Sốt phát ban và sởi

Cần biết - 04/29/2024

Sởi dễ gây thành dịch, đặc biệt dễ diễn tiến nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ có những bệnh nền (tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch) và trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh do nhiều loại siêu vi gây ra nhưng có 2 nguyên nhân chính gây bệnh sốt phát ban là siêu vi sởi và siêu vi gây bệnh rubella. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, còn bệnh rubella còn gọi là ban đào. Đây là bệnh lây theo đường hô hấp do người lành hít phải các chất có siêu vi trùng gây bệnh từ người bệnh ho hay hắt hơi.

Sởi dễ gây thành dịch, đặc biệt dễ diễn tiến nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ có những bệnh nền (tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch) và trẻ suy dinh dưỡng. Một số biến chứng của bệnh bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não. Hiện tại trong khoa Nhiễm (BV. Nhi Đồng 1) đang điều trị cho 8 - 9 ca sởi, chủ yếu là trẻ dưới 12 tháng.

Triệu chứng của bệnh

Sốt phát ban do sởi thường biểu hiệu bằng sốt cao kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ vài ngày sau đó phát ban toàn thân. Trước khi phát ban trẻ thường bức rức quấy khóc nhiều và sau khi ra ban trẻ sẽ giảm sốt và giảm quấy. Ban đỏ xuất hiện bắt đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài 4 - 7 ngày.

Trong khi phát ban do rubella thường kèm sốt nhẹ hay không sốt và ban xuất hiện rất nhanh có thể 1 ngày đã nổi khắp cơ thể. Đa số trẻ có kèm tiêu chảy hay phân hơi lỏng.

Sốt phát ban và sởi

Một bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa Nhiễm BV. Nhi Đồng 1

Biến chứng của bệnh

Ban đỏ hay sởi thường có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là viêm não, trong khi ban đào hay rubella rất lành tính ở trẻ em, hiếm gặp biến chứng. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu mắc bệnh ban đào sẽ ảnh hưởng đến thai nhi gây sẩy thai, sinh non, thai nhi sinh ra mắc nhiều tật như mắt, tim, não…

Điều trị bệnh

Bệnh sốt phát ban có thể điều trị tại nhà bằng cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu có sốt, thuốc giảm ho, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.

Cần mang trẻ đến bệnh viện khi trẻ sốt cao không hạ, thở mệt, tiêu phân có máu, chảy mủ tai, co giật hôn mê vì lúc này trẻ đã có biến chứng.

Các quan niệm sai lầm nên tránh

- Kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể: Điều này không nên làm vì khi trùm kín sẽ làm trẻ không thể hạ sốt và sẽ co giật do sốt cao và nếu không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Điều nên làm không để trẻ bị quá lạnh, lau người bằng nước ấm

- Kiêng ăn do sợ trẻ khó tiêu: không nên kiêng ăn vì trẻ bị sốt phát ban thường kèm chán ăn nếu kiêng ăn trẻ sẽ rất dễ suy dinh dưỡng và dễ bị biến chứng. Khi trẻ mắc bệnh cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường ăn thành nhiều bữa, ăn thức ăn, lỏng dễ tiêu. Vì khi mắc sởi, trẻ thường rất biếng ăn.

Phòng ngừa

Cách ly tuyệt đối, không tiếp xúc với trẻ bệnh, đặc biệt người lớn bị mắc bệnh sởi. Nhưng cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban. Vì sởi thường ủ bệnh từ 10 - 14 ngày.

Cách phòng ngừa tốt nhất là chủng ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia:

- Mũi 1: vắcxin sởi lúc 9 tháng tuổi.

- Mũi 2: chích nhắc lại vắcxin sởi - rubella lúc 18 tháng tuổi. Và nếu có điều kiện, trẻ cũng có thể được chích vắcxin dịch vụ 3 trong 1, bao gồm sởi - quai bị - rubella.

Bên cạnh đó, trẻ cần được nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Tăng cường vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của bé; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người hay tiếp xúc trong môi trường đông đúc (bác sĩ, thầy cô giáo…).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!