Theo bác sĩ Gerard Wong, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao tại Trung tâm Ung thư PCC Singapore, những người đã vượt qua liệu trình điều trị ung thư muốn khỏe mạnh và giảm nguy cơ tái phát nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
"Không có thực phẩm cụ thể nào hoàn toàn tốt cho bệnh nhân sau điều trị. Tốt nhất bạn nên có chế độ ăn cân bằng và đa dạng rau, củ, quả. Nên chọn thực phẩm nguyên hạt, nguyên cám, giàu chất xơ”, bác sĩ khuyên.
Ảnh minh họa: Health.
Dựa trên các nghiên cứu của Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới và Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ, bác sĩ Gerard đúc kết chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân ung thư, như sau:
- Giữ cân nặng trong phạm vi bình thường bằng cách theo dõi chỉ số khối cơ thể BMI ở mức từ 18,5 đến 24,99.
- Hoạt động thể chất như một phần của cuộc sống hàng ngày.
- Tránh dùng các thực phẩm giàu năng lượng và đồ ăn có đường.
- Ưu tiên thực phẩm nguồn gốc thực vật.
- Hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, hạt tinh chế, thực phẩm nhiều chất béo và cao năng lượng.
- Tránh thực phẩm có cồn. Nam giới không nên uống quá hai ly bia hoặc rượu mỗi ngày, còn nữ chỉ nên uống một ly.
- Hạn chế thực phẩm muối chua, hun khói. Tránh xa đồ ăn bị mốc như khoai tây chuyển xanh và mọc mầm, thực phẩm quá hạn. Bác sĩ Gerard nhấn mạnh: "Bệnh nhân ung thư nên hạn chế tối đa muối và thực phẩm được bảo quản bằng muối".
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư dạ dày tăng khi bạn ăn nhiều muối và thực phẩm bảo quản bằng muối truyền thống như cá muối, thịt muối, rau củ muối. Bên cạnh đó, ăn nhiều muối ảnh hưởng tới dạ dày, thúc đẩy hoạt động của các chất gây ung thư có từ thực phẩm.
Bác sĩ Gerard tóm lại chế độ ăn lành mạnh là nạp vừa đủ các protein, carbohydrate, dầu và chất xơ. Nên chọn protein chất lượng tốt như cá, gà, thịt lườn, thịt tươi. Không ăn cá viên, gà viên hay thịt rán. Thịt đỏ cũng là nguồn cung cấp protein và sắt tốt nhưng chỉ nên ăn dưới 500 g mỗi tuần.
Bổ sung carbohydrate bằng cách chọn các loại hạt giàu chất xơ, nguyên hạt. Chẳng hạn như ăn nhiều gạo lứt và bánh mì nguyên cám hơn là cơm trắng.
Người có nhu cầu tăng cân cũng không nên ăn mỡ động vật nhiều. Thay vào đó, bác sĩ Gerard khuyên nên dùng các loại dầu nấu ăn không bão hòa như dầu oliu, hướng dương và dầu cám gạo.
Chất xơ rất cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày. Theo bác sĩ Gerard, nguồn chất xơ tốt nhất từ thực phẩm nguyên hạt, trái cây và rau củ. Trái cây và rau củ cũng giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do các phân tử không ổn định gọi là gốc tự do.
Tổn thương do gốc tự do làm tăng nguy cơ ung thư. “Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi đảm bảo cho cơ thể bạn đủ vitamin và khoáng chất cần thiết”, bác sĩ Gerard khuyên.
Bác sĩ lưu ý, chế độ ăn lành mạnh không có nghĩa là chỉ ăn gạo lứt và rau củ luộc mà cần cân đối các nhóm chất và chế biến hợp khẩu vị. Ông khẳng định: "Tận hưởng món ăn ngon giúp tinh thần thoải mái cũng rất quan trọng trong hành trình đẩy lùi ung thư".
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!