Bất ổn tâm thần lứa tuổi học đường

Cần biết - 04/26/2024

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm bất ổn tâm thần ở lứa tuổi học đường. Vậy đó là những nguy cơ nào? Hậu quả của chúng ra sao? Có những cách nào để ứng phó?...

Thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam

Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy tỷ lệ trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em khoảng 12%, đồng nghĩa với việc hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ SKTT. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải ngoại Anh quốc (ODI) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (do UNICEF điều phối) về SKTT của thanh thiếu niên. Việt Nam cho thấy, các loại hình vấn đề SKTT phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, đơn độc) và vấn đề hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý).

Đối với những rối loạn cảm xúc, trong đó có trầm cảm và tự tử, thì các em gái được cho là nhạy cảm với các vấn đề cảm xúc hơn các em trai. Trong mẫu nghiên cứu, cách trẻ em hiểu và chia sẻ về vấn đề tự tử có sự thay đổi về nhóm tuổi. Trong khi nhóm trẻ em ở độ tuổi 11-14 nghe nói “nhiều” bạn từng cố gắng tự tử thì tới độ tuổi lớn hơn 15-17, một số đã có “ý định” tự tử và ở độ tuổi lớn hơn nữa, một vài em cho biết bản thân đã từng có “hành vi” toan tự tử/tự tử nhưng không thành.

Mặc dù tỷ lệ tự tử của thanh/thiếu niên Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với những ước tính toàn cầu. Nhưng lạm dụng chất, đặc biệt là thuốc lá, lại phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%). Điều đáng lo ngại là, những vấn đề tâm thần này có thể chỉ là bề nổi cho tảng băng chìm.

Bất ổn tâm thần lứa tuổi học đường

Áp lực học tập là một trong những điều khiến các em bị stress.

Nguy cơ nào dẫn tới vấn đề tâm thần ở trẻ em và vị thành niên?

Nguyên nhân phổ biến nhất của các vấn đề về SKTT ở trẻ em liên quan đến những căng thẳng do áp lực học tập, gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, kinh tế khó khăn, thành viên trong gia đình bị ốm, nỗi sợ bị thôi học… Với trẻ vị thành niên (VTN) lớn hơn, đặc biệt là các em gái, cảm giác cô lập xã hội đến từ hậu quả của kết hôn sớm và sự cô lập xã hội (xảy ra phổ biến hơn đối với các em gái dân tộc thiểu số). Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em gái cũng phải đối mặt với các vấn đề về SKTT xuất phát từ những căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình.

Một số những biểu hiện tiêu cực về tâm lý xã hội được cho là có mối liên quan tới việc tiếp cận các công nghệ hiện đại, các hành vi nghiện trực tuyến đối với những trẻ có xu hướng “sử dụng quá nhiều”. Trẻ em trai có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các trò chơi điện tử trực tuyến và nỗi buồn của chúng đến từ việc bị thua cuộc. Theo thời gian, việc chơi các trò chơi trực tuyến cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Các em gái còn có nguy cơ bị rình rập và bắt nạt trên mạng dẫn đến lo lắng, trầm cảm...

Áp lực học tập là một trong những điều khiến các em lo lắng. Phần lớn liên quan đến thành tích học tập, do chính các em tự đặt kỳ vọng cao đối với bản thân, phải vượt trội so với bạn bè hoặc do áp lực của gia đình muốn các em đạt thành tích tốt. Những mối quan hệ phức tạp, những mâu thuẫn ở trường học với bạn đồng trang lứa, với thầy cô giáo cũng là những yếu tố rủi ro đối với SKTT của học sinh, trong đó, đáng quan tâm là hiện tượng bắt nạt học đường và bạo lực học đường. Các mối quan hệ tình cảm, thường bắt đầu trong môi trường học đường, gây cho trẻ những căng thẳng bởi một mặt trẻ phải giấu giếm cha mẹ và thầy cô giáo - những người sẽ ngăn cấm trẻ, và mặt khác, những đổ vỡ và tình yêu đơn phương mang đến cho trẻ nỗi buồn, trầm cảm và thậm chí đôi khi dẫn đến ý định tự tử hoặc hành vi tự tử.

Giải pháp ứng phó

Rất nhiều các chiến lược ứng phó đã được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em, ở các cấp độ từ cá nhân, tới gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Yếu tố bảo vệ được đề cập đến đầu tiên là việc trẻ được tham gia vào các hoạt động giải trí, ví dụ các bộ môn thể thao, võ thuật, đọc sách, xem phim, tham gia các câu lạc bộ hoặc các chuyến dã ngoại do trường tổ chức, học trực tuyến. Các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa và mạng internet, môn học kỹ năng sống và giáo dục công dân mà trẻ được học ở trường có tác dụng giúp trẻ đối phó với những căng thẳng.

Bất ổn tâm thần lứa tuổi học đường

Cần thiết lập phòng tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng sống trong trường học.

Gia đình có mối quan hệ tình cảm bền chặt hoặc gia đình gắn kết cũng là một yếu tố bảo vệ quan trọng giúp trẻ tránh khỏi những căng thẳng và tổn thương tâm lý xã hội. Trẻ cảm thấy được cha mẹ và ông bà yêu thương và có cảm giác hạnh phúc khi có thể chia sẻ cảm xúc và những lo ngại với cha mẹ và ông bà. Do vậy, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cha mẹ liên quan đến phòng ngừa các vấn đề về SKTT và nhận biết sớm các dấu hiệu khi trẻ có các biểu hiện tiêu cực về SKTT là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tăng cường kỹ năng giao tiếp và ứng xử với con cái, đặc biệt là trong việc ứng phó với những mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ và con cái. Kỹ năng tương tác giữa cha mẹ và con cái phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ sẽ giúp trẻ điều chỉnh được những khó khăn và rối loạn cảm xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hành vi tích cực. Ngược lại, nếu cha mẹ không có kỹ năng giao tiếp phù hợp và có thói quen áp đặt quan điểm của mình lên con cái sẽ dẫn đến nguy cơ cha mẹ và con cái rơi vào tình trạng xung đột quan điểm, cả cha mẹ và con cái đều bị căng thẳng do không hiểu được nhau và con cái có nhiều nguy cơ thực hiện các hành vi mang tính nổi loạn, hoặc rơi vào tình trạng bị rối loạn cảm xúc, thậm chí là trầm cảm.

Ở cấp độ nhà trường, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược ứng phó của trẻ, đặc biệt liên quan tới học tập và các hình thức kỷ luật tại nhà trường. Bên cạnh đó, rất cần triển khai đại trà mô hình Phòng tham vấn tâm lý học đường, để hỗ trợ học sinh ứng phó và vượt qua được các khó khăn về SKTT và tâm lý xã hội. Hiện nay, mô hình Phòng tham vấn tâm lý học đường mới chủ yếu được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quan trọng trong việc triển khai các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc SKTT cho học sinh còn khá mờ nhạt so với chăm sóc sức khỏe thể chất cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học sinh vào đầu năm học nhưng chủ yếu chú trọng kiểm tra sức khỏe cho học sinh về cân nặng, chiều cao, các bệnh về mắt, răng miệng, cong vẹo cột sống. Do vậy, để phòng ngừa các vấn đề về SKTT cho học sinh thì song song với việc triển khai mô hình Phòng tham vấn tâm lý học đường đối với hệ thống trường học trên toàn quốc, thì Bộ GD-ĐT cũng cần tham mưu cho chính phủ trong việc xây dựng hệ thống chính sách và mô hình chăm sóc SKTT cho học sinh.

Rất cần triển khai đại trà mô hình Phòng tham vấn tâm lý học đường, để hỗ trợ học sinh ứng phó và vượt qua được các khó khăn về SKTT và tâm lý xã hội.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!