Bé khóc dạ đề, mẹ phải làm sao?

Nuôi dạy con - 04/26/2024

Trẻ hay quấy khóc, hay còn gọi là khóc dạ đề là tình trạng trẻ khóc hơn 3 tiếng vào buổi tối mà không có nguyên nhân bệnh lý nào.

Hội chứng này ảnh hưởng đến các bé ở nhiều lứa tuổi và với mức độ khác nhau.

Vì sao bé quấy khóc?

Cứ 5 bé thì có 1 bé khóc đủ lâu để được coi là mắc chứng hay quấy khóc. Khoảng thời gian bé khóc khác nhau nhưng thường bắt đầu ở những bé 3 tuần tuổi. Bé khóc nhiều nhất là khi được 4-6 tuần tuổi.

Khóc dạ đề là trường hợp bé khóc buổi tối. Bé có xu hướng mẫn cảm với các tác nhân kích thích, ví dụ như đầy hơi, đói, ăn quá no, không dung nạp một số loại thức ăn hoặc protein có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức, cảm thấy sợ, khó chịu. Thậm chí khi phấn khích bé cũng quấy khóc. Bé sẽ khóc nhiều hơn khi những người xung quanh lo lắng hoặc phiền muội.



Bé khóc dạ đề, mẹ phải làm sao?

Trẻ khóc không rõ lý do khiến bố mẹ rất lo lắng

Tình trạng quấy khóc này rồi cũng sẽ hết. Các triệu chứng có dấu hiệu cải thiện khi bé được 6 tuần tuổi và gần như chấm dứt hoàn toàn khi bé được 12 tuần tuổi. Nếu sau 12 tuần bé vẫn quấy khóc nhiều, gia đình nên đưa bé đi khám để loại trừ hoặc tìm ra các bệnh lý khác, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản.

Cách nhận biết

Bé thường hay quấy khóc vào cùng một thời điểm trong ngày. Bé khóc dạ đề thường khóc vào buổi tối. Bé khóc kèm theo các triệu chứng như tay nắm chặt, chân co, vùng bụng sưng. Mỗi lần bé khóc kéo dài từ vài phút đến vài tiếng. Bé khó thở khi mệt, sau khi ợ hơi hoặc đại tiện. Mặc dù bụng đau nhưng bé vẫn ăn đều và tăng cân bình thường.

Các bác sĩ thường chẩn đoán hội chứng bé hay quấy khóc thông qua lịch sử sức khỏe của bé, và các triệu chứng, bao gồm cả khoảng thời gian bé khóc.

Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho bé để tìm xem bé có bị mắc bệnh nào nữa không, ví dụ như chứng sa ruột, lồng ruột. Bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm khác nếu chẩn đoán chưa rõ ràng.

Những tác nhận kích thích bé khóc

Khi bé mắc hội chứng hay quấy khóc, bạn nên tìm và tránh những tác nhân kích thích khiến bé khóc, nếu có thể bạn hãy cố gắng tìm cách giúp bé cảm thấy dễ chịu.

Bé khóc dạ đề, mẹ phải làm sao?

Hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bé khóc để điều chỉnh lại

Những tác nhân có thể kích thích bé khóc bao gồm:

- Thức ăn: thức ăn có thể ảnh hưởng bé qua đường sữa mẹ. Nếu bạn đang cho bé bú, bạn không nên ăn những đồ ăn dễ gây kích thích như caffeine hay socola. Bạn nên tránh ăn những sản phẩm từ sữa và hạt trong một vài tuần vì những loại thực phẩm này có thể khiến bé bị dị ứng. Một số người truyền tai nhau rằng, mẹ cho con bú nên tránh ăn xúp lơ, cải bắp, đỗ và những thực phẩm sinh hơi. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều bằng chứng chứng minh rằng ăn những thực phẩm này có thể khiến bé quấy khóc.

- Sữa công thức: Một số bé mẫn cảm với protein có trong sữa công thức. Đổi công thức sữa có thể có tác dụng với một số bé.

- Thuốc: Thuốc qua đường sữa mẹ cũng có thể khiến bé quấy khóc. Nếu bạn đang cho con bú, hãy nói với các bác sĩ về loại thuốc bạn đang uống.

- Cách cho bé ăn: Bạn không nên cho bé ăn quá no hoặc quá nhanh. Nếu bé bú một bình sữa mà mất chưa đến 20 phút, lỗ ti ở núm bình sữa có thể quá to.

Mẹo giúp bé cảm thấy dễ chịu

Những mẹo giúp bé này cảm thấy dễ chịu chưa chắc đã có tác dụng với bé khác. Một số bé muốn được cuốn chặt trong chăn, một số bé khác lại muốn được để không. Bạn hãy thử nhiều cách khác nhau, chú ý vào những việc giúp bé dễ chịu.

- Ôm bé vào lòng sẽ rất hữu hiệu. Bạn càng ôm bé nhiều, thậm chí vào sáng sớm, bé sẽ càng khóc ít vào buổi tối. Điều này sẽ không chiều hư bé. Những chiếc đai địu sẽ giúp ôm bé thật chắc vào người bạn.

- Nhẹ nhàng đu đưa sẽ giúp bé bình tĩnh trở lại và giúp bé ợ hơi. Khi khóc, bé nuốt vào trong nhiều không khí gây đau bụng và bé lại khóc nhiều hơn. Vòng luẩn quẩn này sẽ khó chấm dứt. Ghế đu đưa là sự lựa chọn phù hợp cho những bé ít nhất 3 tuần tuổi, đã có thể tự giữ đầu thẳng trên cổ.

Bé khóc dạ đề, mẹ phải làm sao?

Sự dỗ dành của mẹ sẽ khiến bé thấy yên tâm hơn

- Hát ru sẽ khiến bé có cảm thấy được vỗ về.

- Ôm bé đứng thẳng sé giúp bé ợ hơi và giảm ợ nóng. Đặt khăn giặt qua nước ấm hoặc chai nước ấm lên bụng bé cũng có thể khiến bé dễ chịu.

- Một số trẻ thích nằm sấp khi tỉnh, một số trẻ thích nằm ngửa. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không cho bé nằm sấp khi ngủ, bé có thể tử vong đột ngột (SIDS).

- Hãy cho bé làm những gì bé thích, một số bé thích mút một vật gì đó trong miệng.

- Nếu bạn đang cho bé bú, bạn hãy cho bé bú hết sữa một bên vú rồi mới chuyển bé sang bên còn lại. Các chất có trong sữa sẽ thay đổi trong một lần cho bé bú. Sữa ra ban đầu có ít calo và chất béo, sữa ra cuối có rất nhiều chất béo và giúp bé thấy dễ chịu hơn. Nếu bé vẫn cảm thấy khó chịu hoặc bé bú quá nhiều, bạn hãy cho bé bú một bên theo yêu cầu của bé và cách nhau khoảng 2-3 tiếng, như thế bé sẽ bú được nhiều sữa cuối hơn.

- Một số bé cảm thấy dễ chịu hơn khi lái xe. Nếu đúng như thế, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc chuẩn bị cho bé một thiết bị có thể giả tiếng và chuyển động của xe.

- Dùng thuốc, có 1 số loại thuốc nhất định giúp bé bớt quấy khóc, tuy nhiên các loại thuốc này cần có đơn của bác sĩ chỉ định.

Bé thường hết quấy khóc khi được 3-4 tháng tuổi. Quấy khóc không gây ra bất kỳ biến chứng nào, vì vậy gia đình không cần lo lắng thái quá.

Mẹ thông thái hiểu biết

Dù có phòng tránh như thế nào bé cũng có một giai đoạn hay quấy khóc. Tuy nhiên, cho bé ăn đúng cách và phát hiện ra những nguyên nhân khiến bé quấy khóc cũng sẽ có tác dụng. Nếu bạn đang cho con bú, bạn hãy liên hệ với những chuyên gia để được tư vấn.

Bạn nên biết các yếu tố có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu trước khi tình trạng quấy khóc gia tăng. Biết cách làm bé dễ chịu sẽ khiến khoảng thời gian bé mắc hội chứng hay quấy khóc dễ qua đi hơn.

>> Xem thêm: Bí mật về khóc dạ đề có thể mẹ chưa biết

Văn Cường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!