Bệnh sởi lây lan như thế nào?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Một người mắc sởi dễ dàng lây lan sang những người xung quanh nếu không phòng tránh đúng cách.

Năm 2014, dịch sởi đã trở thành một đề tài nóng được xã hội quan tâm khi hàng trăm trẻ nhỏ tử vong vì sởi. Đầu năm 2015, 100 ca nhiễm bệnh tại Mỹ, một trong những nơi có nền y học phát triển, đã khiến nhiều người lo ngại về sự trở lại của dịch bệnh này.

Đôi điều về sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính bởi vi-rút họ sởi. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng như phát ban, sốt, mũi chảy nước, mắt đỏ, ho… Sởi thường xuất hiện vào mùa đông, xuân, dễ mắc là trẻ em, người lớn không tiêm phòng và dễ lây lan thành dịch. Bệnh có nguy cơ tử vong thấp nhưng có thể gây nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, suy dinh dưỡng, đôi khi là viêm não.

Bệnh sởi lây lan như thế nào?

Sởi là một trong những bệnh dịch nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ (Ảnh: Afamily)

Cơ chế gây bệnh

Khi đã xâm nhập vào cơ thể, vi-rút sẽ nhân số lượng lên nhiều lần ở tế bào đường hô hấp hoặc hạch bạch huyết xung quanh. Đây được coi là thời kỳ ủ bệnh. Sau đó, vi-rút vào máu, theo các bạch cầu tấn công nội tạng như hạch, phổi, lá lách… Hiện tượng phát ban chính là phản ứng đào thải vi-rút của cơ thể.

Vài ngày sau khi phát ban, cơ thể bắt đầu sinh kháng thể loại bỏ vi-rút ra khỏi máu chuyển bệnh sang thời kỳ lui bệnh.

Con đường lây nhiễm

Lây qua đường hô hấp

Bệnh sởi rất dễ lây qua đường hô hấp. Khi không khí có vi-rút sởi, người lành hít phải rất dễ lây bệnh. Trường hợp này thường do người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, phát tán vi-rút vào không khí khiến người khác hít phải rồi mang bệnh.

Bệnh dễ lây lan thành dịch do thời gian ủ bệnh, ban chưa xuất hiện, người mang mầm bệnh thậm chí chưa nghĩ mình mắc sởi nên vẫn đi làm, học tập bình thường. Người xung quanh ít nghi ngờ người đó mang vi-rút sởi nên không có biện pháp phòng tránh. Đây là cơ hội tốt để vi-rút phát tán ra ngoài không khí và lây bệnh sang những người khác.

Bệnh sởi lây lan như thế nào?

Tiêm phòng sởi là cách phòng bệnh tốt nhất (Ảnh: ANTĐ)

Lây trực tiếp

90% người chưa tiêm phòng khi tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi. Cổ họng và mũi là nơi có siêu vi sởi. Khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua việc nói chuyện, người lành có thể mang bệnh. Đặc biệt, các giọt nước có siêu vi rơi xuống các vật dụng xung quanh, người lành vô tình sờ phải rồi tiếp xúc với mũi, miệng cũng rất dễ lây bệnh.

Lây gián tiếp

Ở môi trường ngoại cảnh, vi-rút thường dễ bị tiêu diệt. Vì vậy, cách lây truyền này thường ít gặp.

Cách phòng ngừa

Do đặc điểm dễ lây lan, bệnh sởi có thể nhanh chóng trở thành dịch nếu không có biện pháp cách ly và điều trị kịp thời. Khi phát hiện thấy cơ thể ho dai dẳng, sốt cao liên tục, rất có thể bạn hoặc người thân đã nhiễm sởi, cần tiến hành hạ sốt, cách ly người bệnh với những người chưa tiêm phòng. Người chăm sóc bệnh nhân cần có biện pháp vệ sinh cá nhân đảm bảo, rửa tay sạch sẽ với xà phòng.

Trong trường hợp xuất hiện biến chứng như thở nhanh kèm theo co giật, bạn cần đợi trẻ hết co giật rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.

Để các bệnh cơ hội không có khả năng phát triển, người nhà cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho người bệnh, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khi tiếp xúc nơi đông người, vùng dịch… bạn cần đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và rèn luyện giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh.

Tiêm phòng là cách tốt nhất để không mắc bệnh. Trẻ 8 - 12 tháng tuổi cần được tiến hành tiêm phòng sởi. Với trẻ sơ sinh, lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ giúp trẻ không mang bệnh. Các kháng thể này thậm chí có thể bảo vệ cho các bé đến tận tháng thứ 9. Vì vậy, các phụ huynh không nên đưa con đi tiêm phòng quá sớm hoặc quá muộn.

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!