Đôi lúc bạn có thể cảm thấy ngần ngại với những hành xử ích kỷ như nghỉ ngơi khi thấy mệt, đòi bồi thường khi bị thiệt hại, từ chối đổi chỗ khi đi tàu xe… Thật ra, việc chăm sóc bản thân và bảo vệ quyền lợi cá nhân vốn là bản năng tự nhiên của con người mà bạn không cần phải xấu hổ.
Nhiều người cho rằng ích kỷ là một trong những tính cách tiêu cực có thể gây khó chịu cho mọi người xung quanh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hành động vì bản thân mình luôn sai trái. Trong một vài tình huống đặc biệt, bạn cần phải ích kỷ vì bạn có quyền nghĩ cho bản thân nhiều hơn.
Dưới đây là 9 kiểu hành xử ích kỷ mà bạn không cần phải xấu hổ, không những thế, điều này còn chứng minh rằng bạn là một người mạnh mẽ và tự tin vào giá trị của bản thân.
1. Yêu cầu sự bồi thường
Một kiểu tóc xấu, món súp quá mặn hoặc hàng hóa bị lỗi là những lý do chính đáng mà bạn có thể khiếu nại. Bạn nên thể hiện thái độ không hài lòng với các dịch vụ này và yêu cầu khắc phục chúng.
Bạn có quyền được nhận bồi thường, chẳng hạn như miễn phí hoàn toàn dịch vụ, trả lại sản phẩm bị lỗi, nhận phiếu giảm giá hoặc thẻ tặng quà… Ngoài ra, người quản lý hoặc chủ cửa hàng cũng có thể giúp bạn giải quyết những rắc rối này.
2. Không cố gắng quá sức
Bạn thường cảm thấy có lỗi khi làm việc kém hiệu quả hoặc không có khả năng làm kịp deadline? Dấu hiệu này cho thấy rằng bạn là người có trách nhiệm với công việc song lại gặp phải nhiều khó khăn chưa vượt qua được. Thực tế, có nhiều việc vốn dĩ ngay từ đầu định hướng đã sai lầm nên công sức bạn có thể đổ sông đổ bể nếu cố gắng quá sức.
Những lúc quá mệt mỏi, bạn không nên cảm thấy tội lỗi mà cố gắng quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.
3. Từ chối cuộc tán gẫu vô ích
Trò chuyện, tán gẫu ở nơi làm việc hoặc với bạn bè là một thói quen phổ biến của nhiều người. Nhiều khi bạn muốn từ chối nhưng lại cảm thấy bản thân hơi ích kỷ, khó hòa nhập và sợ gây ra những xung đột không đáng.
Tuy nhiên, nếu thực sự bạn không muốn tham gia, bạn hoàn toàn có thể nói từ chối một cách đơn giản và trực tiếp. Những người thực sự coi trọng bạn sẽ không vì thế mà trách móc bạn đâu.
4. Phân biệt công việc và đời tư
Yêu cầu được nghỉ ngơi hoàn toàn sau giờ tan ca là điều khá bình thường, nhưng không phải ai cũng có thể nói lời từ chối. Nếu không muốn, bạn hoàn toàn có thể nói khách hàng hoặc đồng nghiệp không làm phiền bạn sau giờ làm việc.
Khả năng tách biệt giữa công việc và đời tư không phải là hành xử ích kỷ. Đó là một phương pháp hiệu quả để bạn đảm bảo sức khỏe nhằm làm việc hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
5. Từ chối những yêu cầu đổi chỗ
Khi đi máy bay hoặc tàu hỏa, đôi khi sẽ xuất hiện vài người muốn bạn đổi chỗ ngồi với họ vì nhiều lý do. Tuy nhiên, bạn không cần phải đồng ý nếu không muốn.
Bạn cũng không cần phải xin lỗi hoặc viện cớ cho hành vi của mình. Bạn chỉ đơn giản nói rằng bạn không thể chuyển chỗ. Lý do là họ hoàn toàn có thể đặt chỗ ngồi như ý trước nếu cảm thấy điều đó là thực sự cần thiết.
6. Yêu cầu được thăng chức
Đôi khi bạn nghi ngờ thành công của mình không phải dựa vào năng lực mà là do may mắn. Vì thế, dù cảm thấy mình dường như có khả năng làm những công việc khó nhằn hơn thì bạn vẫn chỉ âm thầm làm công việc hiện tại.
Nếu thấy mình có đủ năng lực thì bạn nên nói rõ mong muốn được thăng chức với sếp. Nếu sếp thấy phù hợp thì bạn sẽ được nhận một vị trí mới có lợi không chỉ cho bạn mà còn cho cả công ty, do đó đây không phải là một kiểu hành xử ích kỷ.
7. Từ chối lắng nghe lời than phiền
Nếu bạn bè thường hay than phiền với bạn mỗi ngày về cuộc sống của họ trong thời gian dài, thì đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại mối quan hệ này rồi đấy! Tình bạn chỉ mang lại niềm vui khi đến từ hai phía. Việc giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè là điều đúng, nhưng bạn không có nghĩa vụ là “nơi trút xả” mọi cảm xúc của đối phương.
Bạn có thể giúp cho họ bằng cách đưa ra lời khuyên có ích khiến họ xua tan cảm giác mình là nạn nhân. Tuy nhiên, nếu họ vẫn tiếp tục than phiền thì bạn nên ngừng việc lắng nghe để bảo vệ cảm xúc của chính bạn.
8. Sống vì lợi ích của bạn
Các nhà tâm lý học cho rằng những người có đủ lòng tự trọng và khả năng làm mọi thứ cho bản thân mới có thể mang lại hạnh phúc cho gia đình mình, từ đó trở thành những người cha mẹ tốt trong tương lai.
Sống cho người khác là một suy nghĩ rất cao cả, nhưng điều này có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ như bạn hoàn toàn không được là chính mình. Bạn nên tách biệt khát khao của mình với sự áp đặt từ những người xung quanh và cố gắng biến ước mơ của mình thành hiện thực.
9. Không quan tâm lời phán xét
Khả năng tự do thể hiện cảm xúc và ý kiến là một trong những đặc điểm chính của cái tôi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đôi khi vì lo sợ sự phán xét từ mọi người mà bạn đã hạn chế thể hiện rõ quan điểm của cá nhân và luôn cố gắng làm hài lòng người khác.
Bạn không cần cảm thấy xấu hổ khi từ chối một cuộc gặp gỡ hoặc mối quan hệ mà bạn không có không hứng thú. Hãy thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình mà không sợ bị phán xét là ngớ ngẩn nếu bạn thực sự cho rằng điều mình nghĩ là đúng.
Những biểu hiện trên đây nhìn chung không phải là kiểu hành động ích kỷ, bạn chỉ sống đúng theo quyền lợi và những gì mình xứng đáng được nhận mà thôi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là làm những điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái, không nên tạo áp lực cho bản thân. Nếu việc giúp đỡ mọi người như chuyện nhường chỗ có thể khiến bạn vui vẻ, hãy cứ làm theo ý muốn của bạn nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 6 cách giúp bạn từ chối không áy náy
- Làm thế nào từ chối người bạn không thích?
- 11 cách đơn giản giúp bạn thêm yêu bản thân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!