Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống, gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống. Bệnh nhân thường bị đau thắt lưng tái phát nhiều lần.
Bệnh thường biểu hiện theo 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn đau cấp, xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì tái phát đau.
+ Giai đoạn chèn ép rễ: đau lan xuống chi dưới, đau tăng khi đi, đứng... nằm nghỉ thì đỡ đau.
Để điều trị thoái vị đĩa đệm BS. Nguyễn Thị Thúy - Bộ Y tế cho biết: 'Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nên nằm bất động - biện pháp cần thiết trong điều trị đau thắt lưng cấp và thoát vị đĩa đệm nặng.
Nằm trên phản cứng, tư thế nằm ngửa, 2 chân hơi co ở khớp gối và khớp háng để chùng cơ và giảm áp lực nội đĩa đệm (có thể cho gối tròn đệm vào vùng khoeo). Thời gian bất động 1-2 ngày, nếu nặng có thể 5-6 ngày. Khi gần hết thời gian bất động thì bắt đầu cho vận động tăng dần: ngồi dậy, đi lại, tập một số động tác thể dục nhẹ.
Dùng thuốc giảm đau chống viêm, giãn cơ.
- Thuốc giảm đau: uống hoặc tiêm tùy mức độ, các thuốc thường dùng là: Aspirin PH8, voltaren, Profenid... uống sau ăn no, không dùng cho người viêm loét dạ dày. Nếu bác sĩ chỉ định dùng, cần chọn liều thấp có tác dụng giảm đau, nên theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ của thuốc.
Có thể dùng các thuốc xoa bóp hoặc dán ngoài như: thuốc mỡ nọc rắn, methyl salicylat, cao dán, cồn xoa bóp... Không nên dùng các thuốc có steroid.
- Thuốc giãn cơ: nếu có co cơ cạnh cột sống gây vẹo và đau nhiều thì dùng các thuốc giãn cơ vân như: myonal, mydocalm, diazepam…
Phối hợp uống thuốc có thể điều trị bằng các phương pháp vật lý như đắp paraffin nóng nhiệt độ khoảng 45 độ C, túi chườm nóng, chiếu hồng ngoại... vào vùng thắt lưng 20-30 phút, có tác dụng giảm đau, giãn cơ. Nhiệt khối của sóng ngắn và vi sóng có tác dụng rất tốt nhất là đối với viêm thần kinh hông to (đặt dọc dây thần kinh).
- Xoa bóp, bấm huyệt vùng cột sống thắt lưng ở giai đoạn đau cấp, cần thao tác nhẹ nhàng tránh những tác động mạnh, làm bệnh nhân đau tăng lên. Giai đoạn đau mạn có thể thực hiện đầy đủ các thao tác xoa bóp mạnh như xoa, vuốt, bóp, chặt, rung...
Kết hợp ấn, bấm các điểm đau cột sống (các huyệt thuộc mạch Đốc trên gai đốt sống), các điểm đau cạnh sống (là các du huyệt thuộc kinh Bàng quang) và các điểm đau chạy dọc đường đi của dây thần kinh hông to (các huyệt thuộc kinh Bàng quang).
Để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần tránh mang vác quá sức; khi bê vật nặng, nên ngồi xổm rồi từ từ bê lên, chứ không được cúi xuống để nhấc vật lên. Tránh các động tác đột ngột, dễ bị thoát vị lại.
>>Xem thêm:Hỏi đáp về bệnh thoát vị đĩa đệm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!