Bài thuốc trị mất tiếng mạn tính

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Khản tiếng, mất tiếng hay gặp vào mùa thu, đông. Tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Bệnh thường gặp ở người hay phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, người bán hàng... hoặc làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, hay bị nhiễm cúm, thời tiết thay đổi, hút thuốc, uống rượu... cũng dễ mắc bệnh.

Theo Đông y, mất tiếng mới phát thuộc thực chứng (cấp tính), liên quan đến tạng phế, thường là do ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt hoặc đàm trọc úng trệ mà gây bệnh.

Còn mất tiếng lâu ngày thuộc hư chứng (mạn tính), do phế âm hư và thận âm hư, tân dịch không đầy đủ không khí hóa được gây ra bệnh. Sau đây là một số bài thuốc và món ăn trị mất tiếng mạn tính.

Bài thuốc trị mất tiếng mạn tính

Mạch môn là vị thuốc trị mất tiếng mạn tính do thận âm hư.

Mất tiếng thể phế âm hư

Người bệnh gầy, họng khô, ho khan nhiều, khản tiếng mất tiếng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phương pháp chữa: Tư âm dưỡng phế. Dùng một trong các bài:

Bài 1: sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, tang bạch bì 8g, bố chính sâm 12g, ngưu bàng tử 8g, sinh địa 8g, đan bì 8g, địa cốt bì 8g, trúc lịch 10ml. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Thanh táo cứu phế thang: a giao 16g, thạch cao 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g, đảng sâm 12g, mạch môn 16g, hạnh nhân 12g, tỳ bà diệp (bỏ lông chích mật) 8g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3 - Kha tử thanh âm: kha tử 12g, cát cánh 12g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị phế hư, ho hen, khản tiếng.

Hằng ngày dùng món ăn sau: mật ong 30g pha với nước nóng 1 chén. Hòa đều uống, ngày 1 - 2 lần.

Kết hợp châm cứu hoặc day bấm các huyệt: trung phủ, đản trung, thiên đột, hợp cốc. Mỗi huyệt day 1 - 2 phút. Ngày 1 - 2 lần.

Mất tiếng thể thận âm hư

Người bệnh họng khô, khản tiếng mất tiếng, bứt rứt, đau lưng mỏi gối, ù tai hoa mắt, chóng mặt, mạch tế sác. Phương pháp chữa: bổ thận âm, nạp phế khí, tuyên phế. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: mạch môn 12g, thiên môn 12g, thạch hộc 12g, a giao 8g, thục địa 12g, tô tử 8g, bạc hà 8g, ngưu bàng tử 8g, kỷ tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Lục vị hoàn gia ngũ vị tử: thục địa 12g, sơn dược 12g, sơn thù 16g, phục linh 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hằng ngày dùng món ăn: mật ong 30g pha với nước nóng 50ml, quấy đều, uống ấm sau bữa ăn 2 - 3 giờ, ngày 2 - 3 lần, uống trong 5 - 7 ngày. Trị ho khan không có đờm, họng khô háo, khản tiếng mất tiếng, người mệt mỏi.

Kết hợp châm cứu hoặc day bấm các huyệt: thận du, thái khê, nhiên cốc, hợp cốc, thiên đột. Mỗi huyệt day 1 - 2 phút. Ngày 1 - 2 lần.

Bài thuốc trị mất tiếng mạn tính

Tỳ bà diệp là vị thuốc trong bài “Thanh táo cứu phế thang” trị mất tiếng mạn tính do phế âm hư.

Vị trí huyệt:

Trung phủ: dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 1 tấc hoặc giữa xương sườn 1 và 2, cách đường giữa ngực 6 tấc.

Đản trung: giao điểm của đường dọc giữa xương ức và đường ngang qua 2 đầu vú (nam) hoặc 2 khớp ức sườn (nữ).

Thiên đột: ở giữa chỗ lõm trên bờ trên xương ức, trước khí quản và thực quản, ở trong góc tạo nên bởi bờ trong của cơ ức - đòn - chũm.

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Thận du: dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1,5 tấc.

Thái khê: trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.

Nhiên cốc: chỗ lõm sát giữa bờ dưới xương thuyền, trên đường nối da gan chân và mu chân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!