Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cảm thấy cực kỳ thoải mái khi ở bên bạn bè thân thiết, giống như một gia đình vậy. Điều này đã được các khoa học gia thuộc ĐH California lý giải qua một nghiên cứu mới, rằng bạn bè có bộ gen khá tương đồng giống như các thành viên trong gia đình.
Để đưa ra được kết luận này, các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu của hơn 1.900 người, cùng 1,5 triệu mẫu gen khác nhau để so sánh mẫu ADN giữa những cặp bạn bè không cùng huyết thống và những người hoàn toàn xa lạ.
Sau khi kiểm soát được các yếu tố về sắc tộc, văn hóa, và địa lý, kết quả cho thấy bạn bè có bộ gen gần tương đồng với anh em họ đời thứ 4. Theo Nicholas Christakis - giáo sư xã hội học và sinh học tiến hóa tại ĐH Yale (Mỹ) thì con người ta bằng cách nào đó đã lựa chọn những người có bộ gen gần giống mình để làm bạn.
Ảnh minh họa
Bạn bè có sự tương đồng chủ yếu về gen gây ảnh hưởng đến khứu giác và có sự khác biệt về gen đảm nhiệm quản lý hệ miễn dịch trong cơ thể. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, con người thường xây dựng nhóm xã hội dựa trên sự khác biệt của hệ miễn dịch.
Việc những thành viên trong tập thể có hệ miễn dịch khác nhau sẽ góp phần giảm thiểu sự lây lan và tăng khả năng sống sót khi có bệnh dịch xảy ra.Theo giáo sư di truyền học James Fowler thuộc ĐH California, việc lựa chọn bạn bè có bộ gen tương đồng có thể đem lại các ‘lợi thế tiến hóa’. Tuy nhiên, cơ chế về việc lựa chọn bạn bè, hoặc bạn đời, dựa trên thông tin di truyền đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Một vài nghiên cứu trước đây cho rằng pheromone (chất sử dụng như tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài) có trong mồ hôi mang theo các tín hiệu về sự tương đồng gen, đóng vai trò quan trọng để thu hút. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về những loại thuốc hiện đại có thể làm giảm quá trình lựa chọn tự nhiên ở người.
Một thí nghiệm có cái tên khá hài hước ‘thí nghiệm ngửi áo phông’ được thực hiện bởi nhà động thực vật học người Thụy Điển - Claus Wedekin năm 1994. Kết quả thí nghiệm cho thấy phụ nữ thích mồ hôi của người có hệ miễn dịch khác biệt với bản thân nhất.
Tuy nhiên giáo sư Dan Davis thuộc ĐH Manchester (Anh) chỉ ra rằng, nếu lặp lại thí nghiệm sẽ thu được kết quả khác nhau. Ông cho rằng, ‘Việc di truyền có ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn hoàn toàn có thể xảy ra, ít nhất là trên động vật. Nhưng ở người, còn rất nhiều yếu tố khác cần xét đến, khiến nghiên cứu chưa thuyết phục’.
Giáo sư Fowler mong muốn có lời giải thích đơn giản hơn về việc kết bạn với người có bộ gen tương đồng. Ví dụ như những người có chung sở thích về mùi café có cơ hội lớn để gặp nhau và kết bạn tại một cửa hàng cà phê quen thuộc.
Ngoài ra, hai giáo sư Fowler và Christakis cho biết, việc các nhóm trong xã hội có độ tương đồng về mặt di truyền có thể góp phần giải thích vì sao quá trình tiến hóa ở người có xu hướng tăng tốc trong khoảng 30.000 năm qua. Tự bản thân môi trường xã hội cũng đã là một nguồn lực tiến hóa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!