Bác sĩ lưu ý về khám sức khỏe định kỳ, cần khám những gì?

Cần biết - 11/24/2024

Khám sức khỏe định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết. Hiện nay, nhiều người đã nhận thức sâu sắc và rất chú trọng vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người thường băn khoăn khám sức khỏe định kỳ là khám những gì, và nên đi đến đâu để khám. Dưới đây là hướng dẫn của chuyên gia về vấn đề này.

Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp chúng ta phát hiện sớm nhiều bệnh trong đó chủ yếu là các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thư…

Theo BS.CK2 Ngô Thị Cẩm Hoa - Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115: Với mỗi người trưởng thành, nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần mỗi năm. Một số đối tượng cần khám mỗi 6 tháng. Ví dụ như:

- Nhóm nguy cơ cao hoặc chuẩn bị qua tăng huyết áp thật sự, bệnh Đái tháo đường mà chưa cần dùng thuốc.

- Nhóm có nguy cơ ung thư cao hơn thông thường: phụ nữ có mẹ, chị hay em gái bị ung thư vú; gia đình có nhiều người bị ung thư; hay các bệnh lý có yếu tố gia đình...

- Nhiễm viêm gan siêu vi B, C.

- Nhóm người có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao: công nhân mỏ than, xưởng dệt may, hóa dầu, hóa chất, phóng xạ…

- Nhóm người có nghề nghiệp áp lực và trách nhiệm cao: phi công, tài xế xe khách đường dài, tài xế xe tải nặng...

Việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.

Bác sĩ lưu ý về khám sức khỏe định kỳ, cần khám những gì?

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm ra bệnh.

Khám sức khỏe tổng quát gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.

Sau đó dựa trên các kết quả khám, bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của người tham gia khám và có hướng cần khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lâm sàng nếu nghi ngờ có bệnh hoặc khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lân sàng đối với trường hợp khám sức khỏe cho đối tượng có nghề nghiệp đặc thù.

+Khám thể trạng: chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp.

+Khám lâm sàng tổng quát: bác sĩ thăm khám trực tiếp hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận-tiết niệu, nội tiết, cơ-xương-khớp, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, da liễu.

+Nếu nghi ngờ có bệnh, bác sĩ Nội khoa tổng quát sẽ yêu cầu người đi khám đăng ký khám thêm các chuyên khoa: ung bướu, phụ khoa, nam khoa, lão khoa, tâm thần…

+Xét nghiệm máu, nước tiểu: như công thức máu (đếm tế bào máu), tổng phân tích nước tiểu, đường máu, mỡ máu (Cholesterol, Triglycerid, LDL, HDL), chức năng thận (urea, creatinin), men gan (SGOT, SGPT), viêm gan b, C, acid Uric máu, chức năng tuyến giáp, một số chất chỉ thị nghi ung thư nếu có chỉ định hay yêu cầu.

+Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang ngực; siêu âm ổ bụng và/hoặc tuyến giáp...

+Nội soi dạ dày, đại tràng, siêu âm vú... khi có chỉ định như gia đình có nhiều người: bị ung thư dạ dày, bị đa pô-líp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng, bị ung thư vú...

+Thăm dò chức năng: Điện tâm đồ...

Rất nhiều bệnh khi bắt đầu có biểu hiện ra ngoài thì đã qua giai đoạn trễ. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện ra bệnh, giúp phòng ngừa bệnh ngay từ khi bệnh mới khởi phát. Một số bệnh ở giai đoạn khởi phát chưa cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống giúp phòng ngừa hoặc giúp trì hoãn đến gian đoạn bệnh thật sự.

Ngoài ra, điều trị bệnh giai đoạn sớm cho kết quả tốt hơn, ít tốn kém hơn. Bệnh giai đoạn nặng luôn có chi phí điều trị cao hơn và kết quả vẫn không như mong muốn.

Khám sức khỏe định kỳ còn là hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng lao động, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề… cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo đối tượng có đủ sức khỏe để lao động, học tập.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!