Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2017, cả nước ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ho gà, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh khu vực phía Bắc, đặc biệt đã có trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi nhập viện do ho gà đã biến chứng. Trước tình trạng này, Bộ Y đã có công văn khẩn yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh ho gà, trong đó lưu ý tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng...
Nhiều trẻ sơ sinh mắc ho gà biến chứng
Gần đây, Khoa Truyền nhiễm BV Nhi TW liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Các bác sĩ cho biết, đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc-xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc-xin ho gà mũi 1 lúc đủ 2 tháng tuổi). Trong khi đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng. Ghi nhận tại BV Nhi TW, một bệnh nhi mới hơn 1 tháng tuổi nhưng đã mắc ho gà và được nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Dù đã 10 ngày, bé vẫn phải lọc máu và sử dụng máy trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể. Gia đình cho biết, trước khi nhập viện cháu chỉ bị ho nhẹ nhưng chỉ vài ngày sau, cơn ho kéo dài hàng tiếng, bé có biểu hiện tím tái.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc ho gà, cần đưa trẻ đi khám ngay, tránh biến chứng. Ảnh: TM
Theo PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW, ba tháng gần đây, số ca mắc ho gà vào BV Nhi TW có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Thống kê trong 2015 cho thấy, có 56,5% trẻ mắc ho gà dưới 3 tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Nếu cả năm 2015 chỉ có khoảng 10 trẻ mắc ho gà, thì từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 50 ca nhập viện, trong đó có 4 trẻ đã tử vong. Điểm khác biệt so với các năm trước là trẻ mắc ho gà chủ yếu dưới 3 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng.
TS. Trần Minh Điển lưu ý, thời tiết miền Bắc hiện là thời điểm có xu hướng tăng các ca mắc ho gà, do đó cha mẹ cần đưa bé đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 - 3 tháng tuổi vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ dàng phát hiện và dễ gây biến chứng nặng.
Bộ Y tế yêu cầu rà soát tiêm vắc-xin phòng chống ho gà
Để chủ động phòng chống dịch bệnh ho gà, không để dịch bùng phát, chiều ngày 6/3, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 995/BYT-DP về việc tăng cường phòng, chống bệnh ho gà gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh ho gà, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện triệt để việc tiêm vắc-xin, tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, tránh bỏ sót đối tượng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường. Đồng thời, các cơ sở y tế thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng.
Cần tăng cường theo dõi sổ tiêm chủng, nhắc lịch cho từng gia đình, tránh để sót tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: TM
Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng đáng ngại
Những việc mẹ cần làm ngay để con không mắc ho gà
Mách mẹ những dấu hiệu nhận biết bệnh ho gà ở trẻ em
Những sai lầm khi điều trị bệnh ho gà ở trẻ em
Điều trị ho gà dùng các bài thuốc dân gian hay kháng sinh là tốt nhất?
Các tỉnh, thành phố chủ động giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, không để dịch bùng phát; tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Tại công văn khẩn do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký ban hành, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ để đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng và giữ vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây truyền bệnh. Đồng thời, các địa phương tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều; bố trí đủ kinh phí để triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chống dịch khi cần thiết; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, tập trung ở các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp...
Theo Sức khỏe & Đời sống
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!