Bị gút có nên ăn chay?

Dinh dưỡng - 05/07/2024

Axit uric được sinh ra từ sự phân hủy của purin có mặt trong tất cả các mô, tế bào của cơ thể. Nếu chế độ ăn uống của bạn cung cấp quá nhiều purin sẽ làm tăng nguy cơ bị gút.

Tôi nghe nói bệnh gút do uống rượu, ăn hải sản mà mấy thứ đó tôi không ăn, không uống. Nhưng tôi vẫn bị bệnh gút. Xin hỏi phụ nữ có mắc gút không? Nếu tôi ăn chay liệu có hết bệnh không?

Nguyễn Thị Hoài Phương (Nam Định)

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh gout (gút) cao hơn và nhiều người bị đợt gút cấp sau lần ăn nhậu, uống rượu nên người ta cho rằng gút là bệnh của đàn ông và là bệnh của người giàu.

Thực tế phụ nữ cũng có thể bị gút (chiếm khoảng 25%). Đây là một căn bệnh do rối loạn chuyển hóa các chất có liên quan đến tình trạng giảm khả năng đào thải hoặc sự sản sinh acid uric tăng cao bất thường trong cơ thể.

Acid uric trong máu cao được xác nhận là nguyên nhân chính tạo nên các cơn gút. Các phân tử axit uric trong máu khi ở nồng độ lớn (trên 420μmol/L ở nam giới, trên 380μmol/L ở nữ giới) sẽ tích tụ, kết tủa các tinh thể muối urat ngay tại các vị trí khớp, sụn, xương gây ra viêm, tấy, sưng khớp gây đau đớn cho người bệnh.

Axit uric được sinh ra từ sự phân hủy của purin có mặt trong tất cả các mô, tế bào của cơ thể. Nếu chế độ ăn uống của bạn cung cấp quá nhiều purin sẽ làm tăng nguy cơ bị gút.

Các thực phẩm chứa nhiều purin mà người bệnh gút nên tránh là: hải sản, thịt đỏ, phủ tạng động vật, thịt động vật lên men, các loại đậu đỗ, lạc, hạt điều, hạt óc chó, nấm, đồ uống có chứa caffeine; bơ thực vật, dầu ăn...

Vì trong các thực đơn chay thường có các loại đỗ, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (như đậu phụ, váng đậu), nấm, lạc... nên thực đơn ăn chay không phù hợp với người mắc bệnh gút.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!