BS Nguyễn Thị Thúy: Chế độ ăn cho phụ nữ mãn kinh

Cần biết - 04/19/2024

Mãn kinh là một giai đoạn phải trải qua của người phụ nữ.

BS Nguyễn Thị Thúy: Chế độ ăn cho phụ nữ mãn kinh

Hiện tượng sinh lý này thường diễn ra ở tuổi 50 - 55, có thể đến sớm hay đến muộn, tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng người. Nhưng, mãn kinh sớm sẽ không tốt bằng mãn kinh đúng tuổi hay mãn kinh muộn. Mãn kinh được xác định sau 12 tháng, người phụ nữ hoàn toàn không có kinh liên tục và được thể hiện trước đó, bằng các triệu chứng rối loạn về kinh nguyệt, rối loạn vận mạch, rối loạn sinh dục, giao hợp đau, rối loạn giấc ngủ và thay đổi tính cách…

BS. Nguyễn Thị Thúy - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế, cho biết:

Tuổi mãn kinh bình thường, đúng tuổi là khoảng ngoài 50 tuổi, tiền mãn kinh xảy ra trước 3 - 5 năm. Tức là tiền mãn kinh xuất hiện ở tuổi 45 - 47 tuổi. Còn mãn kinh sớm là tình trạng mãn kinh xảy ra trước tuổi 40. Nếu ở độ tuổi này mà người phụ nữ không có chu kỳ kinh nguyệt thì lúc này được gọi là mãn kinh sớm. Mãn kinh muộn là mãn kinh xảy ra sau độ tuổi 60.

Chế độ ăn cho người mãn kinh: đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết:

- Hạn chế chất béo (trung bình 20g hay 4 muỗng cà phê/ngày), đặc biệt là các loại mỡ bão hoà (thịt bò, thịt lợn, đôi khi thịt gà). Nên xử dụng các a - xít béo cần thiết như omega - 3 và omega - 6 cải thiện một số triệu chứng của mãn kinh: giảm mỡ trong máu, cải thiện các triệu chứng của viêm khớp và giảm nguy cơ ung thư vú. Omega - 3 có trong bí ngô cả hạt, dầu cải, cá hồi, cá thu, cá trích, tảo, rong biển, trứng. Nên ăn cá biển ít nhất 3 lần/tuần. Omega - 6 có trong bắp ngô, hạt hướng dương, mè, thịt, các sản phẩm sữa, trứng, mực.

- Hạn chế chất bột đường, giúp kiểm soát được cân nặng. Nên ăn các loại đường phức (có trong các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc) tránh các đường đơn (đường dưới 20 g/ngày) có nhiều trong các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt.

- Ăn đủ thức ăn giàu đạm. Mỗi ngày nên ăn trung bình 50g thịt, 100g đậu phụ, 50 - 100g cá, 30g đậu đỗ. Trứng 3 - 4 quả/tuần. Nếu mỡ máu cao hay có bệnh sỏi mật: ăn 1 - 2 quả/tuần.

- Ăn nhiều rau quả (30 g/ngày), trái cây (200 g/ngày) để cung cấp nhiều chất xơ, các vitamin B, C, D, E và khoáng chất giúp bảo vệ bệnh tim mạch, xương khớp, một số bệnh ung thư. Các chất xơ giúp giảm mỡ máu, tránh táo bón.

- Cung cấp đủ nhu cầu canxi: 1000 - 1.200 mg/ngày (lượng canxi nên dưới 2000 mg/ngày). Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tốt về số lượng và chất lượng (dễ hấp thu). Nên dùng khoảng 60g đậu nành hay 2 cốc sữa đậu nành mỗi ngày.

- Cung cấp đủ vitamin D: 200 - 400 đơn vị/ngày.

- Nên sử dụng thêm một số vitamin và khoáng chất cần thiết, nếu chế độ ăn không đảm bảo cung cấp đủ, đặc biệt là các chất chống oxy hoá, ngăn chặn quá trình lão hóa như: vitamin C, E, betacarotene, selen, kẽm, lycopene, coenzym Q10...

- Hạn chế ăn mặn: muối dưới 10 g/ngày (nếu có bệnh thận, tim mạch, tiểu đường dưới 6 g/ngày).

Hạn chế muối trong khẩu phần ăn bằng cách: nấu nhạt, không chấm thêm nước mắm, muối, nước tương, bớt dùng bột ngọt, giảm các thức ăn mặn như mắm, tương, dưa cà, dưa muối, tránh các thức ăn chế biến sẵn (mì ăn liền, giò, chả, lạp xường, đồ hộp...).

- Uống đủ nước 2 - 2,5 lít/ngày.

- Tránh sử dụng các chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu, chocolate…

- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày (ít nhất 5 giờ/tuần) giúp duy trì cân nặng, giảm vòng eo, giảm huyết áp, duy trì và tăng cường sức cơ, phòng ngừa gãy xương do loãng xương.

- Tạo môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc.

- Tích cực sử dụng các thực phẩm giàu hormon sinh dục nữ như buồng trứng chuẩn bị đẻ của gà mái tơ, đậu nành, đậu xanh, giá đậu, mầm đậu nành, lạc, vừng, dừa…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!