Bàn tay sạch, phòng nhiễm giun sán

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Vừa qua, tại Bắc Ninh rộ lên chuyện học sinh mầm non bị nhiễm sán nghi do ăn thịt lợn. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả xét nghiệm sán lợn của trẻ Bắc Ninh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, có 18,5% mẫu dương tính với ấu trùng sán lợn, trong khi đó có tới 46% mẫu dương tính với ấu trùng giun đũa và sán ở chó, mèo. Vậy nhiễm giun sán nguy hiểm thế nào? Có cách nào để phòng bệnh?

Nhiễm giun sán nguy hiểm thế nào?

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, cùng với ý thức vệ sinh của người dân chưa cao, nên đây là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh giun sán nói chung phát triển quanh năm. Các bệnh ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là bệnh giun kim đã và đang gây ra nhiều tác hại trong cộng đồng dân cư một cách thầm lặng và lâu dài, bệnh xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi. Song, thường gặp ở trẻ em trong lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo...

BS. Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nguyên nhân nhiễm giun sán ở trẻ em là do trẻ thường bò lê trên sàn nhà, mút tay, đưa các đồ chơi bẩn vào miệng; chơi với súc vật như chó, mèo rồi nhiễm phải nước miếng hoặc phân của chúng; cầm nắm đồ vật rồi đưa vào miệng; cầm, nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện. Nhiễm giun còn do ăn thức ăn không sạch, uống nước chưa đun sôi; người lớn không rửa tay sạch khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ; trẻ ăn thức ăn nhiễm ký sinh trùng; trẻ ăn khi thức ăn chưa được đun nấu kỹ...

Như vậy, nguyên nhân chủ yếu nhiễm giun sán là do thói quen vệ sinh, do bàn tay bẩn, ăn uống không khoa học. Khi bị nhiễm giun sán, cơ thể thường có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, nôn và buồn nôn... Trẻ bị giun sán thường biếng ăn, còi cọc, kém phát triển, thiếu máu, chậm lớn, tóc thưa rụng, dẫn đến “bụng ỏng, đít teo”. Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... Người cao tuổi sức khỏe yếu, nếu nhiễm giun còn có thể gây nên tình trạng suy nhược nghiêm trọng.

Bàn tay sạch, phòng nhiễm giun sán

Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất dễ bị lây nhiễm.

Phòng bệnh thế nào?

Để phòng bệnh giun sán, mỗi người dân cần có ý thức phòng bệnh nhất là đối với trẻ nhỏ trong việc thực hiện chế độ vệ sinh, ăn uống và thói quen sinh hoạt.

Rửa tay với xà phòng

Bàn tay là phương tiện truyền bệnh giun sán do nhiễm bẩn khi đi đại tiện, rửa đít cho trẻ, trẻ ngứa hậu môn đưa tay vào gãi... Do vậy, trẻ nhỏ nên cắt ngắn móng tay, không chơi nghịch đất cát, ngậm mút ngón tay; cần hướng dẫn và giáo dục cho trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng, nhất là thời điểm trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để làm giảm mắc tỷ lệ giun sán, tiêu chảy. Ngoài ra, cần nhắc nhở trẻ có thói quen đi giày dép, kể cả đi học và ở nhà, không nên đi chân đất, nghịch cát, mặc quần thủng đít để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh giun móc...

Khi chế biến đồ ăn cha mẹ (người lớn) cũng phải đảm bảo đôi tay sạch sẽ để hạn chế nguy cơ trứng giun rơi vào thức ăn.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Trẻ em nông thôn có tỷ lệ nhiễm giun sán cao một phần là do nhà vệ sinh không đạt yêu cầu. Khi tiểu tiện, đại tiện vào nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ ngăn chặn được sự lây lan nguồn bệnh vào môi trường. Vì vậy, cần đi đại tiện đúng nơi quy định vào hố xí có nắp đậy; sử dụng nguồn nước sạch.

Cần phải quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông; không để phân làm ô nhiễm nguồn nước, nhốt súc vật xa khỏi nơi sinh hoạt của gia đình...; không phóng uế bừa bãi và không dùng phân tươi bón cho hoa màu...; vệ sinh nhà cửa, vườn sạch sẽ.

Ngoài ra cần thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm như: không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không an toàn để chế biến thức ăn, rửa ráy chân tay. Nước dễ bị ô nhiễm trong quá trình vận chuyển hoặc do đồ chứa, chum, vại không có nắp đậy, nên cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nguồn nước, nơi chứa nước.

Tuyệt đối không được uống nước lã; không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ tái. Che đậy thức ăn không để chuột, gián bò vào. Trước khi ăn, nên nấu nóng lại, kể cả đồ ăn để trong tủ lạnh. Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn), không uống nước lã...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!