Bày cách cho các mẹ chữa tưa lưỡi ở trẻ

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Tưa lưỡi là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ mà đôi khi phụ huynh dễ bỏ quá. Bệnh lâu ngày dẫn đến những tác hại cho hệ tiêu hóa và cơ thể. Chăm sóc và phòng tưa lưỡi không khó tuy nhiên đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Tưa lưỡi là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ mà đôi khi phụ huynh dễ bỏ quá. Bệnh lâu ngày dẫn đến những tác hại cho hệ tiêu hóa và cơ thể. Chăm sóc và phòng tưa lưỡi không khó tuy nhiên đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

1. Nguyên nhân tưa lưỡi

Thủ phạm chính gây nên chứng tưa lưỡi (nấm lưỡi) là Candida albican, một loại nấm men thường có trong khoang miệng của trẻ nhỏ. Vệ sinh răng miệng không tốt là nguyên nhân khiến loại nấm này bắt đầu sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh.

Những trẻ bị có cơ địa suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay HIV, ung thư... có sức đề kháng kém thường bị nấm lưỡi rất nặng. Ngoài ra, những trẻ phải sử dụng corticoid đường hít để điều trị hen suyễn, thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh phổ rộng kéo dài khiến cho hệ cân bằng vi sinh trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng cũng tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.

Bày cách cho các mẹ chữa tưa lưỡi ở trẻ

Việc vệ sinh khoang miệng không kỹ khiến trẻ bị tưa lưỡi.

2. Triệu trứng nhận biết tưa lưỡi

Biểu hiện ban đầu của tưa lưỡi là những chấm trắng nhỏ xuất hiện ở phía trên đầu lưỡi, sau đó lan rộng thành mảng trắng trên bề mặt lưỡi. Nếu để lâu, nấm sẽ lan rộng khắp lưỡi, làm mất vị giác khiến trẻ biếng ăn, đau đớn, khó bú, bỏ bú và quấy khóc. Vì lí do này, trẻ thường có biểu hiện ăn kém, biếng ăn, chậm lớn. Nguy hiểm hơn, nấm mọc dày có thể lan vào đường thở gây viêm phổi, nấm phổi, lan xuống dạ dày - ruột gây tiêu chảy.

3. Cách điều trị tưa lưỡi

Khi bị nấm lưỡi, nếu ở mức độ nhẹ, có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch iod polyvidin 1% cho trẻ súc miệng hằng ngày. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết súc miệng, phụ huynh nên dùng gạc mềm tẩm dung dịch đó lau miệng và lưỡi cho bé. Phải lau đúng chiều từ trong ra ngoài, không để nấm rơi xuống họng và xuống đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy nếu trẻ vô tình nuốt xuống.

Ngoài ra, có thể dùng các thuốc chữa nấm như Nystatin. Đây là thuốc kháng nấm tác dụng tốt. Nystatin hầu như không độc ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ và ngay cả khi dùng kéo dài. Có thể dùng dạng kem bôi hoặc dạng viên bao đường Nystatine 500.000 đơn vị, pha 1/5 viên thuốc với 1ml nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc nước đun sôi để nguội rồi dùng gạc sạch quấn quanh ngón tay trỏ đánh tưa ở lưỡi và nơi có nấm mọc. Thường đều trị trong 7 ngày.

Loại thuốc thứ hai có thể dùng là miconazol dạng gel bôi miệng nồng độ 2% - một thuốc nhóm imidazol tổng hợp có tác dụng chống nhiều loại nấm, bao gồm Candida albicans. Có một lưu ý là thuốc này không dùng khi trẻ bị dị ứng với miconazol, trẻ có bệnh về gan, trẻ không thể nuốt. Ngoài ra, thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy..), viêm gan, mẩn ngứa... Mặc dù là thuốc dùng tại chỗ nhưng vẫn có một lượng thuốc nhất định đi vào máu có thể xảy ra tương tác với các thuốc khác trẻ đang sử dụng nên phụ huynh cần chú ý hỏi bác sĩ. Khi dùng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần phải thận trọng để tránh làm tắc nghẽn cổ họng do gel. Nên chia tổng liều hằng ngày thành những liều nhỏ hơn và theo dõi trẻ để tránh nghẹt thở.

Bày cách cho các mẹ chữa tưa lưỡi ở trẻ

Nếu việc dùng thuốc bôi miệng và chống nấm bằng các thuốc trên không khỏi thì phải dùng thuốc kháng nấm toàn thân như fluconazole hoặc itraconazole.

Chú ý không nên cậy những chấm trắng trên lưỡi trẻ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Không sử dụng mật ong, nước vắt chanh để bôi lên lưỡi vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Do bệnh dễ tái phát nên sau khi hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục bôi thuốc cho trẻ ít nhất 2 ngày, phải phối hợp vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Không nên cho trẻ bú hay ăn uống trong vòng 20 phút sau khi đánh tưa. Dùng gạc sạch thấm nước muối 0,9% lau lưỡi cho bé mỗi ngày. Sau khi ăn cần được uống hoặc súc miệng bằng nước lọc tránh thức ăn bám lại ở miệng. Trẻ lớn hơn thì cần hướng dẫn đánh răng bằng loại kem dành riêng cho trẻ nhỏ.

Các bà mẹ cần lưu ý không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào khi chưa có ý kiến bác sĩ và không nên nghe theo lời mách bảo của người khác rồi làm theo khiến cho bệnh không những không khỏi mà còn có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm.

4. Phòng bệnh tưa lưỡi cho trẻ

Việc đề phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ em rất đơn giản:

- Sau khi trẻ ăn xong phải vệ sinh khoang miệng và lưỡi của trẻ đúng cách:

- Dùng nước lọc để cho trẻ uống để làm sạch khoang miệng và lưỡi ngay sau khi ăn.

- Có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng.

- Với trẻ sơ sinh, cần dùng gạc mềm, sạch thấm nước muối sinh lý để lau lưỡi cho bé sau mỗi lần bú. Với trẻ lớn, cần hướng dẫn trẻ cách đánh răng và súc miệng sau khi ăn.

- Không cho trẻ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.>>> Xem thêm: Các phương pháp dân gian điều trị tưa lưỡi cho trẻ hiệu quả

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!