Ống hít, dầu gió: Dễ lây bệnh qua đường hô hấp
Ống hít được nhiều người sử dụng do tạo cảm giác thông mũi, sảng khoái. Nhiều người có vẻ nghiện hít tinh dầu, cứ vài chục phút sử dụng ống hít một lần. Người trong nhà lại còn dùng chung một ống hít. Việc dùng chung dầu gió còn phổ biến hơn dùng ống hít. Một số người đút cả miệng chai vào lỗ mũi để hít ‘cho đã’. Vi khuẩn từ dịch mũi, nước bọt của người bệnh có thể dính trên miệng chai dầu, lây bệnh từ người này sang người khác.
TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, một số bệnh như cúm, quai bị, rubella, thủy đậu, lao phổi, viêm gan… có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Nếu dùng chung ống hít, chai dầu thì sẽ dễ bị lây bệnh.
Ảnh minh họa
Bệnh viêm xoang do các vi khuẩn S.pneumoniae, H.Influenzae, S.pyogenes, P.aeruginosa hoặc Staphylococcus… gây nên. Tùy thuộc vào vị trí viêm mà dịch nhầy có thể chảy ra mũi hoặc xuống họng. Nếu mũi, họng không được vệ sinh sạch sẽ thì tạo điều kiện cho các vi khuẩn sống ký sinh và phát triển. Bất cứ vật gì khi tiếp xúc với những vi khuẩn này sẽ là tác nhân truyền bệnh từ người này sang người khác.
TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp cũng lưu ý, ống hít hay dầu gió có công dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, làm cho tinh thần thoải mái. Nhưng các loại này đều có tính kích ứng, dùng nhiều có thể gây rát vùng màng nhầy mũi họng, làm giảm khả năng nhận biết về mùi, thậm chí gây hiện tượng ức chế tuần hoàn, hô hấp.
Thuốc nhỏ mắt:dễ lây đau mắt đỏ
Ảnh minh họa
Nhiều người có thói quen hễ mắt chảy nước, xốn, mỏi mắt do đọc sách hoặc xem ti vi, đi ngoài đường về… liền nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mắt để đem lại cảm giác dễ chịu. Các loại thuốc làm dịu mắt, sáng mắt thường được dùng chung cả nhà.
BS. Nguyễn Phạm Trung Hiếu, giảng viên bộ môn Mắt, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết, việc dùng chung thuốc nhỏ mắt có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, nhất là bệnh viêm kết mạc. Đây là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, vi-rút hoặc dị ứng gây nên. Bệnh dễ lây lan ra cộng đồng qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.
Triệu chứng ban đầu của bệnh thường có ghèn nhiều, chảy nước mắt, ngứa, cộm như có vật lạ bên trong...
Ngoài ra, bệnh mắt hột cũng có thể lây lan nếu tiếp xúc với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh do khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra và đường lây lan của bệnh khá đa dạng.
Ngoài dùng chung thuốc nhỏ mắt, việc sử dụng chung khăn mặt, tắm nước ao hồ không sạch… cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh. Biểu hiện gồm cảm giác ngứa, cộm xốn, mờ mắt, chảy nước mắt… Nếu bệnh ở thể nhẹ có thể tự khỏi, nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc mạn tính, sẹo kết mạc, viêm sụn mi, loét giác mạc, sẹo giác mạc,… thậm chí gây mù mắt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!