Bổ sung vitamin D: Thiếu - thừa đều nguy

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mọi người ở mọi lứa tuổi. Song việc bổ sung vitamin D cho cơ thể cần đúng.

Vì khi bổ sung không đúng dẫn đến tính trạng thừa hay thiếu chất này đều không tốt cho sức khỏe.

Vì sao cần bổ sung đủ vitamin D?

Vitamin D có chức năng tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (còn được gọi là cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol). Do có tác dụng trên nên vitamin D được dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người cao tuổi. Hiện nay nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, vitamin D còn rất nhiều tác dụng khác như tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống bệnh tật, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tự miễn...95% vitamin D trong cơ thể hàng ngày được tổng hợp dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Bổ sung vitamin D: Thiếu - thừa đều nguy

95% vitamin D trong cơ thể hàng ngày được tổng hợp dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Không giống như những vitamin và khoáng chất khác con người có thể hấp thụ được từ thực phẩm ăn vào hàng ngày, vitamin D hấp thụ từ thực phẩm rất ít. Nguồn vitamin D chủ yếu là từ ánh nắng mặt trời. Vitamin D hấp thụ từ thức ăn hàng ngày chỉ khoảng 5%, trong khi đó vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời chiếm đến 95%. Nhưng do phong tục tập quán cũng như điều kiện sống nên ở nước ta tuy là một nước nhiệt đới có nhiều ánh nắng mặt trời trong năm nhưng tỉ lệ thiếu vitamin D vẫn còn khá phổ biến ở trẻ em và người lớn. Một nghiên cứu về tình trạng thiếu vitamin D ở TP. Hồ Chí Minh được công bố gần đây cho thấy có đến gần 50% phụ nữ thiếu vitamin D. Tỷ lệ này ở nam giới là 20%.

Những điều cần lưu ý khi bổ sung vitamin D

Nhu cầu hàng ngày về vitamin D là từ 400 - 600UI/ngày, nhu cầu này không có sự khác biệt lắm giữa trẻ em và người lớn. ở người cao tuổi do hấp thu kém nên nhu cầu cao hơn một chút nhưng cũng không quá 1.000 UI/ngày, có nghĩa là khi xét nghiệm máu không bị thiếu vitamin D nhưng không có điều kiện tắm nắng vẫn có thể bổ sung liều nhu cầu hàng ngày, còn khi đã bị thiếu vitamin D thì phải dùng liều điều trị cao hơn có thể lên tới 4.000UI/ngày, thời gian điều trị khoảng 3 tháng. Khi vitamin D trở về bình thường thì lại giảm xuống liều hàng ngày.

Có thể bổ sung vitamin D cho trẻ như sau: Đối với bé từ 2 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày từ 800-1.000 IU (nếu bé khỏe mạnh); 1.500 IU (nếu bé ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy bé có màu da thẫm). Bé từ 18 tháng tới 5 tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa đông, ít ánh nắng. Đối với bé còi xương, cần uống 1.200 -5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng. Tuy nhiên, tất cả đều phải được chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám, các mẹ không nên bổ sung vitamin tùy tiện cho con vì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn của trẻ để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì vậy cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ cho bé.

Nếu bạn lo lắng về sự thiếu hụt vitamin D ở trẻ hãy hỏi bác sĩ để làm xét nghiệm máu  cho bé. Với những bé bú mẹ hoàn toàn, sinh trong mùa đông, vì điều kiện nào đó mà không được tắm nắng... thì cũng cần hỏi bác sĩ để bổ sung vitamin D. Ngay cả trẻ lớn và người lớn nếu không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vẫn cần phải bổ sung vitamin D. Những trẻ bị béo phì nguy cơ thiếu vitamin D càng hay gặp.

Vitamin D thuộc nhóm tan trong chất béo nên khi uống vào sẽ được tích lũy ở gan để cơ thể sử dụng dần, nên ngoài việc bổ sung duy trì liều theo nhu cầu hàng ngày cũng có thể dùng liều cao theo định kì (theo chỉ định của bác sĩ).

Lời khuyên của thầy thuốc

* Trẻ có thể bị ngộ độc vitamin D nếu cha mẹ tự ý cho con uống vitamin D liều cao trong một thời gian dài. Biểu hiện là trẻ chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều, loạn nhịp tim. Nếu nặng hơn, trẻ bị calci đọng ở mạch máu, tim, thận và làm vôi hóa những nơi này. Do đó trước khi cho trẻ uống bất cứ thuốc gì, kể cả “thuốc bổ”, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

* Những người cần bổ sung thường xuyên là trẻ sơ sinh, trẻ em ít ra ngoài nắng, phụ nữ đang mang thai (nhất là 3 tháng cuối), người cao tuổi ăn ít và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không nhiều, người mắc bệnh đường tiêu hóa gây kém hấp thu vitamin D từ thực phẩm, hoặc mắc bệnh da phải kiêng ra nắng...

* Do vitamin D chỉ tan trong chất béo nên khi bổ sung vitamin D chế độ ăn cần đủ dầu và mỡ, nếu không việc uống vitamin D cũng không có hiệu quả. Những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa như táo bón, đi ngoài phân sống có thể phải dùng vitamin D dạng tiêm bắp.

* Vitamin D không được dùng cho người bị lao phổi đang tiến triển hoặc có bệnh ở ruột, dạ dày, gan, thận, bệnh tăng canxi trong máu và suy tim.

ThS.BS. Lê Thị Hải

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!