Vào dịp Tết cổ truyền, thịt đông là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm của người miền Bắc. Thịt đông không quá khó làm, nhưng nếu biết cách nấu thịt đông đúng điệu, bạn sẽ có một món ăn nhiều chất đạm nhưng không mang lại cảm giác ngán khi ăn.
Thịt đông thường được chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì… Đây đều là những phần chứa rất nhiều chất béo, chất đạm và cholesterol xấu. Do đó, nếu không biết cách chế biến hoặc ăn không đúng cách, bạn sẽ dễ cảm thấy ngán, tăng cân, thậm chí với những người có tiền sử mắc rối loạn chuyển hóa, món ăn này còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Để giúp bạn tránh được những điều này, Hello Bacsi đã sưu tầm 2 cách nấu thịt đông ngon đúng chuẩn, bạn có thể tham khảo và thử chế biến cho gia đình mình trong dịp Tết Nguyên Đán này nhé.
Cách nấu thịt đông chân giò ngon
Nguyên liệu
- Thịt chân giò
- Tai heo hoặc bì lợn (để tạo độ đông cho món ăn)
- Mộc nhĩ
- Nấm hương
- Hành khô
- Cà rốt
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, mì chính (bột ngọt), tiêu
Các bước làm thịt nấu đông
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt chân giò: Bạn nên chọn miếng thịt tươi ngon, thớ thịt màu đỏ hồng, sờ vào thấy rắn chắc và không nghe mùi ôi. Sau khi mua về, bạn xát muối rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ và trụng sơ với nước sôi có chút muối và hành tím đập giập để thịt có mùi thơm và không bị vỡ khi nấu đông. Sau khi trụng xong, bạn hãy rửa lại bằng nước sạch, để ráo, ướp một ít nước mắm, một ít mì chính để thịt có hương vị đậm đà.
- Tai heo: Bạn cần chú ý sơ chế kỹ những khía lõi ở cuống tai vì vị trí này thường chứa rất nhiều chất bẩn. Sau đó, bóp rửa với một chút muối, giấm gạo hoặc chanh để làm sạch. Sau khi rửa sạch, bạn cũng trụng sơ với nước sôi và nhanh chóng rửa lại bằng nước lạnh hoặc ngâm vào nước đá để tạo độ giòn và tránh bị dính khi thái nhỏ. Khi tai heo đã nguội, bạn thái thành từng miếng nhỏ nhưng chú ý là đừng thái quá mỏng.
- Mộc nhĩ, nấm hương: Rửa sạch, ngâm nước nóng cho mềm, sau khi ngâm rửa lại một lần nữa, thái sợi hoặc khúc vuông. Tránh thái quá nhỏ vì như vậy khi nấu, mộc nhĩ và nấm hương sẽ bị nhũn ra, mất độ giòn dai.
Bước 2: Tiến hành nấu thịt đông
- Bắc bếp, cho dầu ăn, hành tím, mộc nhĩ, nấm hương vào xào, nêm nếm một chút gia vị, thêm ít hạt tiêu vào đảo đều. Sau khi xào, đổ hỗn hợp ra một cái chén. Tiếp theo, bạn cũng bắc bếp, cho dầu ăn, hành tím vào phi thơm rồi cho thịt chân giò và tai heo vào xào.
- Kế tiếp, bắc nồi lên bếp ga hoặc bếp từ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể sử dụng nồi áp suất. Đầu tiên, bạn cho hỗn hợp thịt chân giò và tai heo vào nồi, đổ nước ngập mặt thịt, khi sôi, hãy hớt bọt ra để món thịt đông trong và hấp dẫn hơn.
- Khi thịt đã chín mềm, bạn hãy cho hỗn hợp mộc nhĩ, nấm hương vào, nêm nếm gia vị vừa rồi đun thêm khoảng 5 phút nữa là có thể tắt bếp.
Bước 3: Trang trí món ăn
Cắt cà rốt thành hình bông hoa rồi đặt dưới đáy bát trước khi múc thịt đông ra chén để khi úp món thịt đông sẽ trở nên đẹp mắt hơn. Cất thịt đông vào tủ lạnh 4 – 6 giờ để thịt đông lại.
Cách nấu thịt đông gà thơm ngon, lạ miệng
Bên cạnh cách chế biến truyền thống là nấu thịt đông bằng thịt lợn, bạn có thể thử chuyển sang nấu bằng thịt gà. Điều này không chỉ giúp làm mới món thịt đông mà còn giúp món ăn trở nên bổ dưỡng, ngon và không gây ngấy.
Nguyên liệu
- 700g thịt gà
- Cà rốt
- Mộc nhĩ
- Nấm hương
- Gia vị: muối, nước mắm, hạt niêm, tiêu…
Các bước nấu thịt đông gà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà: Sau khi mua về, bạn hãy xát muối, rửa sạch rồi lọc bỏ bớt phần mỡ ở miếng thịt và chặt thành từng miếng nhỏ. Bạn cũng có thể rút bỏ xương để ninh lấy nước, còn phần thịt thì để nấu thịt đông. Ướp thịt gà với 1 thìa nước mắm, 1 thìa cà phê muối và 1 chút hạt tiêu khoảng từ 15 – 20 phút.
- Mộc nhĩ, nấm hương: Rửa sạch, ngâm với nước cho nở. Sau đó, cắt chân và thái sợi hoặc khúc vuông. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và tỉa hoa.
Bước 2: Tiến hành nấu thịt đông gà
- Cho thịt gà đã sơ chế vào nồi, xào khoảng 10 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho mộc nhĩ, nấm hương vào, thêm chút muối và hạt tiêu, xào khoảng 5 phút.
- Đổ nước hoặc nước dùng gà vào nồi gà đã xào, lượng nước ngập mặt thịt. Khi nước sôi, bạn nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
- Để sẵn một cái chén và để cà rốt đã thái hoa dưới đáy, khi thịt gà chín, múc lên trên, để nguội, bọc lại rồi cho vào tủ lạnh. Hôm sau, bạn có thể thưởng thức món ăn hấp dẫn, lạ miệng này.
Một số lưu ý khi ăn thịt đông
Thịt đông là món ăn hấp dẫn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, khi thưởng thức món ăn này, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nên ăn thịt đông cùng dưa hành và rau củ để giúp cơ thể tiêu hóa thịt một cách dễ dàng. Bên cạnh dưa hành, bạn cũng nên ăn thêm nhiều rau xanh (các loại rau thơm) để tăng cường vitamin và hạn chế việc nạp quá nhiều chất đạm.
- Ăn nhiều trái cây như mận, táo… sau khi ăn thịt đông để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
- Bạn nên chia nhỏ thịt đông thành từng phần và bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh, tránh ôi thiu gây ngộ độc.
Bích Ngân/HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 9 cách làm sữa chua ngon tại nhà khiến ai cũng mê
- Mách bạn cách làm các món ăn và thức uống từ chuối
- 8 món ngon từ phúc bồn tử bạn có thể tự tay làm tại nhà
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!