Nguyên nhân bất ngờ gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh

Nuôi dạy con - 04/18/2024

Bệnh tưa lưỡi rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng lưỡi đóng mảng trắng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Dù không nguy hiểm nhưng nó khiến bé hay quấy khóc, bỏ bú.

Tưa lưỡi là một bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Dù bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bé hay quấy khóc, thậm chí bỏ ăn vì đau rát lưỡi. Thêm vào đó, bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với tình trạng lưỡi đóng trắng thường thấy ở trẻ sơ sinh, dẫn đến bệnh ngày càng nặng do không được chữa trị kịp thời. Hãy cùng phân biệt bệnh tưa lưỡi với lưỡi trắng bình thường ở trẻ sơ sinh để có biện pháp xử trí phù hợp.

Nguyên nhân bất ngờ gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh

Nếu là bệnh tưa lưỡi, những mảng màu trắng sẽ khó lau sạch, thậm chí chảy máu nếu bạn cố cọ sạch (Ảnh minh họa).

Lưỡi đóng trắng bình thường

Hầu như tất cả các bé sơ sinh đều có một lớp màu trắng mỏng trên lưỡi. Nguyên nhân là do trong 6 tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng duy nhất mà các bé nạp vào là sữa. Nếu bé ăn sữa ngoài chứ không bú mẹ thì lớp phủ trên lưỡi sẽ dày hơn một chút. Tuy vậy, thông thường lớp màu trắng này sẽ bong ra khi bé bú sữa vì lưỡi sẽ cọ sát vào phần ngạc cứng trong miệng.

Nếu vì lí do nào đó mà lưỡi không ma sát với ngạc cứng trong thời gian dài thì ba mẹ cần chú ý theo dõi để giúp bé chăm sóc vệ sinh lưỡi và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu nguyên nhân là tật dính thắng lưỡi, tức phần mô dưới lưỡi bám sâu khiến lưỡi khó cử động thì bạn có thể đưa bé đi khám để tiến hành phẫu thuật tách hãm lưỡi để bé có thể cử động lưỡi bình thường. Trong trường hợp nguyên nhân gây ra là do ngạc cứng quá cao nên lưỡi không với tới được, khiến cặn sữa đọng lại làm trắng lưỡi thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa để nhận được phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh tưa lưỡi

Đừng quá hoảng hốt, bởi tưa lưỡi (tưa miệng) là một tình trạng bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tưa lưỡi là bệnh do một loại nấm có tên Candida Albicans gây ra. Theo các bác sĩ chuyên khoa thuộc Dịch vụ y tế quốc gia Anh thì loại vi khuẩn này có trong miệng của cả những người khỏe mạnh và không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, đôi khi loại vi khuẩn này sinh sôi vượt kiểm soát do một thay đổi nào đó trong cơ thể và gây tổn thương các tổ chức trong miệng.

Nguyên nhân bất ngờ gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh

Dù bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bé hay quấy khóc, thậm chí bỏ ăn vì đau rát lưỡi (Ảnh minh họa).

Vậy nguyên nhân nào khiến vi khuẩn này đột nhiên sinh sôi bất thường?

Nếu bé mới được cho uống kháng sinh thì rất có thể đây chính là thủ phạm gây ra tình trạng tưa lưỡi. 'Tác dụng phụ' này là do khi tiêu diệt các vi khuẩn có hại thì kháng sinh cũng vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong miệng, tạo ra môi trường lí tưởng cho nấm hoành hành. Nếu mẹ bị nấm âm đạo hoặc dùng kháng sinh trong thời gian dài thì nguy cơ trẻ bị tưa lưỡi sẽ cao hơn.

Điểm khác biệt giữa bệnh tưa lưỡi và lưỡi đóng trắng

Cách phân biệt thật ra rất đơn giản. Nếu là lưỡi đóng cặn trắng, thì lớp cặn sẽ bong ra khi dùng khăn ẩm lau, để lộ ra màu hồng nhạt khỏe mạnh của lưỡi. Nếu là bệnh tưa lưỡi, những mảng màu trắng sẽ khó lau sạch, thậm chí chảy máu nếu bạn cố cọ sạch. Nếu bệnh không được phát hiện sẽ khiến bé quấy khóc, bỏ bú.

Cách chữa bệnh tưa lưỡi

Các mẹ đừng quá lo nếu bé bị tưa lưỡi bởi thường thì bệnh này cũng không nguy hiểm. Bạn có thể bôi thuốc trị nấm vào trong miệng cho bé hoặc cho bé uống thuốc, tùy từng trường hợp do bác sĩ chỉ định. Bạn cũng nên bớt sử dụng các thực phẩm nhiều đường nếu bé đang uống hoặc bôi thuốc trị nấm để giúp bé bú dễ dàng hơn.

Biện pháp phòng bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân bất ngờ gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh

Mẹ bị nấm nhũ hoa có thể khiến con nhiễm nấm gây tưa lưỡi khi cho bú (Ảnh minh họa).

- Rửa sạch tay sau khi thay tã cho bé để hạn chế tình trạng nấm lây lan vì nấm có thể thoát ra theo đường tiêu hóa của bé.

- Nếu bị nhiễm nấm âm đạo khi mang thai, mẹ cần điều trị dứt điểm để tránh lây nhiễm cho em bé trong quá trình sinh thường.

- Một mẹ bị nấm quanh núm vú trong quá trình cho con bú cũng nên được điều trị ngay lập tức. Điều này sẽ ngăn ngừa nhiễm trùng lây nhiễm sang em bé.

- Nếu trẻ đang dùng kháng sinh kéo dài, bổ sung probiotic có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng của hệ thực vật đường ruột và sức khỏe đường ruột. Điều này làm giảm khả năng xảy ra tình trạng tưa lưỡi.

Nguồn: NHS, Livestrong

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!