộc hẹn riêng với bác sĩ để thảo luận về khả năng sinh sản. Bạn nên chuẩn bị trước những điều sau:

  • Ghi chép về sáu chu kỳ kinh nguyệt gần nhất: ngay cả khi chu kỳ của bạn đều đặn, bạn vẫn nên mang những ghi chép này đưa cho bác sĩ. Nếu trước đó bạn có vẽ biểu đồ nhiệt độ cơ thể, hãy mang theo các thông tin này bởi chúng có thể giúp bác sĩ rất nhiều trong quá trình khám và tư vấn cho bạn;
  • Danh sách của tất cả các loại thuốc mà bạn và chồng đã uống thường xuyên;
  • Danh sách của bất kỳ triệu chứng vô sinh hoặc các yếu tố nguy cơ nào mà bạn đang bị;
  • Bất kỳ câu hỏi mà bạn có. Hãy viết chúng ra để hỏi bác sĩ dễ dàng hơn.

Bước 2: thực hiện kiểm tra khả năng sinh sản

Bước tiếp theo là một số xét nghiệm khả năng sinh sản cơ bản. Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, xét nghiệm có thể bao gồm chụp cản quang tử cung và vòi trứng HSG, siêu âm đường âm đạo hoặc nội soi. Bác sĩ cũng sẽ có thể kiểm tra vùng chậu, tế bào cổ tử cung và thực hiện một số xét nghiệm về các bệnh lây lan qua đường tình dục. Các xét nghiệm mà bác sĩ thực hiện sẽ phụ thuộc vào tình trạng và phạm vi bảo hiểm của bạn.

Bước 3: thực hiện điều trị khả năng sinh sản

Tùy thuộc vào kết quả của kiểm tra khả năng sinh sản, bác sĩ phụ khoa sẽ đề nghị các hướng điều trị, trong đó có thể điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh vô sinh hoặc điều trị khả năng sinh sản cơ bản bằng thuốc Clomid. Nếu bạn có bất thường về cấu trúc cơ thể hoặc mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, bác sĩ có thể đề nghị bạn phẫu thuật để điều trị.

Một trường hợp khác là bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia sinh sản. Nếu vô sinh nam là yếu tố có thể khiến hai vợ chồng bạn vô sinh, chồng của bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia các bệnh về nam giới hoặc một bác sĩ chuyên về khả năng sinh sản của nam giới.

Bước 4: chuyển sang chuyên khoa sinh sản

Nếu điều trị khả năng sinh sản với bác sĩ phụ khoa không thành công hoặc kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy bạn cần phương pháp điều trị vượt ra ngoài phạm vi của bác sĩ phụ khoa, bạn sẽ được giới thiệu đến một chuyên gia sinh sản. Điều này có nghĩa là bạn phải tìm kiếm và lựa chọn một phòng khám sinh sản cho cả hai vợ chồng.

Bước 5: xét nghiệm thêm về khả năng sinh sản

Thông thường, phòng khám chuyên khoa khả năng sinh sản sẽ thực hiện nhiều xét nghiệm hơn hoặc thậm chí làm lại một số xét nghiệm mà bạn đã thực hiện để đảm bảo kết quả kiểm tra của bạn chính xác.

Bước 6: xây dựng kế hoạch điều trị cùng chồng theo chỉ định của bác sĩ

Sau khi nhận được kết quả kiểm tra khả năng sinh sản, bạn sẽ gặp bác sĩ để thảo luận về kế hoạch điều trị. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ hỏi về cơ hội thành công, kinh nghiệm của bác sĩ với loại hình điều trị và những rủi ro có khả năng xảy ra. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để cải thiện cơ hội điều trị thành công.

Bạn cũng có thể quyết định từ bỏ điều trị vì một số lý do cụ thể. Trong trường hợp này, bạn có thể quyết định thực hiện các lựa chọn khác (chẳng hạn như nhận con nuôi), quyết định tiếp tục cố gắng mà không điều trị hoặc quyết định không sinh con.

Bước 7: bắt đầu kế hoạch điều trị khả năng sinh sản

Một khi bạn, chồng bạn và bác sĩ đã quyết định một kế hoạch điều trị, bạn sẽ bắt đầu thực hiện bất cứ điều gì mà việc điều trị yêu cầu. Quá trình điều trị có thể tương đối đơn giản hoặc phức tạp và liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau.

Điều trị vô sinh có thể rất nặng nề và khiến bạn luôn trong trạng thái căng thẳng. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè, nhóm hỗ trợ hoặc chuyên gia trị liệu để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bước 8: đánh giá lại kế hoạch điều trị khi không thành công

Điều trị vô sinh ít khi có giải pháp tuyệt đối và thông thường, nó là một quá trình thử hết từ phương pháp này sang phương pháp khác. Vậy nên rất có thể bạn sẽ phải thử nhiều phương pháp khác nhau trước khi có thể thực sự mang thai. Hãy nhớ rằng một lần thất bại không phải là dấu hiệu cho thấy phương pháp điều trị sẽ không bao giờ thành công, và nhớ rằng ngay cả các cặp vợ chồng không có vấn đề gì về sinh sản cũng cần 3-6 tháng để thụ thai. Nếu kế hoạch điều trị không thành công trong thời gian dài hoặc bạn không hài lòng với phương pháp điều trị hiện tại, bạn có thể đổi bác sĩ hoặc chuyên gia khác để được tư vấn và điều trị hiệu quả hơn.

Bước 9: kết quả điều trị

Nếu phương pháp điều trị thành công thì xin chúc mừng! Bác sĩ sản khoa sẽ theo dõi bạn trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Bạn có thể cần phải tiếp tục thực hiện một số phương pháp điều trị hoặc tiêm nội tiết tố. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh và liệu bạn có mang đa thai hay không, bạn sẽ được giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình mang thai.

Đáng buồn thay, không phải tất cả các cặp vợ chồng nào cũng sẽ thụ thai. Bạn có thể kết thúc ở đây sau khi thử nhiều phương pháp điều trị nhưng không thành công. Bạn có thể tự nhận thấy mình nên kết thúc sớm nếu bạn không có đủ khả năng tài chính để theo đuổi phương pháp điều trị mà bạn cần. Đây có thể là một trải nghiệm đau lòng, nhưng bạn có thể chữa lành vết thương này bằng thời gian và sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Một khi bạn đã lấy lại cân bằng cảm xúc, bạn có thể xem xét những lựa chọn khác để xây dựng tổ ấm, chẳng hạn như nhận con nuôi hoặc quyết định sống mà không có con.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!