Mùa đông dễ bị khàn tiếng, mất tiếng: Phải làm sao?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Khản tiếng không chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp, làm giảm hiệu quả công việc, nó còn là biểu hiện của một số bệnh lý tại chỗ hoặc bệnh toàn thân khác.

Khản tiếng là hiện tượng giọng nói bị biến đổi, âm thanh trở nên khàn đục, âm lượng giảm, không rõ âm, rõ vần, rõ tiếng, thậm chí nói không thành tiếng. Khản tiếng thường kèm theo cảm giác rát họng, đau họng, nhức đầu, nặng hơn có thể kèm theo sốt nhẹ.

Giọng nói phát ra như thế nào?

Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp trên, có cấu tạo bởi nhiều dây thanh và có chức năng phát ra âm thanh khi có luồng không khí từ phổi đi lên làm rung các dây thanh của thanh quản. Khi phát âm, dây thanh đóng mở, biến đổi dày, mỏng, căng, chùng theo từng âm tiết tạo ra âm thanh trong trẻo, với những cường độ cao thấp khác nhau nhằm diễn đạt rất phong phú nhiều trạng thái tình cảm của người nói. Tuy nhiên nếu sự rung động của dây thanh không đều, hoặc hai dây thanh bị phù nề không được khép kín sẽ tạo ra một âm thanh khàn đục khó phân biệt âm tiết, khó biểu lộ tình cảm.

Trường hợp dây thanh âm bị viêm cấp tính, gây hiện tượng khản tiếng có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nếu dây thanh viêm nhiễm lâu ngày, hay tái phát trở thành mạn tính, dây thanh dày cứng, kém rung động, xơ hóa dây thanh, hoặc những tổn thương thực thể như polyp dây thanh, u nang dây thanh, hạt xơ dây thanh... hoặc tổn thương dây thần kinh thanh âm sẽ gây khản tiếng kéo dài rất khó khắc phục.

Mùa đông dễ bị khàn tiếng, mất tiếng: Phải làm sao?

Một số bệnh lý đường hô hấp dễ dẫn đến bị khản tiếng, mất tiếng (Ảnh minh họa: Internet)

Khản, mất tiếng do đâu?

Nhìn chung, có các nguyên nhân chủ yếu gây khản tiếng là do bị tổn thương tại thanh quản, tổn thương hệ thần kinh chi phối giọng nói, hoặc do ảnh hưởng của một số bệnh toàn thân bao gồm một số bệnh cảnh lâm sàng phổ biến sau:

Khi gặp thời tiết lạnh, người phát âm quá mức (gào thét), nói nhiều do nghề nghiệp, gây tổn thương thanh đới, viêm thanh quản do vi-rút thường xảy ra với bệnh cúm. Viêm thanh quản có thể cấp tính với những triệu chứng ho đau họng, họng bị viêm đỏ, hai dây thanh viêm đỏ phù nề biểu hiện bằng dấu hiệu khản tiếng cấp tính, tiếp theo sau đó là tình trạng viêm mũi - họng. Ngoài ra, viêm thanh quản cũng có thể gặp do tình trạng nhiễm khuẩn hay do nấm gây ra. Bệnh có thể sẽ khỏi hẳn trong một thời gian 1-2 tuần điều trị và dấu hiệu khản tiếng cũng sẽ chấm dứt hoàn toàn. Nếu để bệnh kéo dài sẽ trở thành viêm thanh quản mạn tính rất khó điều trị.

Hạt xơ xuất hiện trên dây thanh, nang nước dây thanh làm cho hai dây thanh đóng không kín, người bệnh có giọng nói nặng nề, khàn, nói phải gắng sức nên thường hụt hơi mệt mỏi đồng thời người bệnh còn có cảm giác vướng ở họng. Các u lành tính của thanh quản như u xơ, polype... xuất hiện trên các dây thanh cũng gây tình trạng khàn tiếng. Nếu u hoặc polype khá to sẽ gây chèn ép, có thể kèm theo tình trạng khó thở. Bệnh lao thanh quản gặp ở những bệnh nhân đã bị lao phổi hay lao hạch trước đó. Những tổn thương lao và các hạt lao trên dây thanh cùng với hiện tượng loét sụn phễu và các dây thanh, làm cho người bệnh bị khàn tiếng dần dần và đôi khi có giọng đôi. Bệnh tiến triển nặng có thể gây mất tiếng hoàn toàn, nuốt rất đau đớn, không ăn uống được, người gầy sút, mệt mỏi và suy sụp.

Dây thần kinh quặt ngược chi phối hoạt động hai dây thanh âm khi bị tổn thương hoặc bị liệt thần kinh, làm cho hai dây thanh hoạt động không hiệu quả, thường gặp trong những trường hợp có tổn thương thần kinh thanh quản do mổ ở tuyến giáp, cổ, ngực phía trên, thực quản, làm tổn thương đến thần kinh thanh quản và dẫn đến có giọng nói khàn.

Ngoài ra, một số bệnh toàn thân như bệnh nhược cơ, thiểu năng tuyến giáp trạng hoặc liệt hành tủy, rối loạn thần kinh trung ương, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư thực quản… cũng sẽ gây khản, mất tiếng.

Phòng và điều trị khản tiếng

Khi bị mất tiếng, cần phải hạn chế nói, hát hoặc cần thiết phải dùng các phương tiện hỗ trợ như micro, loa… để không làm tăng mức độ nghiêm trọng và tiếp tục có những biện pháp chữa trị cụ thể để cải thiện tình trạng giọng nói.

Để phòng bệnh khản, mất tiếng, việc cần làm ngay là vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ẩm và ấm cho vùng hầu họng, tránh xa môi trường có không khí bị ô nhiễm, tránh nói to, nói nhiều. Súc miệng nước muối hàng ngày, súc miệng nhiều lần, thậm chí mỗi giờ, với nước trà pha đậm có chút muối ăn. Có thể pha hai thìa (thìa cà phê) mật ong trong 250ml lít sữa tươi hâm nóng rồi uống từng ngụm thật chậm, nhiều lần trong ngày. Xịt nước muối vào cổ họng mỗi giờ nếu phải tiếp tục làm việc trong phòng máy lạnh. Tránh gió lùa qua cửa sổ, cửa xe. Đừng hạ nhiệt độ máy lạnh quá thấp trong phòng làm việc, nên mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong phòng chế biến thực phẩm quá lạnh, quan trọng nhất là phần cổ hầu.

Mùa đông dễ bị khàn tiếng, mất tiếng: Phải làm sao?

Giữ ấm cổ họng mùa đông để tránh bị bệnh đường hô hấp (Ảnh minh họa: Internet)

Không nên uống nước quá lạnh, hay quá nóng, nên bỏ thói quen uống nước đá lạnh, nhất là trong những ngày nắng nóng. Nên nghỉ ngơi 2-3 ngày khi mắc cảm cúm, nếu trước đó đã có lần mất tiếng. Tránh mặc quần áo ướt đẫm mồ hôi rồi lại bước ngay vào phòng máy lạnh. Đừng phơi đầu trần quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá, không uống rượu, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm...

Khản, mất tiếng cấp tính do nhiễm vi-rút, vi khuẩn thường chỉ kéo dài trong 1-2 tuần, có thể dùng một số bài thuốc dân gian để điều trị căn bệnh mất tiếng này như ngậm chanh với mật ong, ăn giá đỗ sống hoặc uống nước giá đỗ đã giã nát, lá rẻ quạt sắc lấy nước uống… Ngoài ra, để tránh bị khản giọng, mất giọng, trước lúc hát, có thể ngậm hoặc xúc miệng nước muối loãng. Trong quá trình ca hát có thể sử dụng vài thức uống có tác dụng bảo vệ họng như chanh muối, mơ muối…

Điều trị khản, mất tiếng tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu do viêm thanh quản cấp thì phải dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm phù nề, vitamin, theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ ấm vùng cổ họng, kiêng nói trong vài ba ngày, cần hạn chế nói chuyện, ho khạc để thanh quản được nghỉ ngơi. Nếu đã điều trị trên 2 tuần mà tình trạng bệnh không giảm thì cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện kịp thời những tổn thương thực thể tại thanh quản hay các bệnh toàn thân khác. Đối với các bệnh như hạt xơ, polyp thanh quản, u nang dây thanh... cần phẫu thuật điều trị.

Sẽ rất sai lầm khi bị khản tiếng kéo dài mà chủ quan nghĩ đó chỉ là cảm cúm thông thường. Người bệnh cần phải đi khám bệnh chuyên khoa tai mũi họng để có chẩn đoán xác định, đồng thời điều trị những bệnh chứng nguy hiểm, các bệnh toàn thân nếu có. Nhìn chung, khản tiếng thường là triệu chứng của những căn bệnh lành tính, tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác với những trường hợp khản tiếng, mất tiếng kéo dài.

BS. Vũ Cường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!