Nhu cầu năng lượng giảm dần theo tuổi tác, ví dụ một người 70 tuổi có nhu cầu năng lượng thấp hơn khoảng 30% so với khi 20 tuổi. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa và hấp thu lại kém đi. Vì vậy, chế độ ăn của người già phải cân đối 4 nhóm dinh dưỡng gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Chọn lựa chất đạm phù hợp
Người già dễ bị thiếu hụt đạm do việc tiêu hóa, hấp thụ đạm kém, dẫn đến gầy yếu, trí nhớ kém, suy giảm hệ thống miễn dịch... Vì vậy, bổ sung đầy đủ chất đạm thông qua thịt nạc, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng... là cần thiết. Tuy nhiên, nên ưu tiên nhiều đậu đỗ, cá, tôm; chỉ bổ sung lượng thịt nạc vừa phải để tránh béo phì, máu nhiễm mỡ, bệnh gút...
Cơ thể người lớn tuổi cần được bổ sung canxi và các dưỡng chất khác (Ảnh minh họa: Internet)
Tăng cường vitamin và khoáng chất
Nên bổ sung các loại vitamin C, D... và các khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, kẽm... để tăng cường sức đề kháng. Trong đó, vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm, vitamin D nâng cao hệ cơ xương, tim mạch và hỗ trợ hấp thụ canxi ở người già. Thay đổi nội tiết cũng làm giảm khả năng hấp thụ canxi, vì vậy, người già nên tập thói quen uống sữa và ăn yaourt mỗi ngày.
Hạn chế tinh bột và chất béo
Đối với tinh bột và chất béo, nên ăn ở mức vừa phải. Mỗi bữa chỉ nên ăn 1 - 2 lưng bát cơm, ăn nhiều rau xanh, khoai củ để cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, nên ăn các món luộc, hấp, hạn chế các món xào, rán, chất béo từ mỡ động vật.
Do việc tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng kém, việc bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cho người già là cần thiết. Tuy nhiên, nên lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng giàu các loại chất béo có lợi cho tim mạch, axít béo thiết yếu (linoleic và linolenic), cholin và axít oleic giúp hỗ trợ trí nhớ và ít hàm lượng a-xít béo no tạo cholesterol xấu.
Thay đổi thói quen sống cũng góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi (Ảnh minh họa: Internet)
Thay đổi thói quen ăn uống
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen ăn uống cũng góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi. Con cái nên khuyến khích ông bà, cha mẹ uống đủ nước (nước đun sôi để nguội). Cần hạn chế các chất có hại như rượu, bia, nước giải khát làm suy giảm chức năng gan, hút thuốc lá làm tổn thương phổi hoặc uống nước trà quá đặc gây mất ngủ.
Đối với người già, ăn mặn là 'kẻ thù' gây ra các bệnh thận và huyết áp, vì vậy, nên tiết chế muối khi chế biến. Ngoài ra, cũng không nên đun đi nấu lại thực phẩm trong mùa đông, khiến lượng vitamin hao hụt và tăng vị mặn cho món ăn. Thay vào đó, nên chế biến thực phẩm vừa đủ mỗi bữa và ăn ngay sau khi nấu.
Người cao tuổi cũng nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm nhai kỹ. Đặc biệt, không ăn quá no vào buổi tối, vì khi nằm dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép tim, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm. Quan trọng nhất là tạo không khí thoải mái, vui tươi trong bữa ăn và thể hiện sự quan tâm, săn sóc của con cái bằng cách chế biến các món ăn người già yêu thích.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!