Tập luyện thể dục hoàn toàn tốt cho sức khỏe của chúng ta. Việc dành ra một khoảng thời gian nhất định dù ít hay nhiều để tập thể dục cũng tốt hơn là không tập. Một số người lại có những phương pháp tập luyện tốt hơn so với những người khác, đem lại hiệu quả luyện tập tổng thể cao hơn.
Tuy nhiên, cũng có người đến phòng tập nhưng không thực sự tập. Nếu bạn đến phòng tập với một khuôn mặt được makeup kĩ càng hoàn hảo, rồi dành ra cả tiếng đồng hồ đọc tạp chí trên xe đạp tập thể thao, có lẽ bạn nên xem lại mục tiêu khi đến phòng tập của mình là gì.
Rất nhiều người dù dành ra rất nhiều thời gian trong phòng tập nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng như vậy. Nếu như việc tập luyện không giúp ích gì cho bạn thì có thể là do một trong những nguyên nhân dưới đây.
Không theo dõi nhịp tim của mình trong lúc tập luyện
Để quá trình tập luyện thể dục thể thao trở nên hiệu quả hơn, bạn nên học cách kết hợp cả 4 yếu tố: cường độ, tần suất, nhịp thở và nhịp tim. Muốn tận dụng triệt để những yếu tố này, bạn cần tìm cách đo lường chúng. Trong đó, đo nhịp tim là thao tác cần được quan tâm nhiều nhất.
Nếu đang tập trên một máy chạy cardio hay tập các bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT), nhịp tim của bạn nên dao động trong khoảng 75% nhịp tim tối đa để có được kết quả tốt nhất.
Nhịp tim tối đa được hiểu là số nhịp đập lớn nhất trong mỗi phút mà tim có thể chịu đựng được. Công thức tính nhịp tim tối đa rất đơn giản: nhịp tim tối đa = 220 – số tuổi.
Ví dụ: nếu bạn 25 tuổi, nhịp tim tối đa của bạn sẽ là 220 – 25 = 195 nhịp/phút. Khi luyện tập, bạn tuyệt đối không được để nhịp tim vượt qua con số này.
Lúc chạy cũng như tập thể thao, tim chúng ta sẽ đập nhanh hơn để cung cấp ôxy cho các cơ dẫn đến số mạch đập trong một phút tăng. Số lần tim đập nhiều nhất trong một phút chính là tần số nhịp tim tối đa của bạn. Qua tỉ lệ phần trăm nhịp tim tối đa, bạn sẽ biết liệu mình có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Cụ thể, nhịp tim trong khoảng từ 60% đến 70% khi chạy cũng như khi tập luyện chính là khoảng nhịp tim lý tưởng để giảm cân.
Ví dụ: một bạn nữ 25 tuổi muốn vận động giảm cân, khi tập luyện cần duy trì nhịp tim từ:
- HR min (220-25) x 60% = 117
- HR max (220-25) x 70% = 137
Cách dễ dàng nhất để bạn theo dõi nhịp tim là sử dụng một màn hình nhịp tim cung cấp chính xác nhịp tim của bạn đang ở mức nào theo khoảng thời gian nhất định. Một số người đánh đồng đổ mồ hôi với việc mình đã luyện tập hết công sức. Thực tế là, việc đổ mồ hôi chưa hẳn là do luyện tập tích cực mà chỉ là vì một số người dễ bị đổ mồ hôi hơn những người khác mà thôi. Một màn hình nhịp tim đơn giản để theo dõi nhịp tim trong lúc luyện tập là cách hiệu quả nhất để đánh giá mức độ luyện tập của bạn.
Bạn vẫn tán gẫu lúc tập luyện
Trong lúc luyện tập mà tán gẫu chuyện trò với đứa bạn bên cạnh là một ý tưởng hay để vượt qua thời gian, thế nhưng nếu mục đích tập luyện của bạn là để giảm cân thì tập luyện nhẹ nhàng như vậy chỉ khiến bạn tốn thời gian và tiền bạc trong phòng tập thôi!
Để giảm cân thì bạn phải đánh giá lại mức độ tập luyện của mình và tập luyện tích cực hơn nhé!
Bạn không cảm thấy đau nhức trong ngày hôm sau
Ông bà ta thường nói không khổ luyện thì không thể thành công, việc tập luyện thể dục cũng vậy. Bạn phải cảm thấy một chút đau nhức vào ngày hôm sau thì việc tập luyện mới được coi là có hiệu quả.
Trong quá trình tập thể dục, vận động chỉ gây ra những thiệt hại cực nhỏ đến cơ bắp. Các cơ sau đó sẽ điều chỉnh, tự sửa chữa, phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Về cơ bản, cảm giác đau nhức vừa phải sau khi tập luyện là bình thường. Điều này cho thấy việc tập luyện của bạn đã tác động lên cơ bắp. Nếu bạn chưa cảm thấy đau mỏi sau khi tập thì có thể là do cơ bắp chưa kích thích đủ. Thế nhưng bạn cũng không nên tập luyện quá sức dẫn đến việc đau nhức cơ thể quá mức khiến bạn không thể làm gì vào ngày hôm sau nhé!
Đặc biệt là bạn cũng nên dành cho mình một ngày nghỉ xen kẽ trong tuần sau những ngày tập luyện vất vả để dành thời gian cho cơ thể phục hồi nữa.
Trong phần 2, mời bạn tham khảo thêm những nguyên nhân khiến việc tập luyện không giúp ích gì cho bạn.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề: Playlist nhạc tập gym giúp bạn tập hiệu quả hơn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!