Động kinh, căn bệnh khiến 60% số bệnh nhân là trẻ em mắc phòng ngừa ra sao?

Thời sự - 11/24/2024

Ở nước ta có khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trí nhớ và học tập của trẻ.

Động kinh, căn bệnh khiến 60% số bệnh nhân là trẻ em mắc phòng ngừa ra sao?

Các biểu hiện khi trẻ bị động kinh 

60% bệnh nhân là trẻ em

Liên tục bị cô giáo nhắn tin con trai không tập trung, học kém, chị Thanh (Hà Nội) không khỏi phiền lòng. Dạo gần đây, do cùng con học buổi tối nhiều hơn nên chị phát hiện con có nhiều biểu hiện bất thường. Thi thoảng bé lại nhìn chằm chằm vào hư không, đôi khi đảo mắt lên trên hoặc đang cầm đồ bỗng nhiên đánh rơi…

'Mới đầu tôi cứ ngỡ con đang mải quan sát gì đó nhưng không phải, tôi cố tình xua tay hoặc cất đồ vật trước mắt con đi nhưng bé vẫn thế. Những cơn mất ý thức của con chỉ thoáng qua nhưng dạo gần đây tần suất nhiều lên khiến con học rất vất vả, không theo kịp bạn', chị Thanh buồn bã cho biết.

Đưa con đi khám, người phụ nữ ngoài 30 tuổi chết lặng khi các bác sĩ nói con chị bị chứng động kinh do bẩm sinh.

ThS.BSNT. Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết động kinh là tình trạng rối loạn hoạt động của não do sự phóng điện đột ngột và quá mức của những nhóm neuron thần kinh gây ra những rối loạn chức năng của thần kinh trung ương biểu hiện trên lâm sàng là những cơn co giật (rối loạn vận động) cảm giác, giác quan, thần kinh thực vật...và có thể phát hiện qua điện não đồ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc bệnh động kinh trên thế giới khoảng 0,5% dân số. Con số này thay đổi tùy theo địa lý, ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%; Canada là 0,6%. Tại Việt Nam khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh theo BS Ánh Tuyết có thể do bẩm sinh; do sang chấn sản khoa; sốt cao co giật đặc biệt ở tuổi nhũ nhi; nhiễm trùng thần kinh (viêm não-màng não); u não, chấn thương sọ não hoặc sau phẫu thuật não…

'Về yếu tố bẩm sinh, các nhà nghiên cứu đã thấy có sự liên kết một số loại động kinh với một số gen có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây ra động kinh.

Nếu động kinh do do sang chấn sản khoa và nguyên nhân trước khi sinh, em bé rất nhạy cảm với tổn thương não có thể được gây ra bởi các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mẹ bị nhiễm khuẩn, dinh dưỡng kém hoặc thiếu oxy. Tổn thương não này có thể gây ra chứng động kinh hoặc bại não ở trẻ em', BS Ánh Tuyết nói.

Đối với nguyên nhân động kinh do chấn thương hoặc các bệnh về não gây tổn thương não, như khối u não và đột quỵ có thể để lại di chứng động kinh ở người trên 35 tuổi. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm như viêm màng não vi khuẩn, và viêm não virus cũng có thể là căn nguyên gây ra bệnh động kinh.

BS Ánh Tuyết chỉ rõ, có nhiều loại động kinh nhưng đáng chú ý có hai dạng cơn động kinh toàn thể thường gặp nhất: đó là cơn co cứng – co giật toàn thể và cơn vắng ý thức. Cơn co cứng và co giật toàn thể là dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, dễ nhận biết nhất: gồng cứng người, co giật, đầu ưỡn ngửa ra sau, ngoẹo sang một bên, hai hàm răng nghiến chặt, nhãn cầu đảo ngược…

Đáng lưu ý động kinh ở dạng cơn vắng ý thức ban đầu rất khó nhận ra thường xảy ra ở trẻ em và hiếm gặp ở người lớn. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại động kinh này là mất ý thức trong khoảng 5 – 15 giây. Trẻ có biểu hiện nhìn chằm chằm, đôi khi đảo mắt lên trên hoặc đang cầm đồ bỗng nhiên đánh rơi… Cơn vắng ý thức thoảng qua này khiến trẻ bị động kinh thường khó có thể tập trung học và dẫn đến kết quả học tập sa sút.

Suy giảm trí tuệ, thể lực

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên động kinh sẽ để lại những di chứng với mức độ khác nhau. Ở trẻ, nếu bị động kinh mà không được điều trị đúng cách, kịp thời hoặc điều trị sai so với chỉ định dẫn tới các cơn co giật tái diễn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trí nhớ và học tập của trẻ.

Thời điểm khởi phát bệnh động kinh càng sớm và khu vực não bộ bị ảnh hưởng càng rộng thì nguy cơ suy giảm trí tuệ càng cao. Bên cạnh đó, các hệ luỵ khác như vấn đề về ngôn ngữ, học hỏi, rối loạn cảm xúc và hành vi cũng có thể xảy ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai và cuộc sống của trẻ sau này.

Với những người trưởng thành, những người bị động kinh dễ dẫn tới tự sát, đặc biệt là trong 6 tháng đầu tiên sau chẩn đoán. Các nguy cơ tự tử cao nhất khi người bị động kinh mắc các bệnh tâm thần kèm theo, như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt hoặc sử dụng rượu mãn tính.

Điều trị bệnh động kinh thường bao gồm thuốc và đôi khi phẫu thuật, thường là loại bỏ hoặc làm giảm tần suất, cường độ của các cơn động kinh. Theo đó, điều trị bệnh động kinh cần phải rất kiên trì. 

Các chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đối với người bị bệnh động kinh là tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, và người thân, sự thông cảm của bạn bè, những người xung quanh để không bản thân không cảm thấy mặc cảm, thấy mình khác biệt với mọi người. Trong việc chữa trị bệnh động kinh, sự hợp tác giữa gia đình với thầy thuốc là vô cùng cần thiết.

Để phòng ngừa bệnh tái phát, các chuyên gia tâm thần cho biết người bị bệnh động kinh cần luôn duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt một cách khoa học để phòng ngừa bệnh động kinh tái phát theo các hướng dẫn sau: Hạn chế đồ cay nóng, rượu bia, không uống cà phê; Ăn nhiều rau và hoa quả, không ăn nhiều đạm quá; Sáng ngủ dậy uống một cốc nước ấm khoảng 200ml, và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; Hạn chế làm công việc căng thẳng, stress, giữ cho tinh thần luôn thỏa mái; Tập thể dục ngoài trời, với các tư thế nhẹ nhàng giúp cho tinh thần sảng khoái, tránh stress trong công việc. Tinh thần cũng rất quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh động kinh.

Đặc biệt, người bị động kinh cần được ngủ đủ giấc, đúng giờ không thức khuya, không xem những chương trình nhạy cảm với ánh sáng trên tivi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!