Bạn có nên mang thai sau tuổi 35?

Chuẩn bị mang thai - 11/28/2024

Chuyên gia của Hello Bacsi chia sẻ những lí do khiến việc mang thai sau tuổi 35 khó khăn hơn và lưu ý để tăng khả năng thụ thai.

Nếu bạn đã 35 tuổi và vẫn có mong muốn chào đón thêm một thành viên mới trong gia đình, bạn có thể cần giúp đỡ nhiều hơn vì những thách thức bạn có thể gặp phải khi cố gắng thụ thai sau 35 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất khiến việc thụ thai ở độ tuổi này trở nên khó khăn hơn là do tuổi tác làm suy giảm khả năng sinh sản. Khi phụ nữ lớn tuổi hơn, họ vẫn có thể có chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên nhưng trứng không bao giờ rụng. Chất lượng và số lượng trứng của phụ nữ cũng giảm đi ở độ tuổi 30 và 40. Những lý do khác làm thụ thai sau 35 tuổi khó khăn hơn bao gồm:

  • Nhiễm trùng hoặc hoặc phẫu thuật gây ra mô sẹo xung quanh các ống dẫn trứng hoặc cổ tử cung;
  • Bệnh lạc nội mạc tử cung;
  • U xơ hoặc rối loạn tử cung;
  • Giảm dịch trong cổ tử cung;
  • Các bệnh mãn tính như cao huyết áp hoặc tiểu đường;

Sẩy thai cũng phổ biến hơn ở phụ nữ trên 35 tuổi bởi cơ thể của phụ nữ độ tuổi này xuất hiện một số nhiễm sắc thể bất thường.

Bạn nên làm thế nào để tăng khả năng thụ thai?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuy tổng số lượng trứng không thể tăng lên nhưng chất lượng trứng vẫn có thể được cải thiện. Các loại thực phẩm chức năng có chứa myo-inositol, axit folic và melatonin đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện chất lượng trứng và chức năng buồng trứng. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần nhớ:

  • Bạn nên đi khám bác sĩ trước khi thụ thai. Bạn và bác sĩ có thể cùng nhau xem xét và đánh giá lại bệnh sử, loại thuốc hiện tại đang sử dụng và lối sống của bạn. Đây là cũng là cơ hội để bạn bày tỏ bất kỳ mối quan tâm hay băn khoăn nào về việc cố gắng để thụ thai sau 35 tuổi;
  • Duy trì hoặc hướng tới một lối sống lành mạnh. Rượu, thuốc lá và chất kích thích có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản. Thừa cân hoặc thiếu cân cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do chúng có tác động xấu đến chức năng của hormone trong cơ thể;
  • Quan sát những dấu hiệu liên quan đến khả năng sinh sản của cơ thể. Việc ghi chép lại nhiệt độ cơ thể và lượng chất nhờn từ cổ tử cung có thể giúp bạn xác định thời gian tốt nhất để giao hợp khi cố gắng thụ thai. Những dấu hiệu liên quan đến khả năng sinh sản cũng có thể tiết lộ cho bạn biết liệu bạn có đang rụng trứng thường xuyên và có thể đang mang thai hay không.
  • Tự kiểm tra khả năng sinh sản tại nhà. Có nhiều dụng cụ kiểm tra không cần sự trợ giúp của bác sĩ có thể chỉ ra các tác nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến khả năng sinh sản của phụ nữ hoặc nam giới. Các kiểm tra nhỏ tại nhà này sẽ giúp các cặp vợ chồng an tâm hơn khi đang nóng lòng muốn có con.
  • Bạn nên cân nhắc dùng thêm các loại thực phẩm chức năng có chứa myo-inositol để cải thiện chất lượng trứng.

Nếu bạn đã ngoài 35 tuổi, vẫn có quan hệ tình dục thường xuyên trong một năm mà không có thai, bạn nên đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể làm các xét nghiệm máu để tìm hiểu lý do tại sao bạn không thụ thai. Nếu bạn đã 36 tuổi hoặc lớn hơn, bạn không nên đợi tới tận một năm mà hãy đi bác sĩ để được khám càng sớm càng tốt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!